Chế phẩm thuốc trừ sâu từ tinh dầu lá Giổi chanh

GD&TĐ -Tinh dầu lá Giổi chanh (Magnolia Citrata) chống lại hai loài gây hại chính là muỗi sốt vàng Aedes Aegypti (Culicidae) và ruồi giấm Địa Trung Hải Ceratitis Capitata (Tephritidae).

Tinh dầu trong lá Giổi chanh diệt được nhiều loại côn trùng gây hại.
Tinh dầu trong lá Giổi chanh diệt được nhiều loại côn trùng gây hại.

Loại lá phổ biến vùng Tây Bắc

Nghiên cứu sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm phòng trừ và xua đuổi côn trùng, muỗi từ thảo mộc là hướng nghiên cứu được quan tâm không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam - nước nhiệt đới nóng ẩm thường xuyên phải đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm từ muỗi.

Nhóm nghiên cứu Tài nguyên thực vật thuộc Trung tâm Khoa học sự sống, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những thảo luận trao đổi nghiên cứu với nhóm nghiên cứu của TS Nurhayat Tabanca thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp (USDA-ARS), Cục Nghiên cứu Trồng trọt cận nhiệt đới trong dự án về Quản lý dịch hại từ sản phẩm tự nhiên để nghiên cứu sáng chế ra loại thuốc diệt côn trùng từ tinh dầu cây Giổi chanh.

TS Lưu Đàm Ngọc Anh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, tinh dầu loài Giổi chanh Magnolia citrata Noot và Chalermglin (Magnoliaceae) được đánh giá về hoạt tính diệt côn trùng đối với muỗi sốt vàng Aedes aegypti và hoạt động dẫn dụ đối với ruồi giấm Địa Trung Hải Ceratitis capitata.

Lá của cây (Giổi chanh) được thu hái từ Tây Bắc Việt Nam theo nghiên cứu rất giàu tinh dầu có tác dụng này. Đáng tiếc đến nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu bài bản nào về tác dụng của tinh dầu này đến việc xua đuổi và diệt côn trùng.

Trong nghiên cứu này, nhóm thực hiện thu tinh dầu bằng phương pháp chưng cất và được phân tích thành phần bằng phương pháp sắc ký khí và khối phổ (GC-MS). Các thành phần chính của tinh dầu lá loài Giổi chanh được xác định gồm: Linalool 19%, geranial 16%, citronellal 14%, neral 14% và sabinene 12%.

Tinh dầu từ lá Giổi chanh cho thấy tỷ lệ chết 100% ở 1 μg/μL đối với ấu trùng Ae. aegypti ở lứa đầu tiên (chủng Orlando, ORL), tỷ lệ chết 54% (ORL) và 68% (chủng Puerto Rico) ở mức 5 μg/con muỗi chống lại con cái trưởng thành Ae. aegypti.

Các sàng lọc ban đầu ban đầu cho thấy tinh dầu của loài nghiên cứu có hoạt tính diệt côn trùng yếu so với permethrin đối chứng tích cực. Trong các thử nghiệm sinh học với C. capitata đực bất dục, tinh dầu thể hiện sức hút mạnh vừa phải, có thể so sánh với kết quả được quan sát ở đối chứng dương tính, tinh dầu Tetradenia riparia (TREO).

Quản lý sâu hại an toàn

TS Lưu Đàm Ngọc Anh cho biết, kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành Molecules năm 2021. Các chất chiết xuất từ thực vật và tinh dầu cung cấp những giải pháp bổ sung để quản lý sâu bệnh hại, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

TS Phan Kế Long, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, Giổi chanh (Michelia citrata) là loài Ngọc lan được ghi nhận và bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam vào năm 2011.

Trước đây loài này được cho là đặc hữu của Thái Lan, nhưng được phát hiện có phân bố tự nhiên tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang. Các bộ phận sinh dưỡng của cây đều chứa tinh dầu thơm mùi sả chanh, lá và hạt được sử dụng làm gia vị.

Cây Giổi xanh cao 20 - 35 m, đường kính thân khoảng 20 - 100 cm hoặc hơn; thân nhẵn, vỏ xám, không nứt, có nhiều vết ngang trên thân. Lá xếp xoắn ốc, lá non gập đôi khi còn trong búp lá; lá trưởng thành dai, bóng, màu lục sẫm, phiến nguyên, dạng xoan rộng.

Hoa lưỡng tính, đơn độc, mọc từ nách lá, thơm dịu, màu vàng ngà, nhẵn, dài khoảng 5,5 cm. Cây ra hoa tháng 4 - 5; mùa quả tháng 9 - 10. Cây là nguồn tài nguyên dược liệu quý ở Việt Nam chưa được khai thác đúng mức với tiềm năng.

Theo nhóm nghiên cứu, do tác động bất lợi của thuốc trừ sâu tổng hợp đối với môi trường và sức khỏe con người, cần phải xây dựng các chiến lược kiểm soát thay thế để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu.

“Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên chúng tôi nghiên cứu tinh dầu lá của cây Magnolia citrata từ Việt Nam và hoạt tính sinh học của nó đối với hai loài côn trùng gây hại chính có tầm quan trọng trong nông nghiệp, y tế và thú y.

Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm thời gian và điều kiện để tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn theo hướng này, xa hơn có thể phục vụ nền nông nghiệp 4.0 nói không với thuốc trừ sâu hóa học”, TS Ngọc Anh cho biết.

Hiện cây Giổi chanh chủ yếu mọc tự nhiên, đứng trước nguy cơ dần cạn kiệt do khai thác gỗ. Theo nhóm nghiên cứu, cần thiết lập nhân giống bảo tồn, phát triển để đưa Giổi chanh thành cây dược liệu có giá trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.