Nhà điêu khắc chiến trường
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sinh năm 1941, tại Hà Trung, Thanh Hóa. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được đi học tại Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp. Tốt nghiệp, năm 1963 ông được nhận về công tác tại Viện Mỹ thuật. Năm 1966, ông được cơ quan cử đi học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp - trình độ đại học.
Năm 1971 sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, ông nhập ngũ và công tác tại Phòng Tuyên huấn Quân khu V. Sau đó, ông được cử vào công tác tại chiến trường khu V với cương vị là họa sĩ của Đoàn Văn công, Tạp chí Quân khu.
Là một người làm nghệ thuật trong thời chiến, trực tiếp tham gia nhiều trận chiến ác liệt, gian khổ, thiếu thốn… nhưng ông vẫn cùng Đoàn Văn công đến tận những nơi gian khó, ác liệt nhất để phục vụ anh, em chiến sĩ. Trong quá trình công tác, đến bất cứ nơi đâu, ông thường ghi chép lại cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của đồng đội bằng các bức ký họa. Chính những bức kí họa đó đã giúp ông làm nên những công trình điêu khắc ý nghĩa sau này.
Trong quá trình công tác, ông có nhiều cống hiến và nhiều thành tích tốt. Năm 1974, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng và là động lực cho ông sáng tác ra các tác phẩm điêu khắc độc đáo.
Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, ông vinh dự được Bộ Tư lệnh Quân khu V giao nhiệm vụ sáng tác mẫu “Tượng đài Chiến thắng” và xây dựng tại Bảo tàng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng với chất liệu xi măng, cao 12m. Tiếp đó, ông sáng tác và xây dựng tượng đài “Nam, nữ dân quân xã Cảnh Thụy, Bắc Giang” có chiều cao 3m với chất liệu bê tông cốt thép. Có thể nói, đây là 2 công trình lớn nhất thời kì đó.
Năm 1976, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chuyển về công tác tại Xưởng Mỹ thuật Quân đội với nhiệm vụ là Phó Giám đốc. Đến năm 1985, sau khi Xưởng Mỹ thuật Quân đội giải thể, ông chuyển về làm họa sỹ trưởng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (1985 - 1992). Ông công tác ở đó cho đến năm 1995 thì về nghỉ hưu.
Những tác phẩm mang tầm quốc tế
Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn” – một trong những tác phẩm nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 |
Với số lượng tượng đài đã được xây dựng, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo được giới nghệ thuật đánh giá cao, có năng lực sáng tạo trong những đề tài tầm cỡ, hoành tráng.
Kể từ sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã đóng góp cho ngành Mỹ thuật điêu khắc nhiều tác phẩm quý giá như: Tượng đài “Chiến thắng sông Lô”, chất liệu bê tông, cao 26m, nhóm tượng cao 7m, đặt tại Núi Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ (1982); Tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch” Thu Đông 1947, chất liệu bê tông, cao 16m, đặt tại Vĩnh Phúc (1996); Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”, chất liệu tổng hợp (1996);
Tượng đài và phù điêu “Tưởng niệm Noọng Nhai”, chất liệu bê tông, cao 4,5m, đặt tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (1999); Tượng đài “Ngời sáng Quê hương” Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, chất liệu bê tông, tượng cao 7,3m, bệ tượng cao 7,2m, đặt tại Km số 6, Quốc lộ 9, phường 4, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị năm (1997); Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn”, chất liệu bê tông, cao 11,2m, đặt tại xã Cấm Dơi, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”, chất liệu bê tông, tượng cao 6m, bệ cao 10m, đặt tại Công viên 2 tháng 4, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (2004)…
Bằng đam mê và khát khao cháy bỏng với nghệ thuật, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật để đời. Chính vì vậy, năm 2016, ông vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm “Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” ở Vĩnh Phúc năm 2016.
Cùng với tác phẩm điêu khắc ngoài trời, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo còn sáng tác hàng trăm tác phẩm điêu khắc, tượng tròn với các chất liệu thạch cao, gỗ, đất nung, đồng, đá... với nhiều mảng đề tài: Gia đình, tình yêu, quê hương…