- Thưa họa sĩ, xin ông cho độc giả biết đôi chút về bản thân?
Họa sĩ Uyên Huy: Tôi quê xã Hạnh Thông, Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là quận Gò Vấp, TPHCM - PV.). Ba tôi là một thợ sơn giỏi, tính nghệ sĩ, chơi đờn kìm rất hay, vẽ chữ rất đẹp, rất thích đọc thơ “Sáu Trọng”. Ông cũng mê câu cá, có khi lái xe đạp đi câu đêm, lang thang xuống tận Long An…
Má tôi buôn bán, thích vọng cổ, đọc thơ, nằm võng ru con những làn điệu dân ca da diết. Những kỷ niệm đó sớm in đậm vào tim, dấy lên trong tôi lòng yêu nghệ thuật.
- Ông bắt đầu vẽ khi nào?
Họa sĩ Uyên Huy: Tôi vẽ khá nhiều từ nhỏ - khi học lớp ba, lớp nhì, lớp nhất (lớp 3,4,5) bậc tiểu học. Trong giờ học môn toán, khi thầy nói các trò giơ bảng lên xem kết quả làm bài, tôi hay giơ lộn mặt vẽ hình phía sau, thay vì mặt ghi đáp số toán (cười).
Chị gái tôi có “người quen”, anh ấy thấy tôi mê vẽ bèn mua cho bút chì. Thầy dạy vẽ đầu tiên của tôi là một anh người Lái Thiêu, xin làm con nuôi trong nhà. Anh xuống Sài Gòn học lớp dự bị để thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật, hướng dẫn tôi những cách vẽ rất cơ bản và động viên tôi thi vào trường Trang trí Mỹ thuật.
- Được biết, quá trình học tập sau đó của họa sĩ rất dài, xin họa sĩ cho biết cụ thể hơn?
Họa sĩ Uyên Huy: Năm 1964, tôi thi vào hệ Trung cấp Mỹ thuật 4 năm, đậu hạng 7/ 40. Năm 1968 tốt nghiệp Ban Ấn loát, tôi đỗ thủ khoa… Tiếp tục việc học lên hệ Cao đẳng, ngành Sơn dầu 1968 - 1971. Cao đẳng Mỹ thuật hồi đó học 2 cấp hết 7 năm. Đỗ cấp 1, tôi học tiếp cấp 2 theo Ban Sơn dầu (Hội họa) từ 1971 - 1974.
Ra trường, tôi được thầy Giám đốc Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định (QGTTMTGĐ) gọi làm giáo viên giảng dạy và dạy… một hơi cho đến khi nghỉ hưu (2010)!
- Ngay thời sinh viên, ông đã có những tác phẩm gây ấn tượng. Xin cho biết cụ thể?
Họa sĩ Uyên Huy: Bức sơn dầu Chùa Ngọc Hoàng của tôi được trao hạng Nhất Giải thưởng sinh viên châu Á năm 1971, do Học viện Mỹ thuật Nanyang Akademie of Fine-Art Singapore tổ chức.
Năm 1972, bức Nhạc chiều của tôi được Giải thưởng Đặc biệt do Ban Tổ chức cuộc thi chủ trì là Công ty xăng dầu ESSO (đơn vị bảo trợ nghệ thuật uy tín thời đó) trao giải.
Tôi cũng có hai tác phẩm Mẹ và con, Đưa em tìm động hoa vàng tham dự 2 lần Giải thưởng VHNT của Tổng thống VNCH giai đoạn 1970 - 1975. Tôi được cấp “học bổng toàn phần” từ trung cấp tới cao đẳng thời đó, lại vừa học vừa sáng tác - “cày” rất hăng nên sống được bằng nghề (cười)…
Những tác phẩm của họa sĩ Uyên Huy. |
- Ngoài vẽ, ông cũng viết, biên soạn khá nhiều công trình, nhiều cuốn sách công phu. Động lực nào cho việc làm này?
Họa sĩ Uyên Huy: Sau 1975, là giáo viên trẻ nên tôi được giao kiểm kê thư viện Trường Cao đẳng Mỹ thuật TPHCM (đổi tên từ Trường QGTTMTGĐ), kiểm kê các sách mỹ thuật của thế giới và Sài Gòn xưa. Tôi cũng được xem kho sách quý của Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Ngọc Thơ ở Phòng Văn hóa thông tin quận Bình Thạnh.
Một cơ duyên nữa là thầy Đới Ngoạn Quân của Trường QGTTMTGĐ, khi ra nước ngoài định cư đã tặng lại cho tôi cuốn Sơ đồ bí mật trong tác phẩm mỹ thuật. Tôi nghiên cứu quyển này kỹ nhất. Hàng tuần, tôi thường xuyên la cà ở các cuộc triển lãm tại Sài Gòn, vô xem và mua sách, tài liệu ở những nhà sách lớn…
Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy, tiêu chí của một giáo viên, một HS và nhiệm vụ phải tìm hiểu “nghiên cứu sâu về Mỹ thuật Sài Gòn xưa…, để hiểu đúng nó, viết, vẽ một cách trung thực” như nhà văn Sơn Nam thường nói, mà tôi đã có những tác phẩm như nhà báo vừa nêu.
- Sáng tác của ông rất phong phú, vậy đâu mới là đặc trưng phong cách riêng?
Họa sĩ Uyên Huy: Để biết một nghệ sĩ, mình phải làm dấu cộng tất cả quá trình tư duy lý luận và vận động sáng tạo khác nhau thành một dòng chảy, dòng sống mới “thấy” được! Phong cách riêng hay cái “tôi” sáng tạo thể hiện qua cách chọn đề tài, khuynh hướng sáng tác, màu sắc, phong cách bút pháp, chất liệu sử dụng tới các kỹ thuật, thủ thuật, diễn đạt để hình thành “cái riêng” của mình…
Sáng tác là công việc suốt đời, trong khi tác phẩm chỉ là khoảnh khắc. Uyên Huy là ai ư? Uyên Huy “đã là” cộng với Uyên Huy “đang là” mới ra Uyên Huy này (cười).
Tôi xem tranh các đồng nghiệp, “xin lửa của họ” về nhà có động lực vẽ tiếp. Đi dạy thì chú ý khơi dậy ngọn lửa, truyền được ngọn lửa nghề cho SV, chứ không áp đặt “cái tôi” cho họ. Học Picasso không phải bắt chước vẽ theo kiểu Picasso mà là học tập tấm gương lao động sáng tạo của ông.
Xin lửa, truyền lửa, nuôi lửa và khuyến khích anh em giữ lửa, đó là nhiệm vụ của một nhà giáo.
- Làm quản lý Hội Mỹ thuật có gì khác so với quản lý khoa?
Họa sĩ Uyên Huy: Cùng quản lý nhưng khác nhau đó. Ở khoa thì quản lý theo chương trình học và dạy. Động viên GV, phổ biến những công việc, quy chuẩn thi đua; kích thích SV học tập và thực hiện tốt trường quy. Còn quản lý Hội là tôn trọng mọi người, kích thích sự tự do sáng tạo của các hội viên.
Hội Mỹ thuật thì ai cũng là nghệ sĩ cả, chỉ thuyết phục họ bằng chuyên môn và lòng yêu nghề. Quan trọng là thực hiện chương trình hành động; tôn trọng cá tính các nghệ sĩ, mọi xu hướng sáng tác của mọi cá nhân, không phân biệt hay bè phái!
- Ông có điều gì nhắn nhủ thế hệ trẻ?
Họa sĩ Uyên Huy: Ngày nay “thế giới phẳng”, mọi người đều có thể tìm hiểu mỹ thuật nước ngoài, ai có ngoại ngữ càng thuận lợi. Nhưng các bạn nên nhớ rằng địa chỉ quốc gia (Việt Nam) là rất quan trọng. Văn hóa Việt Nam đậm tính dân tộc và cá tính sáng tạo của mỗi cá nhân là nguồn lực để khẳng định tài năng của mình bằng sáng tác.
* Xin cảm ơn ông.