Hơn cả một chính sách nhân văn
GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: Từ 1998 đến nay, các chính sách miễn học phí đối với SV sư phạm được đánh giá rất nhân văn, con người. Chính sách này hướng đến mục tiêu quan trọng là thu hút nhiều người học ngành sư phạm, trong đó có những người học giỏi để cung ứng nguồn giáo viên dồi dào cho ngành Giáo dục.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 77, Luật Giáo dục (1998) và khoản 3 Điều 89, Luật Giáo dục (2005) đã đưa ra chính sách đối với người học như sau: “HSSV ngành sư phạm, người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí, được ưu tiên trong việc xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội”.
Tại Điều 6 trong Nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 xác định: “Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: HS tiểu học; HSSV sư phạm; Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học”.
Tuy nhiên, cần soi xét ở góc độ quản trị nguồn nhân lực, để thấy đầu tư cho sư phạm phải là đầu tư chiến lược phát triển một cách đúng nghĩa. Điều này ở nhiều quốc gia không phải là vấn đề mới được khai phá. Sự đầu tư này không phải chỉ dựa trên các tuyên bố, các chính sách, các văn bản pháp quy mà là sự đầu tư khoa học, bài bản, mang tính định hướng, được kế hoạch hóa rõ ràng. Bởi lẽ, chúng ta không thể đầu tư để đào tạo ra những người thầy hời hợt.
Nhìn ra thực tiễn các nước, có thể thấy, dù điều kiện thuận lợi hay hạn chế nhưng vấn đề đầu tư cho con người của ngành GD - ĐT luôn được đặt ở những vị trí quan trọng. Việc đầu tư cho đội ngũ SV sư phạm – giáo viên của ngày mai là chiến lược rất sâu sắc.
Chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành sư phạm là động lực quan trọng để thu hút nhân tài. Ảnh: Hữu Cường |
Chiến lược dài hơi, sâu sắc
So sánh chính sách hỗ trợ SV sư phạm trong giai đoạn học tập với mối gắn kết lâu bền trong ngành sư phạm, tính phát triển chuyên biệt trong nghề theo định hướng nâng cao năng lực giáo dục và dạy học, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định: Có thể thấy đây không chỉ là chính sách nhân văn mà còn mang tính chiến lược. Điều này cũng đảm bảo tính khoa học, tính khả thi bởi người “trong cuộc” của chính sách và các bên liên quan cũng nhận thức được sự tôn trọng và có trách nhiệm khi tham gia chính sách.
Tại Kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục 2019, trong đó thay đổi phương thức hỗ trợ tiền cho HSSV sư phạm để đóng học phí cho nhà trường, đồng thời quy định thêm chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm để thu hút HS giỏi vào ngành sư phạm.
Cụ thể, HSSV sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Mức hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi HSSV sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Mức hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường tương đương với mức hỗ trợ sinh hoạt phí của lưu học sinh Lào, Campuchia đang theo học tại Việt Nam.
Luật cũng quy định, sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu HSSV sư phạm không công tác trong ngành Giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Quy định đảm bảo việc đầu tư ngân sách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh lãng phí ngân sách.
Như vậy, so với quy định hiện hành, HSSV sư phạm vẫn được hỗ trợ toàn bộ học phí, chỉ thay thế phương thức cấp bù học phí sư phạm cho các cơ sở đào tạo thành kinh phí hỗ trợ học phí trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Đồng thời theo quy định, SV sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí để đảm bảo cho mức sống tối thiểu và yên tâm chuyên tu vào việc học. Mức sinh hoạt phí này đã phù hợp với thời điểm hiện tại và hàng năm được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng để phù hợp với mức lạm phát giá cả hàng hóa.
GS. TS Huỳnh Văn Sơn