Tết muộn

GD&TĐ - Người ta chơi Tết từ lâu/Nhà tôi chơi Tết bắt đầu mồng Ba. Nghe có vẻ lạ nhưng thực ra đó là sự thật.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuối năm 2021 là khoảng thời gian đầy khó khăn, lo lắng với cả gia đình tôi khi lần lượt mẹ tôi, tôi, con trai và chồng tôi đều mắc Covid. Chỉ còn lại con gái bé bỏng mới ba tuổi là không sao.

Tôi và mẹ chồng bị trước. Mẹ bị bệnh nền lại ở vào tuổi xưa nay hiếm, 81 coi như đã gần đất xa trời. Tôi lo lắng đưa mẹ đi điều trị tại bệnh viện. Những ngày ở bên chăm sóc mẹ đối với tôi đêm cũng như ngày, từng khắc từng giờ thấp thỏm lo âu càng thêm dài đằng đẵng. Huyết áp, nhiệt độ của mẹ cứ cao mà ô xy trong máu lại cứ thấp. Những con số thật đáng ghét biết nhường nào.

Có lúc quẫn trí, tôi cứ ước rằng mình và mẹ có thể đổi chỗ cho nhau. Tôi kiên trì giúp mẹ tập thở, thủ thỉ vào tai mẹ là Tết đang tới gần. Mẹ mau khỏe để về nhà ăn Tết, về nhìn các cháu nô đùa, về đi chợ mua quần áo mới. Tôi gọi zalo về nhà cho chồng và các con.

Nghe tiếng ríu rít trò chuyện của các con mà nhớ thương quá đỗi. Mắt kém, mẹ không nhìn được nhưng mẹ vẫn nghe được. Tôi đưa điện thoại lại gần mẹ, để mẹ nghe cùng tôi những líu lo của cháu nhỏ, chúng kể về chuyện ba cha con đi vặt lá mai để Tết này sẽ nở hoa vàng như những năm trước đó.

Chúng nhắc lại cha kể chuyện năm ngoái năm kia khoảng tầm này cả nhà mình đang làm gì để chuẩn bị đón Tết. Chúng nhắc chừng kêu bà và mẹ nhanh khỏe để về nhà. “Chibi nhớ mẹ, nhớ bà!”. Bé con ba tuổi nói giọng phụng phịu như muốn khóc. Mẹ tôi mấp máy môi dỗ dành.

Nhờ tập thở, mẹ đã không phải thở máy như bác sĩ đã lo lắng thông báo trước đó. Và mẹ dần khỏe lại. Mẹ ăn được, ngủ ngon, tỉnh táo chứ không lề bề lệt bệt như trước. Chỉ cần vậy thôi, trong lòng tôi mùa xuân đã ngập tràn.

***

Sau mười ngày điều trị, chúng tôi được xét nghiệm để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cả hai mẹ con đều âm tính với Sars-cov-2. Chồng tôi nghe tin báo thì mừng vui quá đỗi. Đón hai mẹ con tôi trở về anh mới thông báo là ở nhà con trai cũng bị dương tính với Covid.

Nhưng con đã qua nhanh sau vài ngày. Tôi có chút giận anh không báo cho mình biết nhưng mừng lắm, vì giờ đây con trai đã lành bệnh, mẹ đã khỏe lại. Cả nhà Tết này sẽ không phải cách xa.

Sau bảy ngày tự cách ly ở nhà, tôi lại đi làm những ngày cuối cùng trong năm trước khi nghỉ Tết. Bao dự định cho những sắm sanh, bày biện ngày Tết bỗng trở nên vô nghĩa khi chỉ còn một tuần nữa là hết năm thì chồng tôi lại bị dương tính với Covid. Sắp sửa đồ đạc cho anh đi cách ly điều trị mà lòng tôi buồn vô hạn.

Tết đến có nghĩa gì khi cả nhà cách ly, mỗi người mỗi ngả? Hay Tết đến chỉ làm cho lòng ta thêm buồn bã? Nhà người ta vui vẻ sắm cúc, sắm mai, rộn ràng gói bánh chưng, bánh tét. Nhà mình lủi thủi vào ra quanh quẩn bên sân vườn nhỏ hẹp.

Ngoài chiếc cổng nhỏ đóng im ỉm suốt ngày, dải dây đỏ phong tỏa thi thoảng rung rung khi có gió lùa qua như trêu ngươi. Tôi buồn, nỗi buồn cứ rưng rức cõi lòng, lặng lẽ trào ra, mọi vật nhòa đi trước mắt.

Tôi ở nhà liên tục điện thoại hỏi han, động viên chồng mau chóng khỏi bệnh. Còn phải động viên mẹ chồng đang lo lắng cho con trai cứ yên tâm “chỉ mấy ngày thôi chồng con sẽ trở về”.

Chị hàng xóm tốt bụng thấy cận Tết rồi mà nhà tôi vẫn chưa sắm sửa gì, có ngỏ ý muốn giúp, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng nhà mình mỗi người một nơi, vui gì mà sắm. Tôi chỉ cần anh trở về, chỉ cần cả nhà bình yên đã là Tết rồi.

Tôi ở nhà, cố gắng dẹp hết mọi lo lắng, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Không sắm được Tết nhưng cần dọn nhà đón Tết. Dọn hết mọi phiền muộn, xui rủi của năm cũ, mong cho năm mới cả nhà luôn được bình an.

Ngày cuối năm, cô học trò nhỏ của tôi mang đến cho cô những thứ rau xanh mà nhà trồng được. Người em chơi với chúng tôi mang xuống chút bánh kẹo, chiếc bánh chưng, đôi kí thịt lợn.

Người anh cùng cơ quan chồng mang đến trái bưởi, hộp bánh, hộp trà, cây bánh tét. Anh còn cẩn thận dặn dò đồ nào để thắp hương, đồ nào cho bọn nhỏ. Người anh khác thì mang xuống nào hạt bí hạt dưa, nào bánh và bảo: “Có cần thêm gì cứ nói với anh”.

Tâm hồn của kẻ tha hương ngày cận Tết cứ ngân lên âm điệu rưng rưng niềm xúc động. Ấm áp vô cùng khi nhận được bao quan tâm, chia sẻ, động viên từ “những người bạn” mà hệt như anh em ruột thịt.

***

Xuân đã gần kề anh biết không?

Đồng ta xanh ngát lúa lên đòng

Đôi con chim én vui chao liệng

Vờn gió nô đùa giữa tầng không.

Xuân đã về rồi anh biết chưa?

Vườn ta chồi biếc dậy đón mùa

Vài nụ mai vàng đang e ấp

Chúm chím giọt hồng gió khẽ đưa.

Xuân đến bên thềm anh có hay?

Con thơ đếm lịch đã bao ngày

Mong chờ năm mới vui đoàn tụ

Tiếng nói cười rộn theo gió bay.

Xuân đến yên vui khắp mọi nhà

Mẹ mừng cười nụ đón con xa

Cầu mong Xuân mới dịch tan hết.

Đất nước chan hòa khúc hoan ca.

Tôi sửa vài từ trong bài thơ “Xuân về” mà mình viết trước đó rồi gửi cho chồng, kèm bức hình chụp những món quà mà anh em gửi đến nhắn anh: “Về ăn Tết thôi anh!”

Cả nhà tôi vỡ òa niềm vui khi chồng tôi được trở về nhà cách ly vào chiều ngày 29 Tết sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính. Xuân thực sự đã về, vườn nhỏ trước nhà như xanh thêm, cây lá rung rinh vờn gió nô đùa, đàn bướm chập chờn lượn trên giàn mướp.

Sáng mồng Ba Tết, cả nhà tôi tự test lại, kết quả đều âm tính. Chúng tôi chuẩn bị đưa con đi chơi Xuân. Bộ quần áo Tết năm ngoái của các con vẫn vừa.

Nhìn các con thích thú nhìn ngắm thứ này thứ kia, ríu rít nô đùa cùng nhau trên bãi cỏ rộng sau cả tháng phải quanh quẩn trong nhà mà thương đến lạ. Chồng tôi ngẫu hứng đọc đôi câu thơ: “Người ta chơi Tết từ lâu/Nhà tôi chơi Tết bắt đầu mồng Ba”.

Xuân vui trong mắt, xuân ngập trong lòng. Dù Tết chẳng sắm được chậu quất, chẳng cùng nhau gói bánh chưng xanh, làm giò thủ như đã định, nhưng với tôi lúc này chỉ cần cả nhà bình an, khỏe mạnh bên nhau, Tết đã đủ đầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.