(GD&TĐ) - Chỉ trong một thời ngắn, khu dân cư Chơn Tâm 2B, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng có số lượng người mắc bệnh và tử vong vì ung thư liên tục gia tăng. Sự việc khiến người dân, mà hầu hết họ là cán bộ, giảng viên, nhân viên đã và đang công tác giảng dạy tại các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng tỏ ra hoang mang, lo lắng. Vấn đề đang cần chính quyền cùng các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân.
Khu dân cư Chơn Tâm 2B (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nằm trên đường Tôn Đức Thắng (Quốc lộ 1A) khu vực phía Nam Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có khoảng 100 hộ là cán bộ, giảng viên, nhân viên đã và đang công tác tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và một số trường ĐH, CĐ khác trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây người dân trong khu dân cư này luôn trong tâm trạng hoang mang, lo lắng khi số lượng người mắc bệnh và tử vong do ung thư ngày càng nhiều.
Khu dân cư tỏ ra hoang mang vì số lượng người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều |
Mang tâm trạng bất an, bà Đỗ Thị Trường, Tổ trưởng tổ 72, khu dân cư Chơn Tâm 2B - nguyên là giảng viên khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) lo âu: “Tâm trạng chúng tôi giờ rất bất an và lo lắng vì hiện tượng bất thường này?”
Lo sợ trước số người bị ung thư ngày càng nhiều, ông Nguyễn Danh Thành, Tổ trưởng tổ 74, khu dân cư Chơn Tâm 2B, buồn bã: “Hiện người dân trong khu dân cư đều tỏ ra hoang mang, bởi chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà tại khu dân cư nhỏ bé này lại có nhiều người tử vong do bệnh ung thư. Hiện ở khu dân cư này đang có thêm 9 trường hợp mắc bệnh ung thư”.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng |
Theo danh sách mà các tổ trưởng tổ dân phố khu dân cư Chơn Tâm 2B cung cấp, những trường hợp mắc bệnh và tử vong tập trung vào các loại bệnh như: Ung thư máu, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư gan, ung thư dạ dày và bị đột biến gen ở da và tủy xương.
Những người sống trong khu dân cư cho biết, từ trước đến nay nguồn nước sử dụng của khu dân cư là nước máy, nguồn thực phẩm từ các chợ trên địa bàn cung cấp. Không biết nguyên nhân gì mà số người mắc bệnh ung thư xảy ra liên tục và có xu hướng tăng khiến người dân hoang mang, sợ hãi.
“Trong các lần họp tổ, bà con trong khu dân cư đều nghi ngờ và cho rằng nguyên nhân làm cho số lượng người bị mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều là do các trạm thu phát sóng thông tin, di động gây ra”, bà Trường phán đoán.
Ông Nguyễn Danh Thành, cho biết thêm: “Duy chỉ trong khu vực dân cư nhỏ bé này đã tập trung 2 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) ngoài ra quanh khu vực này còn có các trạm khác nữa. Chúng tôi là “người trần, mắt thịt” làm răng biết được các trạm thu phát sóng này không có tác hại đến sức khỏe và gây ra bệnh ung thư?”
Ông Đinh Quang Quý, lo lắng nói: “Trong thời gian qua, tại các cuộc họp ở phường, bà con trong khu dân cư đã phản ánh vấn đề này với chính quyền địa phương. Sự việc càng trở nên căng thẳng khi trong các cuộc họp chi bộ, các ý kiến đều cho rằng tác nhân làm cho bệnh ung thư càng ngày càng gia tăng trong khu dân cư là do các trạm BTS và đề nghị chi bộ làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương tháo gỡ hai trạm BTS này”.
Người dân hoang mang đổ lỗi cho trạm BTS |
Giải thích về những nguyên nhân có nguy cơ gây ra các bệnh ung thư, bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Phó Gám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cho biết: Có rất nhiều yếu tố tác động gây ra loại bệnh này. Trong đó, tập trung các yếu tố cơ bản như: Môi trường sống, môi trường làm việc, chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động, nguồn thực phẩm sử dụng hằng ngày, tính chất di truyền…”.
Bác sĩ Long khẳng định: “Cho đến thời điểm này, chưa có một kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh được sóng điện từ của các trạm BTS gây ảnh hưởng có hại cho con người và là yếu tố tác động gây ra các loại bệnh ung thư. Việc tập trung số lượng nhiều người mắc bệnh ung thư trong một cộng đồng dân cư nhỏ không phải là trường hợp đặc biệt, hiếm gặp. Người dân không phải lo lắng khi khu vực sống của mình có trạm BTS. Không nên hoang mang, lo sợ về mối nguy hiểm đối với sức khỏe con em mình.
Tuy nhiên, để ổn định tâm lý và cuộc sống người dân, bác sĩ Nguyễn Hồng Long cho rằng, vấn đề này rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, vừa để chứng minh, giải thích cho người dân nắm rõ và hiểu được vấn đề, vừa động viên người dân vượt qua nỗi sợ hãi, hoang mang để ổn định cuộc sống.
Đại Thắng