Tham gia tọa đàm, tương tác với chuyên gia
TS Đào Lê Hoà An, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp 4.0 JOBWAY cho biết, không chỉ các bạn học sinh mà ngay cả thầy cô giáo, những người đã trưởng thành rồi thì trước một kỳ thi rất quan trọng vẫn chịu những áp lực nhất định. Với áp lực đó đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực, cố gắng, có phương pháp học tập và lựa chọn đúng đắn để dễ dàng đến với thành công.
Thời gian qua, áp lực học tập, thi cử… đang là những vấn đề nóng được phụ huynh, học sinh và toàn xã hội quan tâm. Có những bạn học sinh tự huỷ hoại bản thân mình khi nhận được kết quả thi không đậu vào nguyện vọng mong muốn, trường yêu thích. Không ít những sự việc đau lòng đã xảy ra thời gian qua gióng lên hồi chuông cảnh báo đến sức khỏe tâm thần của các bạn trẻ.
Đặc biệt trong giai đoạn này, khi mà các kỳ thi cận kề, để có cách thức giải quyết phải hiểu rõ nguyên nhân áp lực đến từ đâu: từ chính bản thân mỗi người khi đặt ra kỳ vọng cao hơn năng lực của bản thân hay áp lực được mang đến từ bên ngoài như kỳ vọng từ ba mẹ, bạn bè, người xung quanh… Áp lực cũng xuất hiện khi chúng ta không hiểu rõ về mình, mông lung không biết với sự lựa chọn, năng lực như vậy sẽ đi theo hướng đi nào.
Để giải quyết áp lực câu chuyện chọn nghề, chọn ngành, chọn trường, TS Đào Lê Hoà An đưa ra một vài phương pháp giúp giảm áp lực thi cử, trong đó, học sinh cần cân bằng giữa sự kỳ vọng và năng lực. Hiện có nhiều phương thức xét tuyển, các bạn có thể tận dụng tất cả phương thức này, không dựa vào cách thức nào là trọng tâm, trọng yếu để gây áp lực cho mình.
Thứ 2 là trọng tâm trong chọn trường, chọn ngành. Học sinh cần xác định nghề nghiệp muốn làm trong tương lai, sau đó mới xem học ngành gì để có thể làm vị trí việc làm đó. Ông An lưu ý có rất nhiều ngành đáp ứng được yêu cầu vị trí công việc, trong khi đó điểm trúng tuyển vào mỗi ngành sẽ khác nhau, có ngành điểm cao, có ngành điểm trung bình.
Ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Holding khuyên, ngoài việc học lý thuyết qua môn học bắt buộc cấp THPT, nhà trường và quý phụ huynh cần tham khảo một số phương pháp định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các con tiếp cận và hiểu rõ về việc định hướng nghề nghiệp.
Đây là hoạt động ngoại khóa được nhiều nhà trường áp dụng vì đem lại hiệu quả cao và có sức truyền thông điệp, cảm hứng lớn đến học sinh. Tọa đàm hướng nghiệp có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, các diễn giả truyền cảm hứng hoặc các thầy cô có kinh nghiệm định hướng nghề nghiệp tham gia. Thay vì học giáo trình định hướng nghề nghiệp trên sách vở, các em sẽ được nghe trực tiếp những lời khuyên, những định hướng từ những người có tầm ảnh hưởng để trao đổi và thảo luận về những định hướng, mục tiêu hoặc giới thiệu về một số ngành nghề cụ thể.
Sử dụng các công cụ giáo dục hướng nghiệp
Hiện nay có rất nhiều công cụ phục vụ cho việc hướng nghiệp các em có thể tham khảo. Các ứng dụng này được xây dựng phục vụ đối tượng là học sinh phổ thông, gồm các trắc nghiệm nghề nghiệp, khả năng nổi trội của bản thân, xu hướng nghề nghiệp phù hợp… và các thông tin thị trường, tuyển sinh, xu hướng ngành nghề trong tương lai… các em có thể tham khảo.
Ngoài ra các em nên tham gia hoạt động ngoại khóa. Đây là cơ hội để các em phát huy được tính cách, sở thích và năng lực của bản thân mình. Các câu lạc bộ, các hoạt động tình nguyện, các chiến dịch, dự án,…đều là cái nôi để các em phát triển bản thân và tìm được ra cho mình một niềm đam mê phù hợp bằng việc khám phá chính bản thân mình.
Hoạt động ngoại khóa là nơi học sinh thoải mái bộc lộ cá tính, tố chất mà đôi khi bị giới hạn bởi các quy định do nhà trường và bố mẹ đưa ra. Các em được gặp những người cùng chung sở thích, đam mê như “cá gặp nước” có thể cùng nhau phát triển và là bạn đồng hành trong quá trình định hướng tương lai. Dựa vào đó, các em hiểu được chính bản thân mình muốn gì, có năng lực gì, các thầy cô và phụ huynh cũng biết được các con có điểm mạnh, điểm yếu, có tố chất như thế nào để tham gia định hướng cùng con.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ để phục vụ cho ngành giáo dục vô cùng phát triển. Qúa trình dạy, học và thi cử trở nên dễ hiểu, linh động nhờ sự bổ trợ của các thiết bị tiên tiến. Trong đó công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cũng được đầu tư một cách đặc biệt.
Một số ứng dụng trực tuyến giúp hỗ trợ rất tốt cho việc tư vấn hướng nghiệp như MBTI, Holland Codes, 16Personalities, Good & Co, Creative Types, Buzz Quiz, Career Explorer by Sokanu,….mà em dễ dàng tìm được trên Internet. Trong đó, bài test MBTI là bài trắc nghiệm được sử dụng nhiều nhất trong các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề.Với mỗi ứng dụng sẽ có bài test riêng biệt để cho ra kết quả trắc nghiệm tính cách, sở thích,…phù hợp từ đó phân luồng định hướng bậc THPT.
Bên cạnh việc được giáo dục thông qua giáo trình trên trường, các em có thể tham khảo những cuốn sách dễ hiểu, lôi cuốn từ những người nổi tiếng và thành đạt. Hướng nghiệp qua việc đọc sách sẽ giúp các em tìm ra được điểm tương qua với bản thân để định hướng mục tiêu của mình dựa vào những câu chuyện, bài học, kinh nghiệm mà sách mang đến.
Một vài cuốn sách các bạn có thể tham khảo như: Tôi Tài Giỏi – Bạn Cũng Thế (Adam Khoo): Cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự của tác giả trong hành trình đi tìm thành công của riêng mình. Cuốn Trên đường băng (Tony buổi sáng): Lối hành văn hài hước, dễ hiểu ngắn gọn được đúc kết trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân của tác giả; Cuốn Nhà giả kim (Paulo Coelho): Hành trình sống và những bài học vô cùng ý nghĩa được kết tinh trong mỗi câu chuyện khiến ai cũng phải suy ngẫm…