Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về xóa mù chữ
Theo đại diện Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục. Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương tới cơ sở, công tác xóa mù chữ đã đạt được kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, một số địa phương có tỷ lệ mù chữ mức độ 1 trong độ tuổi 15-60 vẫn còn cao, tập trung chủ yếu vào đối tượng người dân tộc thiểu số, nữ giới ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT yêu cầu tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ, đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ đi học xóa mù chữ. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp ở địa phương. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể với ngành Giáo dục trong triển khai công tác xóa mù chữ.
Ký kết các chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập giữa ngành Giáo dục với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn (Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đồn biên phòng, Trại giam,...).
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát người mù chữ, người tái mù chữ trên địa bàn, ưu tiên hình thức khảo sát bằng cách kiểm tra khả năng đọc viết, tính toán của người dân; kịp thời nắm bắt những khó khăn của các học viên để có các giải pháp phù hợp trong việc vận động người mù chữ ra lớp và duy trì sĩ số.
Biên soạn tài liệu dạy và học xóa mù chữ đặc thù phù hợp với từng vùng miền và đối tượng người học cụ thể, nhất là học viên dân tộc thiểu số. Đổi mới phương pháp vận động người mù chữ đi học xóa mù chữ; cách thức tổ chức học xóa mù chữ; phương pháp dạy học xóa mù chữ.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành Giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ bằng nhiều hình thức (bồi dưỡng trực tiếp, bồi dưỡng trực tuyến, tự bồi dưỡng qua mạng, biên soạn tài liệu tự học,...). Chú trọng bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài và diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, đồng thời duy trì hoạt động dạy và học xóa mù chữ, Bộ GD&ĐT yêu cầu đơn vị chức năng hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với trường học triển khai những giải pháp linh hoạt.
Cụ thể: Hướng dẫn chi tiết cách học, lịch học và cách học lại Tiếng Việt trên truyền hình Giáo dục Quốc gia thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (học trên truyền hình tại kênh VTV7; học trên internet tại website: https://vtv7.vtv.vn/day-tieng-viet-lop-1-90 và kênh Youtube của VTV7: https://www.youtube.com/channel/UC5r0xuk4DsjsYiCq8H7AlDg hoặc tải ứng dụng để học qua app VTV Go) cho học viên học xóa mù chữ.
Khuyến khích giáo viên xây dựng các video, clip dạy học Tiếng Việt bằng tiếng dân tộc thiểu số gửi cho học viên các lớp xóa mù chữ qua nhóm Zalo, email để các học viên tự học tại nhà.
Chỉ đạo giáo viên dạy xóa mù chữ chủ động phối hợp với trưởng thôn để phát tài liệu và bài tập đến các học viên học xóa mù chữ; huy động người thân của học viên có trình độ văn hóa phù hợp hướng dẫn, hỗ trợ cho học viên học xóa mù chữ tại nhà.
Tận dụng tối đa thời gian khi dịch bệnh được kiểm soát để huy động học viên ra lớp và duy trì sỹ số học viên; tổ chức tăng buổi học/tuần để triển khai những nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình học; ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán để giúp học viên có các năng lực cơ bản về đọc, viết, tính toán.
Phát động phong trào đọc sách trong các xã, thôn, xóm; xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ để thu hút người dân đọc sách, truyện, qua đó củng cố kết quả biết chữ.
Tăng cường vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách, vở, thiết bị dạy học trực tuyến (ti vi, máy tính, bảng viết điện tử...), phần mềm dạy học trực tuyến, gói cước internet cho các lớp xóa mù chữ tại các điểm trường ở các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn để hỗ trợ việc dạy học xóa mù chữ theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.