Phân luồng hướng nghiệp sớm là nhiệm vụ trọng tâm
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) có tổng số 279 học sinh trong đó, 277 là người dân tộc thiểu số, chiếm 99,3%. Là trường đóng ở địa bàn miền núi khó khăn, do vậy nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác phân luồng hướng nghiệp nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về việc học, định hướng tương lai.
Trong những năm qua, đối với học sinh lớp 9, nhà trường xác định nội dung phân luồng, hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, đến giữa học kỳ I, nhà trường tổ chức khảo sát nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Sau khi có kết quả, nhà trường tổ chức phân tích, định hướng và tư vấn các hướng đi sao cho phù hợp của nguyện vọng.
“Những ý kiến tư vấn sẽ căn cứ vào lực học và hoàn cảnh của mỗi em. Sau khi tham khảo, học sinh và gia đình sẽ đưa ra sự lựa phù hợp nhất”.
Theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Lượng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn): “Hàng năm,nhà trường cũng chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh. Tại các buổi này, phụ huynh cũng được chúng tôi mời tham dự và giải đáp những thắc mắc trong quá trình lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS cho con.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên bàn tỉnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh, mô hình phát triển kinh tế thành công ở huyện để học sinh”.
“Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên; tổ chức các hoạt động giáo dục STEM để cho học có thể phát triển các ý tưởng, dự án của mình và từ đó học sinh đặt ra mục tiêu cho bản thân để thực hiện”, cô Lượng nhấn mạnh.
Cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ trong lễ sơ kết học kỳ 1. |
Hỗ trợ tối đa cho học sinh
Không chỉ tổ chức hoạt động, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ còn yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn sát sao với học sinh đặc biệt là học sinh lớp 9.
Theo đó, các giáo viên phải nắm được năng lực học tập của mỗi học sinh mình chủ nhiệm, những nhu cầu và nguyện vọng của học sinh để quá trình tư vấn phân luồng, hướng nghiệp sớm được sát sao.
Cô Lượng cho biết, trường chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số vì vậy cần sự sát sao, quan tâm nhiều hơn của giáo viên, nhà trường.
Bên cạnh đó, chương trình Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt chú trọng công tác phân luồng sớm cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương lớp 6 và lớp 7 vì vậy hoạt động hướng nghiệp sẽ xuyên suốt thời gian học THCS đó là thuận lợi cho học sinh trong việc xác định hướng đi cho mình”.
Từ những thực tế đó, cô Lượng cũng chỉ ra những thuận lợi trong quá trình triển khai phần luồng, hướng nghiệp sớm như: Sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, các trường THPT trên địa bàn vì vậy trong quá triển khai thuận lợi hơn.
Hiện nay, nhận thức về vai trò hướng nghiệp cho học sinh trong phụ huynh đã được nâng lên rất nhiều do đó sự đồng hành của phụ huynh chặt chẽ hơn.
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên cao hơn trước đây, giảm được tình trạng nghỉ học đi làm công nhân hay ở nhà cùng gia đình phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cô Lượng chỉ ra các khó khăn như: Đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm thực hiện công tác kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm tư vấn, định hướng.
Môi trường học tập tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thu hút được học sinh
Tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương còn nhiều khó khăn, chưa có các cơ sở sản xuất cũng như doanh nghiệp trên địa bàn, việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề nghiệp phần nào đó bị hạn chế.
“Hiện nay, để công tác phân luồng và hướng nghiệp sớm có hiệu quả chúng tôi đã đặc biệt chú trọng đến giải pháp quan trọng nhất là phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tư vấn, định hướng cho học sinh, phụ huynh. Đặc biệt, chúng tôi tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh trong việc học”, cô Hoàng Thị Lượng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Năm học 2021-2022 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ 75 học sinh lớp 9. Nhờ công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm năm học 2022-2023 có 35 học sinh đỗ vào THPT công lập, chiếm 46,7%; 17 học sinh theo học tại TTGDTX huyện, chiếm 22,7%; 23 em theo học các cơ sở GDNN, chiếm 30,7%.