Phòng chống xâm hại trẻ em: Nâng cao nhận thức là gốc

GD&TĐ - Thông tin liên quan đến các vụ xâm hại trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, gây bức xúc, lo lắng cho các bậc cha mẹ. Để giải quyết việc này cần có sự nhận thức sâu sắc vấn đề, chỉ rõ những nguyên nhân để bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị xâm hại và dễ bị tổn thương.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị xâm hại và dễ bị tổn thương.

Nỗ lực nhưng chưa hiệu quả

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990. Việt Nam cũng đã hoàn thành trước hạn các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về trẻ em. Năm 2016, Luật Trẻ em ra đời trên cơ sở Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới; ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tạo bước chuyển trong thực hiện quyền trẻ em.

Tuy nhiên, có một thực tế là công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập, nổi cộm là vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em đang diễn ra phức tạp, với nhiều vụ việc đau lòng.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, trong đó có 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.

Đối tượng gây án không chỉ là những người có nhận thức thấp mà có cả giáo viên, công chức Nhà nước, người cao tuổi, đặc biệt có người làm trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật… Đáng chú ý là nhiều vụ tấn công xâm hại trẻ em xảy ra ngay trong trường học, nơi công cộng như thang máy, công viên… và tại nhà của nạn nhân. Điển hình là vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng bị khởi tố vì hành vi “nựng” một bé gái trong thang máy một chung cư tại Quận 4, TPHCM đầu tháng 4.

Trẻ em – nạn nhân của mặt trái xã hội

Thiếu nhi vẽ tranh với chủ đề Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục
Thiếu nhi vẽ tranh với chủ đề Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục 

Vấn nạn xâm hại trẻ em không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng cả về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ mà còn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến vấn nạn này gia tăng.

Là nhóm xã hội yếu thế, ít khả năng tự vệ nhất, trẻ em trở thành nạn nhân đáng thương nhất của lối sống tiêu cực và lệch chuẩn. Song hành với những mặt trái phát sinh từ cơ chế thị trường và đời sống xã hội là những quan niệm cũ kỹ, lạc hậu khiến nhiều người e ngại, xấu hổ không dám tố cáo hoặc ém nhẹm thông tin, cho qua nhiều vụ việc xâm hại tình dục.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Ủy ban quốc gia về Trẻ em tổ chức vừa qua tại Hà Nội, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: “Trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại ảnh hưởng; bị thủ phạm đe dọa dùng tiền để hòa giải…

Và không thể không nói tới sự xem nhẹ về quyền trẻ em của một bộ phận người dân và cơ quan chức năng cùng với việc trẻ em ít được quan tâm, giáo dục đầy đủ về nguy cơ, kỹ năng phòng ngừa từ gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội. Một nguyên nhân khác là lỗ hổng pháp lý khi thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô, khiêu dâm trẻ em khiến nhiều thủ phạm không bị xử lý thích đáng, thậm chí nhởn nhơ và coi thường pháp luật”.

Ngăn cái ác bắt đầu từ nhận thức

Xâm hại trẻ em là hành vi không thể dung thứ trong đời sống xã hội. Theo nhiều chuyên gia, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó phải tăng cường việc thực thi pháp luật, chính sách về trẻ em. Từ góc độ pháp luật, có thể thấy, giải pháp hiệu quả nhất là thực hiện tốt, đầy đủ tất cả chính sách và khung pháp lý mà chúng ta đang có… Nếu cơ quan chức năng làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình thì tình trạng xâm hại trẻ em có thể cải thiện hơn rất nhiều.

Mặt khác, rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của nhà trường, các tổ chức xã hội, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, các biện pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em thật sự có độ “thấm” để chuyển hóa thành nhận thức và hành động cụ thể.

Để trẻ em không phải trả giá đắt cho những sai lầm, những cách nhìn thiển cận của người lớn thì việc quan trọng là phải thay đổi nhận thức trong mỗi cá nhân.

Là người góp nhiều tiếng nói giá trị trước nạn xâm hại trẻ em, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Trước hết mỗi nạn nhân và gia đình cần dũng cảm tố giác tội phạm để lấy lại công bằng cho chính mình và những trẻ em khác. Cộng đồng xã hội cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, giám sát, kiểm tra thực thi pháp luật liên quan tới quyền trẻ em của cơ quan chức năng.

Và quan trọng không kém là các cơ quan chức năng phải coi việc tìm lại công bằng, đưa ra ánh sáng những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em là sứ mệnh của mình nhằm bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước. Vấn đề còn là nhận thức về sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Bởi luật có đầy đủ đến mấy mà con người thiếu nền tảng giá trị văn hóa thì tệ nạn vẫn cứ xảy ra”.

Ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em là vấn đề cấp thiết nhưng không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Như việc xóa bỏ cái xấu, xây dựng những giá trị tốt đẹp, đòi hỏi sự bền bỉ của những nỗ lực không ngừng.Vì các thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.