Thi tốt nghiệp THPT: Kinh nghiệm quý từ thầy cô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ở giai đoạn “nước rút”, những lưu ý từ chuyên gia, thầy cô trong việc hệ thống lại kiến thức, ổn định tâm lý, kỹ năng làm bài… vô cùng cần thiết, giúp sĩ tử bước qua kỳ thi nhẹ nhàng cùng kết quả tốt nhất.

Học sinh Trường THPT Yên Khánh A (Yên Khánh, Ninh Bình) ôn tập giai đoạn “nước rút”. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Yên Khánh A (Yên Khánh, Ninh Bình) ôn tập giai đoạn “nước rút”. Ảnh: TG

Ổn định tinh thần, chiến thuật ôn hợp lý

NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai), đưa ra lời khuyên ở giai đoạn “nước rút” đó là học sinh cần ổn định về tâm lý; gia đình và bản thân học sinh không tự tạo áp lực quá lớn bởi vượt qua sức chịu đựng chỉ khiến hiệu quả thi cử kém hơn.

Giai đoạn này các em cần cân đối mọi sinh hoạt cá nhân, không thức quá khuya, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, việc ăn uống phải điều độ khoa học. “Thời điểm này, hầu hết học sinh đã cố gắng hết sức nên gây áp lực nhiều cũng không thể xoay chuyển được gì trong vài ngày cuối cùng. Càng bình tâm, ôn tập khoa học và làm chủ tinh thần bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu...”, cô Hạnh khẳng định.

Cũng theo cô Hạnh, trước kỳ thi, học sinh tuyệt đối không “chạy đua” học thêm dù lò luyện, thầy ôn nổi tiếng thế nào. Phải dành thời gian tự ôn tại nhà, tự xâu chuỗi để nắm được kiến thức nền tảng và kỹ năng cơ bản. Khi gặp vướng mắc có thể gọi điện nhờ thầy cô tháo gỡ.

“Ngủ trước 11 giờ và sáng dậy sớm xem lại bài. Cân đối thời gian ôn tập các môn trong một ngày, môn nào yếu hơn có thể dành nhiều thời gian hơn. Cần bố trí thời gian ăn uống, ngủ nghỉ, ôn tập khoa học để đảm bảo sức khỏe và phát huy kiến thức, kỹ năng tối đa...”, NGƯT Nguyễn Thị Hạnh đưa ra lời khuyên.

Tích lũy kiến thức, năng lượng đối với học sinh ôn thi tốt nghiệp diễn ra cả một quá trình nên ngày sát kỳ thi không thể và không nên nhồi nhét kiến thức. Chia sẻ điều này, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), cho rằng: Về mặt sinh học, đây là thời điểm học sinh phải lấy lại những năng lượng tích cực từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thư giãn và bầu không khí thoải mái trong gia đình để có tâm trạng tốt nhất.

Do đó, những ngày này gia đình, bố mẹ cần tránh tạo áp lực sang con cái. Động viên khuyến khích trẻ theo hướng tích cực để khi làm bài xong không băn khoăn, hối tiếc dù kết quả tốt hay chưa tốt.

Cần động viên học sinh có nhiều con đường, lối đi vào cuộc sống chứ không chỉ duy nhất qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT và buộc phải đỗ đại học với số điểm cao nhất. Tạo điều kiện để sĩ tử nạp năng lượng về thể chất, ổn định tinh thần nhưng cũng tránh ép ăn uống, học tập quá ngưỡng khiến dẫn đến rối loạn tinh thần, thể chất và ảnh hưởng tới kỳ thi.

NGƯT Nguyễn Hoàng Vân, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), lưu ý học trò: Việc ôn tập lúc này chỉ nên tập trung hệ thống lại toàn bộ kiến thức theo sơ đồ tư duy để nắm nội dung cơ bản nhất. Với học sinh xét tốt nghiệp chỉ cần vững kiến thức cơ bản đã có thể đạt được 7 - 8 điểm; còn học sinh lựa chọn điểm thi để xét tuyển đại học cần xem thêm phần nâng cao ở những dạng câu hỏi so sánh để phục vụ cho phần phân hóa trong đề thi.

Phòng thi tốt nghiệp THPT tại Trường THCS & THPT Bắc Ái (Bắc Ái, Ninh Thuận). Ảnh: TG

Phòng thi tốt nghiệp THPT tại Trường THCS & THPT Bắc Ái (Bắc Ái, Ninh Thuận). Ảnh: TG

Không chủ quan kiến thức dễ

NGƯT Nguyễn Hoàng Vân cho rằng: Vào phòng thi bên cạnh tâm lý bình tĩnh thì kỹ năng làm bài vô cùng quan trọng. Đề thi thường được sắp xếp từ dễ đến khó. Ví như với môn Lịch sử, 30 câu đầu thường nhẹ nhàng và kiến thức cơ bản nhưng đòi hỏi học sinh không chủ quan. Cần đọc kỹ câu dẫn và các đáp án để có phương án lựa chọn đúng nhất và lấy điểm trọn vẹn 30 câu đầu.

Tránh tình trạng chủ quan, đọc câu dẫn thấy quen như thầy cô đã chữa mà chỉ đọc 1 đáp án đã lập tức chọn. Đối với 10 câu cuối đề thi, đáp án đúng thường na ná nhau nên phương pháp tốt nhất là phân tích, tìm cái sai trong đáp án rồi loại trừ dần, từ đó lựa chọn phương án đúng. Cần chú ý đến mốc thời gian và các từ khóa...

Theo kinh nghiệm của thầy Ngô Văn Tiến, giáo viên Toán, Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh), trước thi vài ngày học sinh vẫn nên làm ít nhất mỗi ngày 1 - 2 đề thi để qua đó phát hiện điểm yếu của mình. Lưu ý, việc làm đề không nên chỉ để xem được mấy điểm, sau đó chuyển sang làm đề khác. Quá trình làm đề cần có 1 sổ tay nhỏ để ghi lại những hạn chế vì sao điểm thấp, yếu phần nào, hay sai mảng kiến thức gì... từ đó xem lại phần lời giải và rút kinh nghiệm.

Khi vào phòng thi, thầy Tiến khuyến cáo nhiều học sinh có thói quen đọc đề từ trên xuống và đọc đến đâu làm đến đó. Đây là sai lầm bởi nếu đề dễ thì không sao nhưng gặp câu khó học sinh sẽ không còn thời gian, tâm lý rối bời để làm các câu sau.

“Cần dành 2 - 3 phút để đọc lướt toàn bộ như vậy sẽ thấy được tổng quan đề khó hay dễ. Quá trình đọc lướt cần tích ngay câu dễ để sau đó làm trước. Cần phân bố thời gian làm bài hợp lý giữa các câu, phần. Trong khoảng 30 phút đầu phải làm hết các câu dễ, cơ bản. 1/3 thời gian cuối tập trung vào câu khó. Việc phân bố tùy theo sức học của từng học sinh để có thể lấy được điểm trọn vẹn những phần kiến thức mình chắc chắn...”, thầy Tiến chia sẻ.

Nhiều thầy cô cho biết, học trò vẫn mắc lỗi không chuẩn bị trước giấy báo dự thi, thẻ căn cước… Khi đi thi mới tìm thì mất thời gian, thậm chí thất lạc, quên không mang. Mặt khác, học sinh cần chú ý khi đi thi tốt nhất để điện thoại di động ở nhà, hoặc chót mang đi thì nhớ để ngoài phòng thi. Tránh trường hợp mang điện thoại theo người, dù không sử dụng nhưng vẫn vi phạm quy định…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ