Nhiều đề xuất hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên

GD&TĐ -  Nhiều đề xuất giải quyết chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.

Hỗ trợ đào tạo nghề là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực trẻ
Hỗ trợ đào tạo nghề là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ

Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện kết luận của Ban Thường vụ T.Ư Đoàn khóa IX về “Các giải pháp tăng cường dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên” đã được thông qua với nhiều đề xuất Chính phủ giải quyết chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.

Phát huy vai trò thanh niên

Theo dự thảo báo cáo thực hiện Đề án 103 “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”. Các tổ chức Đoàn ở cơ sở đã khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Tính đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm do T.Ư Đoàn điều hành và quản lý đạt hơn 72 tỷ đồng, đang được triển khai tại 61 Tỉnh, Thành Đoàn với khoảng 1.420 dự án.

Hoạt động vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua hệ thống Đoàn được đẩy mạnh, dư nợ năm 2015 trong hệ thống Đoàn quản lý tăng 2.100 tỷ đồng (hơn 15%), dư nợ vượt mục tiêu khoảng 800 tỷ đồng. T.Ư Đoàn cũng đang thí điểm triển khai chương trình cho thanh niên vay khởi nghiệp, cho vay tín chấp cho thanh niên khởi nghiệp.

Ban Bí thư đã đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án, đồng thời tổng hợp đề xuất, kiến nghị tại hội nghị, thống nhất đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò thanh niên tham gia
phát triển kinh tế, xã hội.

Chỉ đạo các địa phương mạnh dạn giao việc cho thanh niên đảm nhận các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển và tạo điều kiện để tổ chức Đoàn, Hội tập hợp và giáo dục, rèn luyện thanh niên;

Tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách riêng về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là các chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi đối với người học nghề, việc đào tạo bồi dưỡng doanh nhân trẻ, cho người đi xuất khẩu lao động… theo hướng tăng nguồn vốn ủy thác cho Đoàn Thanh niên.

Mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức cho vay và đơn giản hóa về thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho sinh viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng thanh niên đặc thù, thanh niên nông thôn… để học nghề, tự tạo việc làm.

Đề xuất xây dựng Trung tâm dự báo, đánh giá nguồn nhân lực

Thống nhất với dự thảo Đề án “Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên giai đoạn 2016 - 2020” trình Chính phủ sau khi kết thúc Đề án 103, Ban Thường vụ T.Ư Đoàn cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Trung tâm dự báo, theo dõi đánh giá nguồn nhân lực trẻ để có cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, nhu cầu giải quyết việc làm và xây dựng chiến lược đào tạo, giải quyết việc làm lâu dài cho thanh niên; tăng cường đầu tư mở rộng các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm cho thanh niên.

Theo dự thảo đề án mới sẽ triển khai cho giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí của toàn bộ đề án là 87 tỉ đồng, trong đó tập trung các hoạt động tuyên truyền, truyền thông tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên, tổ chức các hoạt động tự tạo việc làm, giới thiệu việc làm, nâng cao năng lực hoạt động hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, dịch vụ việc làm đối với các trung tâm việc làm thanh niên, tăng nguồn vốn Quỹ quốc gia việc làm đối với Đoàn thanh niên...

Đối với tổ chức Đoàn, Hội các địa phương, Trung ương Đoàn đề nghị để thanh niên được tham gia đảm nhận các công trình, phần việc phù hợp trong các dự án phát triển kinh tế, xã hội, vừa góp phần giải quyết việc làm vừa tạo môi trường thuận lợi cho Đoàn, Hội đoàn kết tập hợp và rèn luyện thanh niên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ