Nhưng bằng sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Cao Văn Thục (sinh năm 1995, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã ôn thi lại rồi tốt nghiệp thủ khoa của trường vào năm 2020.
Loay hoay với ước mơ
Từ nhỏ Cao Văn Thục đã rất thích vẽ nhưng do sinh ra ở nông thôn ít có điều kiện được tiếp xúc với hội họa nên cậu chỉ nghĩ đơn giản là mình sẽ học một ngành gì đó có liên quan mà bản thân vẫn được vẽ.
Bởi thế mà sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi các bạn cùng trang lứa đã có sự lựa chọn ngôi trường đại học thì Thục lại chưa biết sẽ học gì và đam mê thực sự của mình là gì? Thục lầm lũi lên thành phố Hải Phòng để học vẽ.
Và càng ôn luyện, Thục nhận ra hội họa chính là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của mình. Rồi mơ ước vào Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam dần hiện hữu trong cậu.
Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh năm ấy bạn đã thi trượt và chỉ đỗ Khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Tạm gác ước mơ, Thục theo học thiết kế đồ họa coi như một sự vớt vát sau những tháng ngày lẽo đẽo từ nhà lên thành phố ôn luyện.
Nhưng sau 3 tháng học tập, Thục nhận ra thiết kế đồ họa thì vẽ chỉ là thứ yếu còn với hội họa cậu mới có thể được vẽ và bộc lộ suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình một cách tự do.
Cậu đã quyết định nghỉ học nhưng giấu bố mẹ ở lại Hà Nội âm thầm làm thêm để có tiền ôn thi lại. Và may mắn đã mỉm cười với cậu học trò đất Cảng giàu nghị lực khi trong mùa tuyển sinh đại học năm 2015, Thục vừa đủ điểm để đỗ vào Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Hé lộ tài năng
Từ sự tự ti là người chật vật mới thi đỗ, Thục đã dần lấy lại sự tự tin trong việc học. Cậu đã dành nhiều sự tập trung cho việc học tập ở trường và luôn cố gắng để có thể làm được tốt nhất trong khả năng của mình.
Để nâng cao tay nghề và tăng sự cọ xát, Thục đã hăng hái tham gia nhiều triển lãm, như: Triển lãm Sinh viên thường niên của trường, triển lãm Art For You hằng năm (2018 - 2020), triển lãm nhóm “Nhìn và Thấy” (2019), triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (2019), triển lãm khu vực Hải Phòng (2019), triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2020), triển lãm nhóm “Tôi là chúng ta” (2021), triển lãm “Tầng hai giữa hai tầng” (2021)...
Thành tích tốt nhất mà Thục đạt được là giành giải Ba triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2019 (do Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức) bằng bức tranh lụa “Cô gái Hà Nội” trong không gian mơ màng với mong muốn tự do như những chú chim bên ngoài...
Thời điểm đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, phải ở nhà thường xuyên nên cậu đã lấy ý tưởng vẽ bức “Trong bếp” làm đề tài tốt nghiệp và đó cũng là bức có điểm cao nhất khóa.
Cậu đã vẽ lại chính bản thân mình trong không gian căn bếp đặc tả một phần cô đơn và bừa bộn như để nhắc nhở bản thân cần có lối sống khoa học và gọn gàng hơn.
“Trở thành thủ khoa đầu ra đại học không phải mục tiêu mà em đặt ra. Đó có thể là sự may mắn vì em gặp được những người thầy tốt giúp mình học hỏi thêm nhiều điều và phát huy tốt khả năng của bản thân”, Thục chia sẻ.
Đánh giá về cậu học trò thủ khoa, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông cho rằng: “Thục là nghệ sĩ trẻ rất có tiềm năng, trong tương lai gần sẽ trở thành gương mặt nổi bật trong sáng tác hội họa.
Cậu ấy có kỹ năng hội họa rất tốt, mạnh ở năng lực biểu cảm hình thể, không gian và chất liệu hội họa. Cậu ấy có tâm hồn nghệ thuật trong sáng, nhân văn và có ý thức sáng tạo, tìm tòi cái mới, không sa vào lối vẽ trang trí phổ cập thông tục”.
Tiến sĩ Lê Trần Hậu Anh - giảng viên Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - nhận xét: “Suốt 5 năm học trong trường, Thục luôn thể hiện được là sinh viên xuất sắc, làm việc nghiêm túc trên tất cả mọi chất liệu thực hành của hội họa. Theo đuổi nghệ thuật hiện thực nên tranh của Thục thể hiện được là người có khả năng hình họa vững vàng, màu sắc đa dạng”.
Nếu như trong thời gian đi học Thục chủ yếu vẽ theo lối hiện thực, khai thác những đề tài gần gũi với cuộc sống xung quanh thông qua sự quan sát và những chuyến đi thực tế thì hiện Thục đi sâu hơn vào những vấn đề mình quan tâm.
Đồng thời, Thục muốn học hỏi, phát triển những cách biểu đạt mới để bộc lộ những suy nghĩ cá nhân cũng như phát triển cho mình con đường rõ ràng hơn. Có thể kể đến là bộ tranh “Người trên cao” vẽ về hoạt động của người vùng cao.
Tuy chủ đề không mới nhưng họa sĩ trẻ đã tìm tòi cách biểu đạt khác về hình ảnh và không gian không phụ thuộc nhiều vào không gian thật. Thục vừa mới ra trường, chặng đường nghệ thuật phía trước còn rất dài, sẽ có rất nhiều không gian nghệ thuật cho họa sĩ đất Cảng khám phá và thể nghiệm.