Để HS phát triển năng lực tự học
Tác giả của hệ thống học tập online là cô Chu Thị Thu Hương - GV Hóa học Trường THPT Tân Lập (Hà Nội). Hệ thống bao gồm: Website Hoahocthatladongian.com; Kênh YouTube HCTTgroup; Dịch vụ gửi thư tự động Slimemail; Dịch vụ hội họp trực tuyến Zoom và các nhóm Zalo, nhóm Facebook kín.
Chia sẻ lý do xây dựng hệ thống học tập trên, cô Hương cho biết, HS chính là động lực để cô thực hiện ý tưởng này. Cô muốn hỗ trợ học trò phương pháp tự học môn Hóa học. Mặt khác cô muốn truyền thông điệp đến các em rằng, học Hóa học không hề khó như nhiều học trò vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, đó chỉ là mục tiêu trước mặt, về lâu dài cô Hương muốn hướng đến sự thay đổi cách thức tiếp cận nội dung chương trình, cấu trúc lại mô hình giờ lên lớp. Trong đó, hướng hoạt động tương tác của GV với HS từ bận rộn sang hiệu quả. Qua đó nhằm tạo thói quen tự học cho HS, từ đó phát triển năng lực tự học, tự chủ của các em.
Trao đổi về ý tưởng của mình, cô Hương “bật mí”: Nhiệm vụ của GV trên lớp là tạo môi trường kết nối, giúp HS được trải nghiệm sự thành công và vui chơi cùng bạn học mỗi ngày, thay vì cung cấp việc giảng dạy như cách mà hệ thống GD của chúng ta lâu nay vẫn làm. Vậy chúng ta làm thế nào để giúp các em việc này mà vẫn có thể hoàn thành khối lượng kiến thức “khổng lồ”, đáp ứng tốt các kỳ thi, nhất là Kỳ thi THPT quốc gia?
Câu trả lời là, nếu GV có thể cung cấp hệ thống kiến thức nền tảng của mỗi môn học thông qua video bài giảng, tài liệu được biên soạn cô đọng nhất trước khi HS đến lớp, HS sẽ chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động học tập do GV thiết kế trên lớp; từ đó các em sẽ có được nhiều hơn cảm giác thành công, được vui chơi lành mạnh cùng bạn học nhiều hơn. Điều đó hợp với quy luật hoạt động trí não, kích thích sự phát triển tư duy, tạo động cơ học tập bên trong bền vững.
“Với ý tưởng trên, tôi luôn tìm kiếm các giải pháp, bao gồm các giải pháp công nghệ, nhằm hỗ trợ HS tự học Hóa học. Một trong những công việc tôi tiến hành từ đầu năm 2018 đến nay là xây dựng hệ thống học online giúp HS tự học Hóa học” - cô Hương chia sẻ.
Công việc tiếp theo của cô là chia sẻ ý tưởng với mong muốn nhận được sự dung hợp từ các thầy cô, các tổ chức hoạt động GD, để có thể nhân rộng mô hình cho các môn học khác ở tất cả các khối lớp. Qua đó tạo điều kiện cho HS được thụ hưởng một môi trường GD đặt con người vào vị trí trung tâm chứ không phải là nội dung môn học. Môi trường GD này quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, về thuộc tính hòa đồng cũng như nhân cách và đạo đức của từng cá nhân.
Hệ thống học tập online của cô Hương |
Những điều trăn trở
Minh chứng cho những chia sẻ ở trên, cô Hương dẫn giải: Đối với website Hoahocthatladongian.com, HS có thể tự học phần kiến thức nền tảng ở nhà, dưới sự hướng dẫn của GV thông qua các video hướng dẫn chuẩn bị bài dạng sơ đồ tư duy. Với các giờ ôn tập, luyện tập, HS được hỗ trợ các video giải nhanh Toán - Hóa nâng cao, kèm theo tài liệu định dạng PDF.
Toàn bộ tài liệu này sẽ giúp các em có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi. Các video ôn tập kèm tài liệu PDF được xây dựng với ma trận rõ ràng, dùng cho các bài kiểm tra 45 phút ở cả 3 khối. Nếu em nào muốn có cái nhìn tổng quan về toàn bộ chương trình THPT môn Hóa, có thể xem các video trên 4 bước tự học Hóa học. Ngoài ra, website có các video ứng dụng, làm phong phú thêm tư liệu, giúp HS có mối liên hệ giữa kiến thức lý thuyết và thực tiễn.
Về kênh YouTube HCTTgroup (HCTT - học cách tập trung), cô Hương cho hay: Toàn bộ video bài giảng được đăng tải lên kênh này và gửi đường dẫn đến website Hoahocthatladongian.com. HS có thể xem trực tiếp trên kênh này. Tuy nhiên không có tài liệu đính kèm và cấu trúc phân loại không rõ ràng được như trên website.
Đối với ứng dụng “Hội họp trực tuyến Zoom”, cô Hương chia sẻ, thỉnh thoảng cô dùng dạng miễn phí ứng dụng này với thời lượng tối đa 40 phút cho mỗi lần và tối đa 100 HS, để trao đổi trực tiếp với các em những nội dung mà các em còn khúc mắc. Từ đó giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy động lực học tập bền vững, ổn định hơn ở mỗi HS. Ưu điểm của Zoom là chất lượng đường truyền ổn định, hình ảnh và âm thanh đều rõ nét hơn Zalo và Facebook.
Đối với hệ thống gửi thư tự động Slimemail và nhóm Zalo, Facebook kín, cô Hương cho biết: Hệ thống này giúp GV gửi tài liệu, link video bài giảng theo kế hoạch xác lập trước. Ngoài ra, GV có thể gửi các tài liệu chữa bài cũng như những video ngắn chữa bài mang tính cá nhân hóa người học.
“Từ việc áp dụng hệ thống trên như là một phần không thể thiếu của quá trình dạy học, nên khi gặp nhau trên lớp, cô trò có nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động, có nhiều cơ hội với những tình huống để GV và HS tương tác, kết nối với nhau. Kết quả là, không những cô trò hoàn thành mục tiêu kiến thức môn học mà còn từng bước đạt được tâm nguyện: HS được trải nghiệm cảm giác thành công mỗi ngày và được vui chơi cùng bạn học; từ đó cô trò dần đạt tới sự thấu hiểu lẫn nhau. Điều đáng nói là, nhờ hệ thống học tập này mà GV có thể “mở khóa” tâm tư, ước muốn của HS. Qua đó GV có thể đưa ra những cách tiếp cận phù hợp với từng HS hơn mỗi ngày” - cô Hương bộc bạch.
Tuy nhiên, điều mà cô Hương vẫn còn băn khoăn, trăn trở là chưa đưa lên website đủ các video bài giảng như dự kiến ban đầu vì điều kiện thời gian không cho phép. Cô cũng chưa biết sử dụng các công cụ đo lường số lượt truy cập website. Ngoài ra, cô chưa biết cách truyền thông hiệu quả cũng như sử dụng mọi ứng dụng của công cụ mạng xã hội để giới thiệu hệ thống học tập online này đến với HS toàn quốc.
Cô Chu Thị Thu Hương