'Hoa mặt trời' ở vùng cao

GD&TĐ - Trống tan trường, cô Yến lại đưa những học trò khó khăn, lực học yếu về nhà chăm sóc, bồi dưỡng khả năng đọc, viết.

Cô Yến đưa học sinh về nhà dạy đọc – viết.
Cô Yến đưa học sinh về nhà dạy đọc – viết.

Cô giáo làng được ví như “hoa mặt trời” đưa lũ trẻ yếu thế đến gần với con chữ để thay đổi cuộc sống.

Dạy chữ miễn phí

Một năm trước, Đinh Thị Tâm, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) thường xuyên đau ốm. Mẹ sinh em bé nên không có điều kiện chăm sóc Tâm. Nhà cách trường 4km, không có phương tiện đi lại, cha thường xuyên ở rẫy nên việc học của Tâm bị đứt quãng.

Đầu năm học, cô Nguyễn Thị Như Yến nhận thấy Tâm tiếp thu, học tập yếu hơn so với các bạn. Cô đã trao đổi với phụ huynh để đưa Tâm về nhà chăm sóc. Cuối tuần nào cũng vậy, Tâm theo cô giáo về nhà rèn chữ viết, tập đọc. Dịp hè năm lớp 1, thời gian Tâm ở với cô Yến có lẽ nhiều hơn cha mẹ. Sau một năm chăm chỉ học tập, giờ đây Tâm đã tiến bộ rõ rệt và có thể đọc viết thành thạo.

Tâm chỉ là một trong số nhiều học trò được cô Yến đưa về nhà chăm sóc, dạy bảo. “Tôi không nhớ đã đưa bao nhiêu học sinh về nhà chăm sóc, bồi dưỡng khả năng đọc viết. Tôi chỉ biết rằng, khi thấy học trò tiếp thu bài chậm, yếu thì bản thân rất trăn trở. Tôi muốn góp chút sức của mình để các em có thể học tốt hơn”, cô Yến tâm sự.

Hành trình dạy chữ miễn phí của cô Yến bắt đầu từ những năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Cô được phân công về giảng dạy tại điểm trường Đăk Tơ Pang – Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (huyện Kông Chro). Lúc đó, nhiều người khuyên nhủ, ngăn cản vì điều kiện nơi đây thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn. Nhưng cô Yến vẫn lên đường nhận công tác với bộ hồ sơ và ít hành lý.

Ngày đầu về trường, nơi đây là những căn nhà tạm bợ, một số phòng học chỉ được chắp vá bằng tranh tre, nứa lá. Ngày nắng thì nóng, mưa xuống thì phòng học dột như… ngoài trời. Lũ trẻ ở làng đa số là người dân tộc thiểu số, nhà nghèo, tiếp thu kiến thức chậm hơn so với các bạn. Cô Yến luôn tâm niệm phải làm điều gì ý nghĩa giúp đỡ học sinh. Với cô tri thức không bao giờ là đủ và chúng có thể giúp những đứa trẻ vùng sâu có một tương lai tươi sáng hơn.

Tối đến, dưới ánh đèn le lói, lũ trẻ vùng quê nghèo ê a đọc bài rồi rèn chữ. Ban đầu chỉ có lác đác vài em, lâu dần, lớp học trở nên rộn ràng hơn. Lớp đông, cô Yến chia ngày tập đọc, hôm viết chữ. Thời gian đầu lạ nhà, chưa quen cô, lũ trẻ chỉ đến lớp học rồi về. Lâu dần, các em mang theo quần áo ở lại ngủ cùng giáo viên. Thấy giáo viên vất vả, hết lòng vì học sinh, phụ huynh đề cập đến chuyện gửi kinh phí nhưng cô Yến đều lắc đầu từ chối.

Cô Yến luôn chăm sóc học sinh như con mình.

Cô Yến luôn chăm sóc học sinh như con mình.

Thắp sáng tương lai

Trải qua 3 năm dạy chữ cho trẻ vùng sâu, cô Yến được luân chuyển về Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn. Thay vì hỗ trợ cho trò ở trường, cô Yến đón một vài em về chăm sóc, kèm cặp. Năm 2005, chồng bị tai nạn, người con đầu được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh nên cô ưu tiên cho việc chăm sóc gia đình. Thế nhưng, cô vẫn tranh thủ ôn tập thêm cho trò vào giờ ra chơi, hoặc khi rảnh rỗi.

Sau vụ tai nạn, chồng cô bị liệt một bên tay, sức khỏe của con cũng chẳng khá là bao. Nhưng khi chứng kiến các em học yếu, khó khăn, cô Yến lại không đành lòng. Thời điểm đó, chồng là người bên cạnh động viên, khích lệ và đồng hành cùng cô làm những việc có ích cho học trò. “Việc làm của tôi chỉ tựa hạt cát nhỏ bé trên đại dương. Mỗi buổi tôi chỉ nấu thêm cơm, sắp xếp thêm chén… Tôi thấy hạnh phúc vì những điều mình làm”, cô Yến tâm sự.

Học sinh nơi đây ăn chưa đủ no, mặc chẳng ấm nên cô Yến luôn xem trò như con để quan tâm, chăm sóc mỗi ngày. Cô kêu gọi, xin quần áo từ bạn bè, người thân rồi tặng lại cho học trò khó khăn giúp các em ấm hơn trong mùa đông giá rét. Có những học sinh lớp 4, lớp 5 cuối tuần lại phải theo cha mẹ lên nương rẫy. Không muốn trò sau này vất vả, cô Yến động viên, tâm sự để phụ huynh nhận thấy tầm quan trọng của việc học. Sau nhiều ngày kiên trì vận động, phụ huynh cũng đồng ý để cô đón các em về nhà bồi dưỡng kiến thức.

“Tôi mong học sinh đến trường đủ đầy để nắm được kiến thức. Còn bản thân, tôi mong mình có thật nhiều sức khỏe để lo cho gia đình và đồng hành, hỗ trợ các em trên hành trình học tập. Mong rằng sẽ có những mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ để con đường đến trường của các em bớt vất vả”, cô Yến nói.

Chị So Thị Láp – mẹ em Đinh Thị Tâm - rất vui mừng và xúc động. Chị Láp kể, nhà thuộc diện hộ nghèo, chồng đi làm xa nên chị cùng 4 người con nương tựa lẫn nhau. Cuộc sống khó khăn nên người con lớn năm nay tròn 17 tuổi phải nghỉ học từ lớp 5 để phụ cha mẹ nuôi các em. Nhà nghèo, chẳng có xe nên các con chị Láp thường đi bộ hơn 4km đến trường.

“Khi cô Yến đưa con về nhà chăm sóc, dạy dỗ gia đình mình rất biết ơn. Bởi nếu không có cô, có lẽ chặng đường đến trường của con mình phải bỏ dở giữa chừng”, chị Láp nói.

Thầy Nguyễn Văn Vui – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn - cho biết, thường ngày cô Yến vẫn đi sớm, về khuya để quan tâm, hỗ trợ học trò. Trong quá trình giảng dạy khi thấy các em chậm tiếp thu bài cô chia sẻ với nhà trường và phụ huynh để đón học sinh về dạy kèm. Việc chăm sóc và dạy chữ cho học sinh của cô Yến đều hoàn toàn miễn phí. Cô Yến cũng thường xuyên kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách vở cho những em khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.