Nơi đây, ngoài chuyên môn, thầy, cô giáo nếu không có tình yêu nghề tha thiết và sự tận tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” sẽ khó chu toàn nhiệm vụ.
Gieo yêu thương trên đất khó
Cô Phan Thị Thu Hằng sinh năm 1983 tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn - nơi có điều kinh tế, xã hội, giao thông đi lại nhiều khó khăn. Chứng kiến những đứa trẻ ở bản làng vùng cao chưa kịp lớn đã phải theo cha mẹ lên nương, rẫy làm việc, ít được quan tâm, học hành, cô Hằng đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên để góp phần thay đổi nhận thức và cuộc sống của đồng bào.
Tháng 6/2005, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kạn, cô Hằng trở về công tác tại quê nhà. Chia sẻ về những ngày đầu đứng lớp, cô Hằng cho biết: Khó khăn lớn nhất với các thầy, cô giáo dạy học trên vùng cao, miền núi là làm thế nào để vận động được trẻ ra lớp. Năm nào cũng vậy, ngoài công tác giảng dạy, các cô phải đến từng nhà vận động phụ huynh và học sinh. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên quá trình vận động học sinh ra lớp là hành trình với không ít chông gai.
Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, kiên trì tuyên truyền, vận động để phụ huynh, học sinh hiểu được ý nghĩa của việc tới trường mà tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng cao. Theo cô Hằng, với cô giáo vùng cao, vận động học sinh ra lớp là công việc, trách nhiệm và cả quyền lợi. Bởi không có học sinh thì không có giáo viên. Học trò không đến lớp thì các cô biết dạy ai.
Với nỗ lực không ngừng, tháng 10/2015, cô Hằng được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ngôi trường đóng chân tại một trong những xã vùng cao khó khăn, nằm ở phía Đông huyện Chợ Mới, gồm 7 thôn bản: Thôm Bó, Mới, Tài Chang, Khuôn Tắng, Nà Mố, Đon Cọt, Thôm Thoi, với 99% người dân tộc thiểu số.
Đến Bình Văn công tác, cô Hằng lại càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây. Nữ nhà giáo bộc bạch: “Ngày vào nhận công tác, trời mưa phùn, cảm giác đi 20km đường đèo, với một bên là núi đá, một bên vực thẳm thật xa, thật khó. Ở Bình Văn nhiệt độ luôn thấp hơn khu vực khác từ 3 - 4 độ, đa phần phụ huynh trong độ tuổi lao động đều đi làm công ty, trẻ ở với ông bà, nên việc quan tâm chăm sóc còn nhiều hạn chế.
Thời điểm cô Hằng tiếp nhận, trường vừa xây dựng, đang trong quá trình đề nghị công nhận chuẩn, tuy nhiên chỉ có 2 giáo viên biên chế (do nghỉ thai sản, và giáo viên chuyển) trong khi có 5 nhóm lớp, thiếu đồ dùng, trang thiết bị học tập, đồ chơi…
Dưới sự dẫn dắt, tận tình của cô cùng sự chung sức, đồng lòng của Ban giám hiệu, tập thể Trường Mầm non Bình Văn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành trường học hạnh phúc với nhiều thành tích nổi bật, được chính quyền, nhân dân, ghi nhận như:
Tỷ lệ huy động trẻ hằng năm cao hơn 3 - 10% so với kế hoạch và chỉ tiêu toàn huyện. Riêng năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động riêng trẻ nhà trẻ đạt 57% (toàn huyện dưới 20%). Chất lượng giáo dục chăm sóc giáo dục trẻ đạt chất lượng năm sau cao hơn năm trước. 100% trẻ được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần, không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường…
Cô Phan Thị Thu Hằng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. |
Giữ lửa nghề từ sự nỗ lực của học sinh
Tâm sự về nghề, cô Hằng cho biết bản thân được tiếp lửa nghề từ sự nỗ lực của học trò, tin tưởng của phụ huynh và người dân trong vùng. Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào cô Hằng còn luôn nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên phải dạy trẻ bằng tình yêu thương, lan tỏa những khát vọng đầu đời như người đi gieo hạt giống để chờ mong những mùa quả ngọt.
Đối với cô Hằng, mỗi thế hệ học sinh đều giống như hạt mầm quý; nếu được ươm tạo và chăm sóc chu đáo, khơi dậy khát khao học tập, các em sẽ phát huy tốt khả năng tư duy, sáng tạo. Để rồi những đứa trẻ lớn lên như những bông hoa bồ công anh, theo gió bay đi khắp nơi để tiếp nối hành trình gieo yêu thương, gặt hạnh phúc.
Nói về người chị, người đồng nghiệp, cô Nông Thị Hiệu, giáo viên Trường Mầm non Bình Văn, chia sẻ: “Gắn bó với chị Hằng gần 10 năm, chúng tôi luôn cảm nhận ở chị là nhà quản lý gương mẫu, có năng lực chuyên môn tốt; luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, thực hiện tốt các cuộc vận động. Đặc biệt, những năm qua, chị có nhiều sáng kiến áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường nói riêng và ngành Giáo dục tỉnh Bắc Kạn nói chung”.
Bằng sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, cô Phan Thị Thu Hằng được nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác GDMN năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, tiểu học dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016 - 2020... Đặc biệt, năm 2023, cô Hằng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc.
Được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ghi nhận nhưng với cô Hằng, thành công lớn nhất trong sự nghiệp trồng người đó là sự tin yêu của học sinh, đồng lòng, tin tưởng của phụ huynh. “Đây là nền tảng, động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, làm tốt hơn sứ mệnh của mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”, cô Hằng tâm sự.