Hoàn thiện hệ thống chính sách về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục Đại học

Hoàn thiện hệ thống chính sách về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục Đại học

Nghị định nhằm hướng dẫn chi tiết Điều 39, 40, 41 Luật Giáo dục ĐH 2012 và Điều 42 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học 2018, quy định về hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trong CSGDĐH công lập và tư thục.

Để có căn cứ thực tiễn cho việc xây dựng dự thảo Nghị định, trước đó, Bộ GD&ĐT đã thực hiện báo cáo đánh giá toàn diện thực trạng chính sách và tác động kinh tế - xã hội của chính sách; làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập cần giải quyết, từ đó đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách về hoạt động KHCN trong CSGDĐH ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, các chuyên gia tập trung thảo luận các giải pháp, cơ chế chuyển giao đạt hiệu quả. Trong đó, bao gồm khuyến khích thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp; khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ KHCN; khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ, phân chia lợi ích khi chuyển giao kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ.

Các chuyên gia cũng trao đổi về việc thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong CSGDĐH, đẩy mạnh việc thành lập doanh nghiệp KHCN trong CSGDĐH, khuyến khích hợp tác về KHCN giữa CSGDĐH và doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp đặt hàng, tài trợ kinh phí cho hoạt động KHCN trong CSGDĐH, cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các ý kiến góp ý cũng đề cập tới các quy định về xây dựng nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh với các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng trong CSGDĐH, nhằm tạo môi trường làm việc cho nhà khoa học, tạo ra những tập thể nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết các mục tiêu KHCN quốc gia.

Để dự thảo Nghị định hoàn thiện và có ý nghĩa thực tiễn, chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần phải trao quyền tự chủ tối đa cho CSGDĐH trên tinh thần gắn với trách nhiệm giải trình. Những gì gây lúng túng, gây khó cho CSGDĐH cần xem xét, tạo hành lang pháp lý thuận lợi.

Theo đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần rà soát toàn bộ dự thảo để đảm bảo nội dung Nghị định không được trùng lặp với các quy định khác và tập trung giải quyết đặc thù của hoạt động KHCN trong CSGDĐH. Đặc biệt, Nghị định phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về KHCN của CSGDĐH mà chưa có quy định nào giải quyết.

Thứ trưởng đánh giá, dù theo định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng, CSGDĐH đều phải thực hiện hai nhiệm vụ là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thu từ chuyển giao công nghệ ở các CSGDĐH gần như không có; công bố quốc tế mặc dù đã tăng mạnh những năm gần đây nhưng vẫn còn khiêm tốn, xếp hạng đại học Việt Nam tuy thăng hạng nhưng chưa thực sự tương xứng so với tiềm lực.

“Nếu trong 5-7 năm tới, cải thiện được những khó khăn này thì sẽ tạo được thay đổi đột phá” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định và tin tưởng, thay đổi cơ chế sẽ giúp tăng động lực, đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tăng số lượng công bố quốc tế, thu hút cả nhân tài người Việt trở về và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam hợp tác.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động KHCN trong CSGDĐH sẽ tiếp tục được lấy ý kiến góp ý rộng rãi trước khi chỉnh sửa, hoàn thiện trình Chính phủ.

Theo số liệu của World Bank năm 2019, đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước cho hoạt động NCKH trong ngành giáo dục có xu thế giảm trong những năm qua, trong khi vốn đã khiêm tốn so với đầu tư cho hoạt động NCKH của các Bộ, ngành khác. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển KHCN trong CSGDĐH cả nước chỉ đạt 0,23% GDP trong tổng số gần 6% GDP cho toàn ngành giáo dục. Trong khi đó, số lượng các nhà khoa học trong ngành ngày càng tăng, số lượng các sản phẩm KHCN của CSGHĐH đóng góp cho tiềm lực KHCN quốc gia ngày càng lớn, công bố quốc tế năm 2019 của ngành GD&ĐT đạt 85% tổng số công bổ quốc tế của cả nước.

Nghị định quy định về hoạt động KHCN trong CSGDĐH lần này tập trung một số đột phá về cơ chế tài chính; thành lập doanh nghiệp trong CSGDĐH theo mô hình spin-off, start-up; ưu tiên đầu tư cho một số CSGDĐH định hướng nghiên cứu, một số CSGDĐH đã được xếp hạng trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học danh tiếng của thế giới và 500 trường tốt nhất châu Á; xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh mang tính dẫn dắt; tăng cường phát minh sáng chế; tăng cường nguồn thu cho Quỹ phát triển KHCN và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của CSGDĐH; đẩy mạnh vai trò tư vấn, chuyên nghiệp hóa hoạt động KHCN và ĐMST của tổ chức quản lý KHCN trong CSGDĐH.

GS.TS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường , Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ