Huy động nhân lực để hỗ trợ người lao động sớm nhất
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 10/10, cả nước đã có hơn 37 nghìn người lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, tổng số tiền là gần 89 tỉ đồng.
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật), Bảo hiểm xã hội nhiều địa phương trên cả nước vẫn bố trí nhân lực. Bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động.
Cụ thể, so với thời điểm cuối ngày 8/10 đến nay, cả nước đã có thêm hơn 10 nghìn người lao động nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, lượng hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng cao.
Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong những ngày đầu tháng 10, cơ quan Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố đã huy động lực lượng. Tổ chức bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức tích cực rà soát dữ liệu, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để gửi đến các doanh nghiệp.
Theo quy trình, khi nhận được danh sách người lao động đề nghị nhận hỗ trợ đã được bổ sung thông tin. Trong đó có thông tin về số tài khoản ngân hàng do doanh nghiệp gửi. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ nhanh chóng chuyển tiền hỗ trợ đến người lao động theo các mức hưởng tương ứng với thời gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Tại Phú Yên, riêng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính được tăng cường lực lượng vừa tiếp nhận, hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng VssID. Việc này nhằm đối chiếu quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp....
Kết quả, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến hết ngày 7/10, toàn tỉnh đã có 1.336 lao động đã được đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thủ tục nhận hỗ trợ. Riêng lao động dừng đóng Bảo hiểm thất nghiệp đã có 1.008 người đăng ký.
Nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang rà soát, tiến hành triển khai gửi danh sách người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp. Điều này để thực hiện đối chiếu, xác nhận thông tin để kịp thời giải ngân. Từ những hỗ trợ này, sẽ giúp người lao động sớm có thêm chi phí vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH. Nội dung công văn về đề nghị hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ người lao động.
Theo công văn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm nghiên cứu, hướng dẫn nhóm đối tượng có tham gia Bảo hiểm thất nghiệp. Thực chất là được bảo lưu trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 nhưng không có tên trong danh sách đóng Bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm này. Căn cứ vào đó để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ sở thực hiện triển khai gói hỗ trợ.
Cũng trong công văn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết vẫn tiếp tục nhận hồ sơ, giải quyết chi trả tiền hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất đối với những đối tượng đã quy định cụ thể. Đồng thời chưa tiếp nhận hồ sơ của nhóm đối tượng đóng Bảo hiểm thất nghiệp nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi “danh sách tham gia Bảo hiểm thất nghiệp” cho đến khi có hướng dẫn.
Doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng đối với doanh nghiệp.
Ghi nhận phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, hầu hết đều đánh giá cao gói hỗ trợ kịp thời của Quốc hội và Chính phủ. Gói hỗ trợ đúng thời điểm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, gói hỗ trợ này được đơn giản tối đa về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện.
Nhờ có hệ thống dữ liệu tập trung, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã trực tiếp xử lý các thủ tục và hoàn tất việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho từng doanh nghiệp.
Đa số các doanh nghiệp không bị rào cản nào khi tiếp cận gói hỗ trợ này. Số tiền giảm đóng đến đúng lúc khó khăn đã giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời tiếp tục chuỗi cung ứng lao động.
Đặc biệt, với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp. Cơ sở sản xuất cũng có thể đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - cho biết, gói hỗ trợ rất cần thiết trong thời điểm này. Bởi nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Về vấn đề Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt những chính sách này. Có những doanh nghiệp đóng 10 năm, 20 năm, có doanh nghiệp đóng 1, 2 năm...
Theo ông Mạc Quốc Anh, khi doanh nghiệp tham gia đầy đủ các quy định về Bảo hiểm xã hội sẽ được thụ hưởng chính sách là giảm từ 1% xuống 0% đóng Bảo hiểm thất nghiệp. Dù doanh nghiệp được hỗ trợ, song quyền lợi người lao động vẫn được đảm bảo như trước.
“Với một người lao động, doanh nghiệp thì một đồng cũng quý trong thời điểm này. Chi phí này, các doanh nghiệp sẽ dành để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ghi nhận từ phía doanh nghiệp trực thuộc phản hồi tốt về chính sách này” - ông Mạc Quốc Anh nói.