“Cô giáo làng” chủ động đổi mới

GD&TĐ - Không chỉ là GV “cứng” của nhà trường, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Trường THPT Chương Mỹ A còn là GV giỏi của ngành GD Thủ đô. Cô luôn chủ động đổi mới, sáng tạo trong dạy học để không bị “lạc hậu” trước yêu cầu của đổi   mới GD. 

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đổi mới thiết kế giáo án

Là GV dạy môn Hóa học, cô Nguyệt luôn trăn trở, làm thế nào để HS yêu thích môn học này và học tập hiệu quả. Nghĩ là làm, cô đổi mới thiết kế giáo án, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển năng lực tự học cho HS. Trong giáo án, cô đầu tư đổi mới một số nội dung như: Dự kiến các hoạt động của thầy và trò để hướng dẫn HS suy nghĩ, tìm hiểu, khám phá, xử lí thông tin và chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng bài học. Từ đó hình thành thái độ và phát triển năng lực theo mục tiêu bài học, giúp cho việc hình thành kiến thức mới của HS hoàn toàn chủ động.

“Tôi chuẩn bị các câu hỏi và bài tập từ dễ đến khó để kiểm tra việc vận dụng kiến thức bài học vào giải bài tập hoặc giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cuộc sống; đồng thời tổ chức cho HS tự đánh giá kết quả học tập của mình và của các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, tôi biên soạn một số nội dung giao nhiệm vụ cho HS hoặc nhóm HS tự nghiên cứu, tìm tòi mở rộng kiến thức. Đây cũng chính là cơ hội tốt để HS phát huy tinh thần tự học và phát triển các năng lực chung và chuyên biệt” – cô Nguyệt bật mí.

Cũng theo kinh nghiệm của cô Nguyệt, giao nhiệm vụ tự học ở nhà cho HS một cách hợp lý, yêu cầu HS tự chuẩn bị những tư liệu dạy học thích hợp cho tiết học, qua các kiến thức đã biết, kiến thức trong bài mới có sự liên hệ logic, chặt chẽ với nhau; HS tự phát hiện được các vấn đề về học tập và có cách giải quyết thích hợp.

Cô cũng khuyến khích, giao nhiệm vụ học tập cho HS như: Thu thập tài liệu, viết báo cáo liên quan đến nội dung bài học phục vụ cho phương pháp dạy học dự án. “Tôi yêu cầu các em vận dụng kiến thức bài học vào thực tế... Tôi muốn HS tự tổ chức hoạt động tự học và bước đầu tập cho HS làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học” – cô Nguyệt chia sẻ.

Mong HS hạnh phúc khi đến lớp

Cho rằng, việc bồi dưỡng phát triển kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học là cần thiết, cô Nguyệt đã tổ chức phân nhóm học tập cho HS. Trong mỗi nhóm, có HS có phương pháp và kỹ năng tự học tốt và HS cần giúp đỡ về phương pháp và kỹ năng tự học. Sau đó, hướng dẫn cho HS cách nhận diện phong cách học tập của mình, giúp các em tìm được phương pháp tự học phù hợp. Cô cũng hướng dẫn HS cách tìm đọc sách hoặc tài liệu liên quan đến môn học, từ đó tự học qua tài liệu biên soạn và qua các giờ lên lớp.

“Tôi dạy HS cách tóm tắt nội dung, ghi nhớ nội dung, kiến thức trọng tâm trong tài liệu. Từ đó rèn luyện cho các em kỹ năng phân tích, so sánh, khái quát hóa vấn đề. Đồng thời rèn cho HS thói quen tích cực làm bài tập, thực hành và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Trong mỗi giờ học, tôi thường dành thời gian để kiểm tra lại việc thực hiện kế hoạch tự học của HS ở nhà. Điều này sẽ giúp HS nhớ kỹ, nhớ lâu, có thêm động lực để phát triển kiến thức, rèn luyện các kỹ năng học tập” – cô Nguyệt trao đổi.

Cô Nguyệt luôn khuyến khích HS mạnh dạn đưa ra ý kiến nhận xét, thắc mắc của mình trong quá trình học tập và tự học. Cô cũng rèn luyện cho HS tư duy phản biện, phán đoán, khả năng phê phán; biết gắn học tập với hoạt động thực tiễn, học đi đôi với hành; đồng thời kiểm nghiệm tri thức, biến tri thức thành kỹ năng của mình. Ngoài ra, cô hướng dẫn cho HS cách tự kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của mình, góp phần củng cố vững chắc các kiến thức đã lĩnh hội, hiểu được thực trạng hoạt động học tập của bản thân, từ đó đề xuất biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy hoạt động học tập và tự học của mình.

Giáo án là bản thiết kế sư phạm cho một bài học, trong đó thể hiện mục tiêu, nội dung, trang thiết bị, vật chất, phương pháp dạy học và ý đồ sư phạm của nhà giáo cũng như những hoạt động cụ thể của thầy - trò.  Giáo án chính là sản phẩm sư phạm độc đáo của GV, là công cụ để GV lên lớp. Thiết kế giáo án là sự khởi đầu hoạt động dạy của người thầy. Do đó, muốn HS tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và có được các kỹ năng tự học, GV cần đổi mới cách thiết kế giáo án. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt 

Ngoài ra, cô Nguyệt còn tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Dưới sự hướng dẫn và tổ chức của GV, từng HS trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực tiễn với tư cách là chủ thể của hoạt động, được quan sát, suy nghĩ, trải nghiệm. Căn cứ vào mục tiêu học tập của môn học, điều kiện cơ sở vật chất dạy học, khả năng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã có của HS, cô Nguyệt đưa ra quy trình và các định hướng thiết kế hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS một cách phù hợp.

Chia sẻ về tâm nguyện lớn nhất của mình mỗi khi lên lớp, cô Nguyệt bộc bạch: “Tôi mong HS được hạnh phúc khi đến lớp. Tập thể lớp như một gia đình lớn, biết thương yêu, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau; biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, khó khăn trong học tập và cuộc sống; hạnh phúc khi góp sức cùng nhau giải quyết trọn vẹn nhiệm vụ học tập, và các nhiệm vụ thực tế đặt ra cho mỗi người; biết tu dưỡng để trở thành con ngoan, trò giỏi và sau này trở thành người có ích cho xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ