Họ đi xe đạp, vội vã, đằng sau chở lỉnh kỉnh giấy báo, đồ cũ, vỏ hộp carton. Tôi cứ nghĩ, không rõ điều gì khiến họ phải ra đường thu gom phế liệu vào thời kỳ giãn cách xã hội. Hay vì họ muốn gom góp để sau dịch, khi được “đi làm” lại sẽ có nhiều món phế liệu để bán hơn, bù cho thời gian suốt từ Tết đến giờ? Và liệu, bao nhiêu người như mấy chị thu mua phế liệu đó được hưởng trợ cấp từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đã thông qua dành cho những người bị tác động bởi dịch Covid-19?
Nhìn hàng dài những người xếp hàng ở các ATM gạo, các điểm nhận quà tặng gạo, mỳ cho những người khó khăn mà thấy xót xa. Hầu hết họ có thể thấy toát ra cái vất vả, dầm sương dãi nắng. Đã có hàng triệu người lao động trong các doanh nghiệp mất việc. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sẽ có 20 triệu người được nhận trợ cấp từ gói 62 nghìn tỷ đồng nói trên, từ các đối tượng chính sách, người nghèo, người cận nghèo, người mất việc có và không có hợp đồng lao động, hộ kinh doanh cá thể, người lao động tự do... Tức là 1/5 dân số đã được xác nhận là đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19.
Thật sự trong các nhóm sẽ được trợ cấp, tôi băn khoăn nhiều nhất đến những người lao động tự do như các chị thu gom phế liệu kể trên. Bởi họ là những người hiện rõ xung quanh chúng ta, góp phần làm cho đời sống của chúng ta thuận lợi hơn, và quan trọng nhất, là làm thể nào để thống kê đủ và đúng những người như họ? Ông xe ôm đầu phố, chị bán cơm nắm quen, những người dân tự mở cửa hàng nho nhỏ ở nhà, ở vỉa hè, bám lấy đường phố, vỉa hè mà kiếm tiền sinh sống... “Khó mấy cũng phải làm được”, phải lập danh sách được họ và chi trả trợ cấp cho họ - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã phát biểu như vậy vài ngày trước.
Chính sách thì thường là tốt, như nhiều đánh giá về việc làm chính sách của Việt Nam từ trước đến nay, chỉ có việc thực thi ra sao là vẫn luôn đặt ra nhiều dấu hỏi. Chính phủ và Bộ đã chỉ đạo trong tháng Tư bắt đầu chi trả ngay những nhóm đối tượng đã thống kê được. Vâng, thật sự chỉ mong điều đó được thực hiện nghiêm túc để họ bớt vất vả trong mùa Covid-19 này, chứ đừng để dây dưa tới tận hàng tháng chưa xong. Và làm sao để thống kê đúng, và đủ, không sót ai, không sai đối tượng, để họ không bị gây khó dễ.
Đã có quá nhiều ví dụ về việc làm sai trong các chương trình trợ cấp, đến mức, khi nói đến gói an sinh xã hội lần này, không ít người lo ngại nghĩ ngay đến những thất thoát, rủi ro, tiêu cực. “Ăn của dân không từ thứ gì” - một vị cựu lãnh đạo đã từng có câu nói rất “nổi tiếng” về tệ tham nhũng tiêu cực. Mà lúc kinh tế trì trệ, xã hội khó khăn thế này lại để xảy ra những tiêu cực như thế thì càng tệ hại, càng nhẫn tâm.
Sự minh bạch trong chống dịch Covid-19 đã được ghi nhận là một trong những yếu tố giúp chúng ta kiểm soát dịch. Giờ đây phải với tinh thần minh bạch như thế chúng ta mới bảo đảm được trọn vẹn sự tin tưởng của người dân vào các nỗ lực của Chính phủ, bảo đảm phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” rất nhân văn như Chính phủ đã đề ra.