Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ lấy sự học trị yên vùng loạn

GD&TĐ - Không chỉ là danh sĩ nổi tiếng đương thời, Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ còn là vị quan văn võ song toàn, có tài trị yên vùng loạn.

Nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ được xây dựng trên mảnh đất nhà ở cũ.
Nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ được xây dựng trên mảnh đất nhà ở cũ.

Con rể quan Trạng

Nguyễn Đương Hồ sinh năm 1657, tên húy là Phú Tế (Tuế), tự là Phú Hồ, người làng Dương Húc, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có bố tên là Nguyễn Phú Thung, mẹ là Nguyễn Thị Diệu Hợp.

Tương truyền, bẩm sinh ông đã rất thông minh, lại may mắn gặp được những người thầy giỏi và đầy danh vọng dạy bảo, bởi vậy mà đường khoa cử trở nên thuận lợi.

Theo một số nguồn ghi chép xưa, thì thuở ban đầu Nguyễn Đương Hồ khai tâm ở trường Phù Chẩn do các nho sinh dòng họ Nguyễn Xuân - dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính giảng dạy.

Sau này, ông theo học trường Phù Đổng với người thầy nổi tiếng là Trạng nguyên Đặng Công Chất. Năm 1675, sau khi đỗ khoa thi Hương, Nguyễn Đương Hồ xuống Phù Đổng tạ ơn thầy thì gặp con gái quan Trạng là tiểu thư Đặng Thị Lưu, 3 năm sau hôn lễ giữa hai người được tổ chức – ông trở thành rể của quan Trạng họ Đặng.

Xuất thân từ quan văn nhưng Nguyễn Đương Hồ nhiều lần lĩnh chức quan võ để ổn định các vùng biến loạn. Ảnh minh họa: IT.

Xuất thân từ quan văn nhưng Nguyễn Đương Hồ nhiều lần lĩnh chức quan võ để ổn định các vùng biến loạn. Ảnh minh họa: IT.

Trước khi tham gia khoa thi Hội, Nguyễn Đương Hồ đã theo học và tham vấn kiến thức của thầy Đàm Thận Cư người Hương Mạc và Đông các đại học sĩ - Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo người làng Hoài Bão. Đây không chỉ là hai nhà khoa bảng nức tiếng đương thời, mà còn là hai danh sĩ nổi bật của đất Kinh Bắc xưa. Tại đây, ông quen biết và trở thành đồng môn với Nguyễn Đăng Đạo.

Tại khoa thi năm Quý Hợi (1683), Nguyễn Đăng Đạo đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Đương Hồ đỗ Hoàng giáp. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này có ghi: “Chiếu trên ban xuống, kẻ sĩ trong nước náo nức chiếm tên bảng vàng, hát thơ Lộc minh đến ứng thí tất cả đến 3.000 người. Qua trường bốn, lấy hạng trúng cách được 18 người. Bảng mực nhạt vừa mới treo lên thì năm cũ cũng vừa sắp hết.

Đến tháng Giêng năm Giáp Tý vào sân lớn làm bài đối sách, Hoàng thượng định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Đăng Đạo 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Đương Hồ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Thiện Thuật 14 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền xướng danh, treo bảng đề tên ở nhà Quốc học. Được ban áo xanh đai mũ, yến Quỳnh hoa bạc, sự đãi ngộ ân sủng chẳng kém gì các khoa trước”.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Đương Hồ được bổ nhiệm làm Hàn lâm hiệu lí. Năm Ất Hợi (1695), để tránh tên húy của Phú đô tướng quân Trịnh Căn, ông đổi tên là Đương Hồ. Ông làm quan dưới 2 triều vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông cùng chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương, kinh qua nhiều chức quan: Đô ngự sử, Hình bộ Thượng thư kiêm Binh bộ tả thị lang Bồi tụng, đời vua Lê Dụ Tông phong tước Quận Công.

Dẹp yên vùng loạn

Bia ghi chép về hành trạng, sự nghiệp của nhà khoa bảng Nguyễn Đương Hồ.

Bia ghi chép về hành trạng, sự nghiệp của nhà khoa bảng Nguyễn Đương Hồ.

Các tài liệu lịch sử có ghi khá chi tiết về đường quan lộ của Nguyễn Đương Hồ. Năm 1688, khi 31 tuổi ông lĩnh chức Hiến sát sứ Thanh Hóa. Năm 1695, ông được trở lại kinh đô nhận các chức: Trị thùy sử ứng vụ, Bình thuyên lại khoa.

Sau khi vừa trở lại kinh đô được 1 năm, ông lại được triều đình cử làm Đốc đồng trấn Cao Bằng - là một biên trấn còn nhiều thế lực của nhà Mạc cát cứ nên rất phức tạp.

Tuy nhiên với tài thao lược của mình, Nguyễn Đương Hồ đã ổn định tình hình, làm cho các dân tộc thiểu số vùng phiên trấn hướng về triều đình, tuân theo phép nước.

Năm 1700, ông được bổ chức Lễ khoa đô cấp sự trung. Năm 1705, thăng chức Lại khoa Đô cấp sự trung kiêm Tri thị nội thư tả binh phiên. Năm 1709, nhận chức Thiêm đô ngự sử, Bồi tụng ngự sử đài. Năm 1714, thăng chức Hình bộ thị lang kiêm Công bộ hữu thị lang.

Khoa thi Hội năm Ất Mùi (1715), ông được cử làm Giám thị. Cũng trong năm này, ở Nghệ An có dịch lớn khiến tình hình mất ổn định, Nguyễn Đương Hồ lại được phái vào Nghệ An làm Đốc đồng để ổn định xã hội.

Đầu năm 1717, Nguyễn Đương Hồ 61 tuổi trở lại kinh nhận chức Phó đô ngự sử. Khi chúa Trịnh Cương sắp xếp nội các mới, Nguyễn Đương Hồ được chọn làm Đô ngự sử, Bồi tụng giữ chức Binh bộ tả thị lang, Hình bộ tả thị lang.

Trong công cuộc củng cố triều đình, Hình bộ Thượng thư Nguyễn Đương Hồ đã có những đóng góp đáng kể. Ông được chúa Trịnh chấp thuận cho tiến hành những cải cách trong lĩnh vực xét xử kiện tụng, giải quyết các vụ án phức tạp tồn đọng.

Đặc biệt, triều đình đã giảm tội “đồ” đối với một số tội phạm, giảm tội “ngoạt” (các hình phạt có tính chất dã man như chặt chân, chặt tay, chặt ngón tay…) theo đề xuất của Nguyễn Đương Hồ và vẫn nghiêm trị các tội trộm cướp, giết người, cờ bạc, rượu chè, tham nhũng.

Tương truyền, vì thường xuyên được chọn để nhậm các chức quan ở các vùng “nóng” đã hoặc đang xảy ra biến loạn nên Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ có các cách ứng xử rất khéo léo.

Ông lấy văn hóa tri thức để mở mang đầu óc, lấy giáo dục để mở mang nhận thức, giúp người dân nhận rõ thiệt - hơn, sáng - tối, thế thời. Nhờ vậy, dù ở vùng phiên trấn phức tạp nhưng chỉ sau vài năm là tình hình ổn định, loạn tự dẹp yên.

Cuối năm 1725, sau gần 42 năm làm quan, Nguyễn Đương Hồ về trí sĩ tại quê nhà ở tuổi 70. Trong 15 năm trí sĩ tại quê nhà ông đã làm nhiều việc làm vẻ vang cho quê hương, duy trì kỉ cương, gia phong, quan tâm đến việc giáo dục đào tạo nhân tài kế cận cho đất nước.

Năm Canh Thân (1740), Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ qua đời ở tuổi 84. Ba tháng sau khi mất, ông được triều đình truy phong tước hiệu Thiếu bảo, thụy Đoan Túc.

Phần mộ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ.

Phần mộ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ.

Tinh thần xưa trên mảnh đất cũ

Nhà thờ Nguyễn Đương Hồ tại xã Đại Đồng vẫn hiển hiện như một nhân chứng trường tồn cho tinh thần hết mình vì nước mà Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ đã cống hiến. Theo dòng họ Nguyễn Đương, di tích vốn là khu nhà ở của Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ.

Năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740), ngay sau ông mất ngôi nhà trở thành nhà thờ của dòng họ. Năm 1800 do loạn lạc nên nhà thờ bị đốt cháy, sau lại được khôi phục. Đến năm 1949, nhà thờ bị thực dân Pháp đốt cháy toàn bộ và đến năm 1950 gia đình dựng lại.

Trong khuôn viên có nhà thờ chính với kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc”, bộ khung bằng gỗ, 5 gian. Trong di tích còn lưu giữ được những tài liệu, hiện vật quí gắn với Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ, như: Gia phả dòng họ “Gia thặng lược ký”, gương đồng, kẻng đồng, lọ đựng bút bằng đồng cùng một số các cổ vật bằng sành sứ. Đồ thờ bằng gỗ cũng còn lại một số như: Đài gỗ, phần trên đỉnh cửa võng, hoành phi và ngai thờ (ỷ thờ) được sơn son thiếp vàng.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu, nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ là di tích lưu niệm danh nhân văn hóa tiêu biểu. Đây chính là nơi danh sĩ Nguyễn Đương Hồ đã sống cả quãng đời ấu thơ, thời dùi mài kinh sử đến khi có danh vọng ra làm quan rồi trở về trí sĩ tại quê nhà.

Các hiện vật được lưu giữ trong di tích này cũng là những bằng chứng phản ánh về cuộc đời, sự nghiệp của nhà khoa bảng nổi danh thời đó.

Tọa đàm khoa học 'Thân thế - sự nghiệp Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ' diễn ra năm 2016.

Tọa đàm khoa học 'Thân thế - sự nghiệp Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ' diễn ra năm 2016.

Cùng với nhà thờ, phần mộ của Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ cũng được các thế hệ con cháu gìn giữ chăm sóc cẩn thận. Phần mộ hiện nay nằm trên cánh đồng ngay đầu làng Dương Húc trong khuôn viên rộng khoảng 150m2. Toàn bộ khu đất đã được xây tường bao bảo vệ, phần mộ đã được xây đắp, trang trí khang trang với kiểu dáng và họa tiết truyền thống.

Với những thành tựu để lại cho đời, năm 2016 ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh cùng dòng họ Nguyễn Đương đã tổ chức tọa đàm khoa học “Thân thế - sự nghiệp Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ” với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám, Hội Khoa học lịch sử…

Các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ nhằm giáo dục truyền thống hiếu học và lan tỏa tinh thần dấn thân không ngại khó ngại khổ.

Hàng năm vào ngày 9/7 âm lịch - ngày mất của Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ, các thế hệ con cháu cũng như người địa phương lại tề tựu để tổ chức các hoạt động tưởng niệm.

Đây vừa là dịp gặp mặt, vừa là dịp biểu dương khen thưởng những tấm gương tiêu biểu, trưởng thành bằng con đường học vấn làm rạng danh gia đình, dòng họ và quê hương.

Chính vì vậy, di tích nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ còn trở thành nơi giáo dục truyền thống hiếu học khoa bảng. Với những giá trị đó, nhà thờ và phần mộ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.