Sau 5 năm thực hiện, chính sách này đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong hỗ trợ học tập cho HS, nhưng cũng phát sinh những bất cập đòi hỏi phải có sự điều chỉnh.
Ý kiến trái chiều
Khác với các tỉnh/thành trong cả nước, tỉnh Quảng Nam hiện có tới 2 trường THPT chuyên, đó là Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ) và Trường THPT chuyên Lê Thánh Tôn (TP Hội An); với khoảng 2.000 HS mỗi năm học. Trong thời gian qua, HS trường chuyên được hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên theo Nghị quyết 12 ngày 19/7/2011 của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII về một số chính sách đối với HS và giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hiện nay, các sở, ngành chức năng đang soạn thảo đề án mới, quy định một số chính sách đối với HS và giáo viên trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét thông qua. Tuy vậy, ở buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam với Sở GD&ĐT và 2 trường THPT chuyên mới đây, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Sở GD&ĐT, đề án lần này được xây dựng theo hướng tạo ra sự công bằng, hợp lý trong thực hiện chế độ, chính sách đối với HS. Đáng chú ý, điểm khác biệt lớn nhất so với lần trước là chế độ hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên sẽ chỉ còn dành cho HS thuộc diện hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số chứ không đại trà như lâu nay. Điều này cũng đồng nghĩa, ngoại trừ trường hợp con gia đình chính sách, còn phần lớn HS trường chuyên (khoảng 60%) sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ học tập hàng tháng như trước.
“HS vào trường chuyên được học tập ở môi trường giáo dục tốt, thầy cô giáo giỏi, có đầy đủ trang thiết bị. Do vậy, chế độ hỗ trợ học tập chỉ ưu tiên cho con em gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - lý giải.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ đông đảo, nhưng cũng có không ít ý kiến phản đối. Theo một đại diện Sở Tài chính, không nên cắt hoàn toàn chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với HS trường THPT chuyên được hưởng 80% mức lương tối thiểu như lâu nay, bởi sẽ tạo ra cú sốc cho các bậc phụ huynh, HS. Nên có lộ trình, trước mắt có thể giảm xuống mức hỗ trợ là 30 - 40%.
Quan trọng là hiệu quả khuyến khích học tập
Theo đề án mới, đối tượng được hưởng là HS đỗ thủ khoa, á khoa từng môn tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10; HS có hạnh kiểm và học lực giỏi, đạt thành tích tại các kỳ thi HS giỏi tỉnh, khu vực, quốc gia. Theo đó, mức hỗ trợ thấp nhất là 363.000 đồng và cao nhất lên tới hơn 19 triệu đồng/tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên đề ra chế độ hỗ trợ khuyến khích theo từng tháng cho HS giành giải thưởng mà nên thưởng một lần theo từng thành tích đạt được. Các ý kiến theo quan điểm này cho rằng HS trường THPT chuyên thì chỉ xem xét khen thưởng ở phạm vi tại các kỳ thi về học tập chứ không nên mở rộng ra các cuộc thi khác như Hội khỏe Phù Đổng, Sáng tạo khoa học kỹ thuật hay Đường lên đỉnh Olympia…
Theo ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam, đề án theo hướng đang soạn thảo sẽ tạo ra bất công khi HS các trường THPT khác đoạt giải thì không có khen thưởng còn HS trường chuyên được thưởng. Đồng thời ông đề nghị cơ quan soạn thảo đề án là Sở GD&ĐT không tính theo biểu điểm để xem xét mức hỗ trợ khuyến khích học tập như dự thảo, vì quá rối rắm.
Ông Nguyễn Dương Triều cũng cho rằng, nếu đã thưởng theo Nghị quyết HĐND tỉnh thì không thưởng theo Quyết định 19 (3/7/2013) của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý tổ chức hội thi trên địa bàn tỉnh và khen thưởng thành tích đoạt giải tại các hội thi, kỳ thi quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh.