Tiếng yêu đầu tiên

Hoa đào mãi mãi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một ngày cuối Đông. Hoài khoác chiếc áo dạ đen bước ra cửa như muốn nhìn thấy mùa Đông đi.

Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) Tết Bính Thân 1956. Ảnh: TTXVN
Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) Tết Bính Thân 1956. Ảnh: TTXVN

Trời đã về khuya, những tiếng rao đêm chỉ còn xực tắc* hay phở gánh, những nét riêng của Hà thành như không bao giờ ra đi theo mùa. Hoài tần ngần nhìn dãy đèn vàng ngoài phố thấy hơi buồn buồn vì năm nay cậu đã lên lớp Mười.

Cậu cũng bắt đầu nặng lòng với Nga, người con gái Phố Hàng, nữ sinh Trưng Vương, cùng tuổi Hoài và là con một gia đình thân thuộc với nhà cậu. Chỉ còn ba tuần nữa là lại đến Tết.

Hoài đã gắn tuổi thơ của mình với những cái Tết truyền thống, nhưng năm nay bên giây phút háo hức đón Tết cái buồn man mác ập đến vì nó đang rút ngắn lại những ngày cắp sách của cậu.

Chìm vào trong giấc ngủ đến tận sáng.

- Hoài ơi, dậy đi con.

- Vâng ạ.

- Tí nữa lên bác Ninh lấy khăn, áo cho mẹ nhé.

Hoài vừa mặc xong quần áo định đi thì Nga đã xuất hiện:

- Chào bác ạ. Mẹ cháu bảo mang cho bác khăn, áo bác đặt mua, hôm nay bác cần ạ.

- Ngoan quá, vào đây.

Quả là đến gần trưa, chị Yên ở quê ra mang cho nhà ít gạo nếp và thịt lợn.

- Cô ạ, cháu mang cô ít gạo nếp mới, và ba cân thịt lợn để cô làm Tết. Năm nay cô lấy nhiều thịt thế ạ?

- À, cô lấy cho cả cô Ninh, mẹ Nga đây này. Năm nay cô không lấy giò mà định làm vài món mới cho mâm cỗ Tết như thịt lợn rán tẩm mật ong, thịt lợn xào ngũ sắc, bắp cải cuộn thịt lợn.

- Cháu ra ăn Tết với cô với.

- Ừ... Nhớ 29 Tết cô về lấy bánh chưng đấy nhé.

- Vâng, cháu gói từ 28. Cô có đi mộ không ạ?

- Có chứ, nhưng chưa định ngày nào. Này Yên, cô chú cho cháu chiếc áo bông chần và chiếc khăn len này.

- Ôi, cô.

- Nhìn xem áo cháu rách mấy chỗ rồi. Thôi cầm lấy.

- Vâng ạ.

***

Trước Tết, gia đình bà Thìn có lệ đi tảo mộ, dù cho nhiều nhà khác tảo mộ vào tiết Thanh minh, khoảng tháng Ba âm lịch. Như vậy nhà Hoài không đi Thanh minh nữa, còn hội Đạp Thanh, thực ra nó gắn với truyền thống của người Trung Quốc, với Hiên Viên Hoàng đế, sau này trở thành hội rũ bỏ bụi bẩn hồng trần, cầu mong hạnh phúc và hội cho nam thanh nữ tú tìm nhau kết bạn tình.

Hôm nay, mẹ Hoài cùng ba đứa con lớn về quê tảo mộ. Đây là dịp sửa sang mộ phần của ông bà tổ tiên: Dọn cỏ, lấy nước lau sạch bia mộ; và mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Vừa vào đến mộ, mẹ Hoài đứng sững lại, bảo cậu chạy vào làng gọi anh chồng chị Yên ra mẹ nhờ. Hoài quay trở lại, mẹ thắp mấy nén hương đưa cho mấy anh em khấn trước phần mộ. Một lúc sau anh Đăng chạy ra:

- Cô.

- Đăng này. Nhờ cháu làm lễ nhổ cái cây này đi.

- Vâng ạ.

Mẹ chỉ vào cái cây rễ cọc mọc cao từ dưới mộ lên, cành lá xum xuê. Anh Đăng chạy đi lấy dụng cụ. Nghe mẹ giải thích anh em Hoài mới hiểu người ta chỉ trồng cây hoa hoặc cây rễ chùm cho mát mộ thôi. Cây rễ cọc chọc thẳng xuống mộ như thế này thì xúi quẩy lắm, nó làm phiền, quấy rầy người nằm dưới mộ, người ta thường bảo là mộ bị động.

Trong khi anh Đăng thắp hương, nhổ cây, đổ muối xuống lỗ hổng thì mẹ dẫn anh chị em Hoài đi quanh. Năm nay Ngà cũng đã vào lớp Bảy, Cung lớp Năm và Thào lớp Ba nên bà Thìn cũng muốn cho các con bắt đầu quan tâm đến phần mộ tổ tiên.

Bà chỉ từng mộ của người thân đã quá cố: Đây là mộ cậu Mùi, mất vì thương hàn, đây là mộ cậu Mỹ liệt sĩ, hy sinh trong những ngày Thủ đô quyết tử năm 1946, đây là mộ bà nội, ông nội, bà ngoại. Anh em Hoài ngoan ngoãn, kính cẩn thắp hương mời ông bà, các cậu về ăn Tết.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Tuy còn hơn nửa tháng nữa mới đến Tết, nhưng không khí chuẩn bị Tết trên đô thành đã rộn ràng lắm rồi. Người Hà Nội xưa sống rất trật tự và kín đáo, nhà ai lo nhà nấy, không phô trương việc mua bán, không làm đường phố ầm ĩ nhưng không khí hồ hởi vẫn cảm nhận được, nhất là ở những con phố buôn bán như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân...

Hoài thấy bố lau chùi máy ảnh, chuẩn bị một vài phụ kiện như chân máy, máy đo ánh sáng, mấy hộp phim, cậu biết ngay mình sắp được tháp tùng bố mẹ lên phố Hàng Lược sắm cành đào Tết.

Năm nào cũng vậy trước Tết một tuần là một cành đào hoa thắm, thân xù xì, đen và các nhánh vươn ra đều, nằm gọn trong chiếc lọ lộc bình cổ trên đầu tủ buýp-phê.

Khi anh em Hoài ra đời, chiếc lộc bình này đã có từ lâu, trông cũ kỹ mà lại bị sứt một miếng nhỏ ở miệng nhưng chẳng hiểu nó có duyên gì mà không thể ra khỏi nhà cậu. Có lẽ cái duyên đó là sự đam mê và trân trọng kỷ vật của bố Hoài. Thế là bà Thìn cứ hai ba ngày thay nước sạch một lần và rửa gốc đào. Hoa đào nở bung tô điểm không gian phòng khách trong suốt mấy ngày Tết.

Ngà, em gái của Hoài, đang ngồi đan chiếc áo len mặc Tết. Bà Thìn rất truyền thống, lo giáo dục con gái thạo nữ công gia chánh nên Ngà may vá, nhất là đan len rất giỏi. Không những thế bà còn giáo dục con cách ăn mặc. Bà thường nói:

- Ăn mặc là nết đất, nết người.* Người Hà Nội không bao giờ được sơ sài với cốt cách ăn mặc, phải luôn luôn kín đáo, giữ cái đẹp thầm kín của người con gái.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Mỗi năm một lần, Ngà lại được mẹ cho tiền lên phố Đinh Liệt mua len. Ngà vui thích chìm trong các loại len đủ màu, lựa chọn vì áo Ngà thích phải là áo pha, nên chọn màu len cũng phải kỳ công một chút. Còn Thảo, cô con gái thứ hai, mới năm ngoái đây thôi, cho gì mặc nấy, nhưng năm nay cũng đòi mẹ mua len cho bé tự đan một chiếc khăn quàng ăn Tết. Chị người làm cũng chiều bé, dắt lên Đinh Liệt chọn len, rồi về hì hục giúp bé đan bằng được chiếc khăn đỏ pha trắng trước Tết.

Sáng 28 Tết, bà Thìn sắp xếp cho hai chị người làm cùng quê về nhà ăn Tết, nhân tiện đưa ba đứa trẻ về cùng để “tham gia” gói bánh chưng cũng là tạo thói quen giữ gìn truyền thống cho chúng, và chiều 29 Tết bà sẽ về đón.

Hoài cũng lăm lăm về với lý do nồi bánh chưng nhưng bà Thìn thừa biết cậu con trai cả láu lỉnh chỉ lăm lăm đưa con bé Nga về thức đêm luộc bánh. Hai gia đình đều biết Hoài và Nga quấn quýt với nhau từ nhỏ và nay chúng đã lớn, tình yêu sẽ nảy nở. Tuy hai nhà không cấm đoán nhưng cũng phải dạy chúng giữ gìn lễ nghĩa, đạo lý. Hoài xin về sau, đi xe đạp cùng Nga.

Mấy đứa em Hoài ra khỏi nhà với hai chị người làm là Hoài nhảy lên xe đạp phóng thẳng đến nhà xin phép cho Nga. Bà Ninh hỏi thăm:

- Hôm nay mẹ có về quê không?

- Mai mẹ cháu mới về ạ.

Hoài dọn đường để bà Ninh yên tâm cho Nga đi cùng, qua đêm luộc bánh:

- Ba em cháu cũng đã về quê để xem luộc bánh chưng ban đêm rồi ạ.

- Bác cũng gửi mẹ mấy cái.

- Vâng mẹ cháu cũng bảo ạ.

Cháu... cháu...

Bà Ninh nhìn Hoài rồi cười vui vẻ:

- Biết rồi, con Nga xin phép từ hôm qua. Thực ra con gái không được đi qua đêm, nhưng Tết, về nhà đông người (bà quay sang Nga) cho đi một lần thôi nhé.

***

Buổi trưa, ngày cuối Đông. Nga đeo vội chiếc đàn violin nhỏ sau lưng, tưng tưng nhảy lên sau xe đạp làm Hoài loạng choạng tay lái, rồi đấm vào lưng Hoài:

- Cậu đèo tớ nửa đường đổi lái nhé.

Hai mươi nhăm cây số sao mà ngắn thế. Hai đứa xuống xe dắt qua đường tàu vào làng. Vào đến sân nhà, con chó vàng chạy ra sủa vài tiếng, vẫy vẫy đuôi.

Nga nhìn lên chỉ vào cây bưởi trong vườn, quả vàng tươi. Hoài bảo:

- Chị Yên chăm cây này lắm, dành cho mâm ngũ quả những quả đẹp nhất cây. Quả nào cũng tròn trĩnh, căng mọng và có cuống còn xanh với vài chiếc lá tươi.

Đúng lúc đó chị Yên chạy ra, Hoài nói:

- Chị ơi, mẹ em bảo chị chọn cho mẹ một quả bưởi đẹp nhé.

- Vâng, tôi đã dành bưởi cho cô rồi, và cả nải chuối xanh có số quả lẻ nữa đấy. Hai cô cậu vào đi. Mấy đứa trẻ cứ quấn lấy chỗ gói bánh. Bánh gói cũng sắp xong. Tối nay luộc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Sáu giờ chiều 28 Tết. Bánh chưng đã chất đống, cái nào cũng vuông thành sắc cạnh, lá xanh tươi roi rói, bốn chiếc lạt trắng muốt, buộc thẳng tắp. Chiếc thùng phi nhỏ cũng đã được rửa sạch để sẵn sàng trong căn bếp nhỏ lợp rạ. Đống củi khô cũng nằm yên cạnh đó chờ lệnh nổi lửa. Chị Yên gọi Ngà vào, nói:

- Năm nay em lớn rồi phải biết cách luộc bánh nhé. Bây giờ cùng chị nhấc cái thùng này lên bếp nào.

- Vâng ạ.

- Hai chị em mình xếp bánh vào thùng nào.

Thảo và Cung chạy ùa vào, tay khư khư cầm chiếc bánh chưng nhỏ xinh. Bánh của Thảo buộc chiếc lạt màu đỏ và Cung lạt màu xanh để đánh dấu. Chị Yên bật cười vì lạt màu gì thì khi luộc chín lên đều sẫm lại.

- Chị Yên ơi, bánh chưng của chúng em xếp vào đâu ạ?

- Để chị xếp lên trên cùng cho. Xếp xong nồi bánh chưng, chị Yên dạy Ngà cách xếp củi vào bếp, vẩy ít dầu hỏa và nổi lửa. Bánh phải luộc suốt đêm đến sáng mới rền, sau đó lấy ra nén. Chị Yên nhắc Ngà:

- Em bưng chậu nước nóng vào đây. Luộc bánh chưng nước chóng cạn, em phải luôn luôn đổ nước cho ngập bánh nhé.

Hai đứa trẻ cùng con nhà chị Yên mỗi đứa một thanh củi chờ đến lượt ném vào bếp. Trời tối dần rồi ngoảnh đi ngoảnh lại đã về khuya. Từ nãy Ngà ngồi kể cho bọn trẻ nghe chuyện bánh chưng bánh giầy, chuyện Vua Hùng thứ 6 lệnh cho các con dâng của ngon vật lạ có ý nghĩa để chọn người truyền ngôi, chuyện Lang Liêu mơ thấy thần mách bảo làm bánh vuông, bánh tròn tượng trưng cho Trời và Đất. Ngà đang kể thấy hai đùi nặng trĩu, nhìn ra hai đứa đã gối đầu ngủ khò.

Mọi người đã đi ngủ cả. Hoài nói nhỏ:

- Nga ơi, em chơi bản nhạc chiều đi.

Đã ước hẹn từ trước, Nga liếc nhìn Hoài rồi từ từ lấy đàn ra.

“Lắng trong tiếng chiều ngân... Nhạc dặt dìu ái ân...”.

(Hoài nhè nhẹ vuốt tóc Nga, tiếng đàn vẫn dặt dìu)...

“Người ơi, nhớ mãi cung đàn... Năm tháng phai tàn... Duyên kiếp chưa hề lỡ làng... (Nga nhè nhẹ buông cây vĩ xuống, ngả đầu vào vai Hoài, rồi chơi tiếp)...”.

“Nhạc chiều của chúng ta... là câu ân ái muôn đời... Tình yêu mãi mãi”.*

Hoài ôm lấy mái tóc thề trong vòng tay, từ từ cúi xuống hôn lên đôi môi nóng bỏng của Nga. Hoài không nói gì nhưng trong lòng cậu đã vang lên:

“Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”.*

Giai điệu chiều tà đã thay cho lời tỏ tình.

Giao thừa. Theo thông lệ bố mẹ Hoài cùng bố mẹ Nga ra chùa Quán Sứ thắp hương, sau đó nhà ai về xông nhà người nấy. Nhà Nga có vẻ “mẫu hệ” hơn, mẹ vào trước, thực ra vì bố Nga không tin chuyện xông nhà nên có năm đi, có năm không; còn nhà Hoài, bố cũng chẳng câu nệ gì nhưng thôi cứ làm đủ thủ tục cho đỡ áy náy.

Năm nay, Hoài xin phép sau khi bố mẹ xông nhà lên đón Nga đi Giao thừa một lúc. Cuộc hẹn hò bên hồ Gươm. Ắng lặng. Xung quanh chẳng có mấy ai, lẻ tẻ có ít người đi lễ chùa. Gió thổi nhẹ trên mặt hồ, tiết trời khá lạnh, tiết trời ngày Tết. Hoài ôm ngang lưng Nga đi lững thững:

- Nga à, trường anh vận động sau tốt nghiệp trung học, học sinh xung phong đi xây dựng miền núi một thời gian vài năm. Anh ghi tên, em ạ.

(Nga ngẩng đầu lên nhìn Hoài không nói gì). Em có chờ anh không?

- Sao anh lại hỏi em thế? Anh ra đi có quên nụ hôn đầu của chúng ta không?

Hoài ôm chặt Nga hơn:

- Em định vào đại học gì?

- Em vào học Văn.

- Anh là người con của Hà Nội, nhưng anh muốn bắt đầu cuộc đời bằng những ngày “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”*, rồi lại trở về làm điều gì đó cho quê hương. Anh sẽ học Văn cùng em.

- Em chờ anh.

Hoài thấy trong lòng một niềm vui trào lên.

- Ngày Tết năm đó, anh sẽ mua một cành đào tặng em, và chúng ta cùng:

“Nắm tay nhau giữa giao thừa

Mỉm cười tính chuyện ước mơ năm nào”*.

----------------------------------------

*Xực tắc: Tiếng hai thanh tre gõ vào nhau để rao bán mỳ vằn thắn.

*Ăn mặc là nết đất... ca dao.

*Chiều tà (Serenata). Phạm Duy.

*Lạt này gói bánh chưng xanh... ca dao.

*Phú Xuân đã trải... ca dao.

*Khuyết danh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.