Doanh nghiệp Kon Tum 'điêu đứng' vì dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, năm 2021 nhiều doanh nghiệp tại Kon Tum đăng ký tạm ngừng hoạt động và thông báo giải thể. Khi dịch bệnh được kiểm soát và nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền doanh nghiệp dần phục hồi.

Tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh.
Tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh.

Ảnh hưởng của doanh nghiệp bởi dịch bệnh

Chiều 25/7, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh để giải đáp kiến nghị của các nhà đầu tư, đề xuất nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và kinh doanh.

Theo đó, giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với nhiều đợt phong toả, giãn cách kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, dòng tiền vào bị thiếu hụt dẫn đến doanh nghiệp khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tổng cầu giảm mạnh khiến doanh thu của doanh nghiệp bị sụt giảm. Ngoài ra, chi phí đầu vào, vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, đội chi phí giá thành sản xuất. Đồng thời các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đó, trong năm 2021 có 226 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và thông báo giải thể, tăng 35% so với năm 2020 (168 DN). Trong đó, có tới 137 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (tạm ngừng hoạt động) chiếm 60,6%, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ (chiếm 33%); Xây dựng (chiếm 22%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 10%)…

Mặc dù số doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2021 là 104, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020 (73 DN) nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại vẫn thấp hơn số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể trong năm 2021.

Theo kết quả khảo sát của VCCI Chi nhánh Đà Nẵng năm 2021 có tới 55% doanh nghiệp bị ảnh hưởng một phần do dịch bệnh, 32% bị ảnh hưởng nghiêm trọng và 8% bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Mặc dù, việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đã giúp giảm nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tỷ lệ DN có kết quả kinh doanh hòa vốn hoặc có lãi chút ít ở mức cao với 64%. Tuy nhiên, tỷ lệ DN báo lỗ vẫn ở mức khá cao với 26%, trong đó 20% DN cho biết lỗ chút ít và 6% DN thua lỗ lớn.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum cùng các Sở, ngành liên quan giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum cùng các Sở, ngành liên quan giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp.

Trước khó khăn chung của các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong đó tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các Bộ ngành trung ương như: Giảm tiền điện, giảm cước viễn thông, giảm giá nước sinh hoạt, lùi thời điểm đóng phí công đoàn, giảm mức đóng bảo hiểm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ cho ô tô…

Ngoài ra, tính đến tháng 7/2022, đã hỗ trợ cho 919 doanh nghiệp với 16.048 lao động. Trong đó 912 doanh nghiệp giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 15.977 lao động, 7 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 71 lao động với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng…

Đồng thời, Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum đã thực hiện giảm 10% giá nước cho mục đích sử dụng sinh hoạt với tổng số tiền là 585 triệu đồng vào năm 2021 và 196 triệu đồng năm 2020.

Trước những quan tâm, hỗ trợ, số lượng doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021 và quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 tăng so với năm 2020.

Để các doanh nghiệp vực dậy trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, triển khai chính sách tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động. Tăng cường công tác thu hút đầu tư, thường xuyên bám sát, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư phát triển gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình. Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp về chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng Chính quyền số để quản lý, định hướng, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động, chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung chuẩn bị tốt phương án tổ chức các sự kiện, hoạt động hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.
Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.