Hỗ trợ phải khẩn cấp

GD&TĐ - Chính quyền TPHCM đang cố gắng để tiền hỗ trợ nhanh đến với lao động tự do.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết khoảng 3 tuần nữa, 230 nghìn lao động tự do sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ gói an sinh trị giá 886 tỷ đồng của thành phố hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Gói an sinh này được HĐND TPHCM thông qua ngày 25/6. Theo đó, 230 nghìn lao động tự do sẽ được nhận 50.000 đồng/ngày/người tính theo thời gian Chỉ thị 15 áp dụng ở thành phố.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, lao động tự do - những người buôn gánh bán bưng, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa.. - bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và cần sự hỗ trợ nhất. Vốn dĩ phần lớn trong số họ nghỉ làm ngày nào là đói ngày đó.

Nay họ chưa kịp phục hồi sau một năm nhiều biến động thì dịch khiến thành phố phải giãn cách. Nhiều người mất việc làm, không có bảo hiểm và tiền tiết kiệm nên cực kỳ khốn khó.

Chính quyền TPHCM đang cố gắng để tiền hỗ trợ nhanh đến với lao động tự do. Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất TP Thủ Đức và các quận, huyện giao quyền cho chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm thống kê, ra quyết định hỗ trợ ngay cho nhóm này với hình thức chi tiền trực tiếp.

Cụ thể, tổ trưởng dân phố lập danh sách lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch; chủ các chủ cơ sở kinh doanh lập danh sách lao động của mình để gửi lên phường, xã. Khi có danh sách, phường, xã sẽ lập hội đồng xét duyệt gửi lên cấp trên.

Trong 2 ngày, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình chủ tịch quận, huyện, TP Thủ Đức phê duyệt và chuyển danh sách về địa phương. Ba ngày kể từ khi nhận danh sách, chính quyền sẽ chi tiền hỗ trợ cho người dân. Nếu địa phương đẩy nhanh tiến độ, khoảng 3 tuần nữa nhóm lao động tự do có thể nhận tiền.

Ba tuần có thể ngắn ngủi với chính quyền cơ sở bởi việc lập danh sách lao động tự do vốn không đơn giản và nhiều nơi trong thành phố đang bị phong tỏa, cách ly. Tuy nhiên, với những lao động tự do, khoảng thời gian này có lẽ dài đằng đẵng vì họ đã “thoi thóp” hơn một tháng trời, đòi hỏi các cấp chính quyền thành phố cần chủ động và trách nhiệm hơn nữa trong hỗ trợ nhóm này.

Nhìn rộng ra, đây cũng là đòi hỏi với các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương trên cả nước khi triển khai Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành.

Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), Nghị quyết 68 quy định: Các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của mình xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. Như vậy, bài toán hỗ trợ lao động tự do hoàn toàn nằm trong tay các tỉnh, thành phố.

Quả đúng là có những khó khăn nhất định trong việc xác định cụ thể đối tượng lao động tự do bởi họ không có nơi làm việc cố định và khó chứng minh mức độ thu nhập bị giảm sút. Chính điều này khiến gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng không đạt mục tiêu chính sách đề ra, dù đưa lao động tự do vào nhóm đối tượng hỗ trợ.

Tuy vậy, nếu các địa phương thực sự quyết tâm thì hoàn toàn có thể khắc phục được khó khăn để hỗ trợ hiệu quả nhóm lao động chịu tác động lớn nhất, mức tổn thương cao nhất từ đại dịch.

Cách làm của TP Hồ Chí Minh là một ví dụ sinh động. Mạng lưới chính quyền địa phương - cấp tổ dân phố/thôn và phường, xã vốn là thế mạnh của chúng ta có thể giúp xác minh những thông tin về các đối tượng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.