Hóa giải xung đột khi chọn ngành, trường học

GD&TĐ - Để phụ huynh và học sinh có tiếng nói chung trong lựa chọn ngành, trường học, phụ huynh cũng cần được hỗ trợ để hiểu đúng lĩnh vực này...

Phụ huynh, học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: TG
Phụ huynh, học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: TG

Phụ huynh cần được tư vấn

TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho hay, nhiều học sinh chia sẻ bố mẹ can thiệp sâu vào quá trình lựa chọn ngành nghề. Có học sinh cho biết, bố mẹ yêu cầu phải đăng ký xét tuyển vào ngành A của trường đại học B với lý do như vậy mới có thể bảo đảm được việc làm sau khi con sau ra trường. Tuy nhiên, học sinh lại thích ngành C. Vậy là xung đột xảy ra khi phụ huynh và học sinh không cùng suy nghĩ, quan điểm lựa chọn ngành, trường học.

Từ thực tiễn khách quan, TS Võ Thanh Hải nhận thấy, phía phụ huynh có một số trường hợp xảy ra khi con em họ chọn ngành và trường như: “Thả nổi” để con tự đăng ký nguyện vọng xét tuyển; can thiệp quá sâu, thậm chí áp đặt sự lựa chọn ngành học mà mình cho là tốt nhất; có định hướng nhưng chưa biết cách và chưa có đầy đủ thông tin ngành nghề, cơ sở đào tạo để tư vấn cho con.

“Thực tế này cho thấy, phụ huynh rất cần được tư vấn về tuyển sinh, hướng nghiệp. Qua đó, trang bị cho họ kỹ năng, nền tảng thông tin để có thể đồng hành cùng con trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai” - TS Võ Thanh Hải nêu quan điểm.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân, hơn bao giờ hết, phụ huynh cần hiểu về ngành nghề đào tạo, xu thế phát triển và nắm bắt được tâm lý, thiên hướng nghề nghiệp của con. Có như vậy mới trở thành chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đúng và trúng cho con em mình.

“Đã là chuyên gia thì cần biết lắng nghe, chia sẻ và không nên can thiệp cực đoan vào sự lựa chọn của các em. Thay vào đó, dựa trên sự hiểu biết, kinh nghiệm, phụ huynh có thể phân tích, thảo luận để có tiếng nói chung với con” - TS Võ Thanh Hải trao đổi.

Phụ huynh đồng hành cùng thí sinh trong Kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2022. Ảnh: TG

Phụ huynh đồng hành cùng thí sinh trong Kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2022. Ảnh: TG

Giải pháp tránh xung đột

Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023 với chủ đề “Cùng con bước vào tương lai”; GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi một số giải pháp để tránh xung đột giữa cha mẹ và con khi lựa chọn ngành nghề. Theo đó, phụ huynh nên lắng nghe ý kiến, quan điểm, mong muốn con để giảm thiểu khác biệt trong suy nghĩ, định hướng giá trị nghề nghiệp và chọn ngành để đăng ký xét tuyển.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, học sinh thời nay có sự chuyển dịch trong tư duy, nghề nghiệp và lối sống. Còn bố mẹ thường định hướng cho con các ngành nghề có tính ổn định, an toàn và không quá nhiều thách thức. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn về tư duy lựa chọn ngành học giữa học sinh với phụ huynh trước mỗi mùa tuyển sinh.

Vì thế, từ phía phụ huynh cần bình tĩnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các con. Thay vì áp đặt, phụ huynh nên đồng hành để giúp con hiểu về nghề, cơ hội và những thách thức ngành nghề dự định lựa chọn. “Khi có sự khác biệt trong lựa chọn ngành, trường học, phụ huynh không nên giải quyết trong một lần. Nếu phụ huynh chưa đủ luận cứ để thuyết phục con thì nên lắng nghe và nhờ bên thứ ba để trao đổi với con” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra lời khuyên.

“Chọn nghề là lựa chọn của học sinh nhưng phải thỏa mãn nhiều biến số: Đặc điểm tâm lý cá nhân, nhu cầu về lao động, hứng thú với nghề của học sinh, khả năng phù hợp với gia đình… Trong quyết định này, học sinh cần sự vào cuộc, hỗ trợ của cả thầy cô, cha mẹ, chuyên gia hướng nghiệp” - TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

Viện dẫn câu nói, “Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu”; TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) phân tích, câu nói mang hàm nghĩa, chọn nghề là 1 trong 3 việc trọng đại nhất cuộc đời người đàn ông. Hay suy rộng ra, “tậu trâu” như chọn đúng nghề, việc đặc biệt quan trọng của mỗi người, bất kể nam hay nữ. Nếu chọn đúng nghề, có thể mang lại thành công, hạnh phúc cho mỗi người và ngược lại.

Cũng theo TS Hoàng Trung Học, ở Việt Nam, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong định hướng nghề nghiệp con cái. Trước hết, cha mẹ là người gần gũi, thấu hiểu học sinh, hơn nữa họ liên quan trực tiếp, nguồn lực giúp các em chọn và học được nghề phù hợp. Mặt khác, cha mẹ còn có nhiều kinh nghiệm sống. Điều này có ích cho học sinh khi quyết định lựa chọn ngành, trường học. Đặc biệt, trong văn hóa Việt Nam, sự ảnh hưởng, tính định hướng của cha mẹ trong chọn nghề của con có vai trò lớn, nếu không muốn nói là quyết định.

“Vì vậy, tôi cho rằng, cùng với việc hướng nghiệp cho các con, công tác tư vấn cho cha, mẹ học sinh có ý nghĩa quan trọng. Phụ huynh cần được coi như một bên tham gia, giúp con em mình đưa ra quyết định chọn nghề đúng đắn” - TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

Để phụ huynh có thể đồng hành cùng thí sinh, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Khánh Hòa) cho rằng, việc đầu tiên phụ huynh cần nắm chắc lịch thi tốt nghiệp THPT, đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học.

“Năm ngoái, có thí sinh quên không xác nhận nhập học. Do đó, năm nay chúng tôi đặc biệt lưu ý phụ huynh cần đồng hành cùng con em mình trong tất cả các khâu trong tuyển sinh, với các mốc thời gian quan trọng nêu trên để không bị “trượt oan”, ông Lê Tuấn Tứ trao đổi.

“Chúng ta thường lãng quên vai trò của phụ huynh nên chưa quan tâm, tập huấn, tư vấn đúng mức cho họ. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của quá trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh” - TS Hoàng Trung Học nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ