“Chùa cử nhân, thạc sĩ”
TP Cần Thơ là trung tâm đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên các tỉnh về học tập. Trong đó, có không ít sinh viên xuất thân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, tốt đời đẹp đạo, nhiều năm qua, chùa Viễn Quang đứng ra cưu mang sinh viên dân tộc, có thời điểm lên đến 50 em ở cùng lúc.
Không chỉ lo nơi ăn, chốn ở, nhà chùa còn động viên sinh viên trong rèn luyện, học tập, kịp thời hỗ trợ trong lúc khó khăn. Nhờ đó, hàng nghìn sinh viên người Khmer khắp các tỉnh miền Tây học thành tài, trở thành kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, thạc sĩ… Với nghĩa cử cao đẹp, chùa Pitu Khôsa Răngsây hay chùa Viễn Quang còn được người dân gọi bằng tên thân mật “chùa cử nhân, thạc sĩ”.
Chùa Pitu Khôsa Răngsây được xây dựng từ năm 1948 và gắn liền với sự học. Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa, cho biết với tinh thần mở rộng vòng tay, hơn 20 năm qua, nhà chùa là nơi cưu mang hàng nghìn tăng sinh, sinh viên Khmer ở khắp các tỉnh trong vùng ĐBSCL theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ. Hiện tại, 15 sinh viên đang ở chùa để học tập.
Theo Thượng tọa Lý Hùng, ngoài việc bảo trợ miễn phí hoàn toàn cho sinh viên ở chùa, nhiều năm qua, có hàng trăm thí sinh đi thi đại học cũng được chùa hỗ trợ chỗ ở. Đồng thời, nhà chùa còn tổ chức lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho cán bộ, viên chức và thanh niên Khmer.
“Đã có hàng nghìn học sinh, sinh viên nhận được sự hỗ trợ của chùa, nhiều em học thành tài, tốt nghiệp ra trường trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ”, Thượng tọa Lý Hùng vui mừng thông báo.
Tiếp sức sinh viên khó khăn
Trong các hoạt động từ thiện xã hội, Thượng tọa Lý Hùng đặc biệt chú ý đến việc giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo. “Truyền thống của đồng bào Khmer là thanh niên phải có thời gian tu báo hiếu ở chùa để học đạo đức, lễ nghĩa.
Hầu hết, sinh viên đều không có thời gian tu ở chùa nên những điều mà các em chưa được học sẽ được tiếp cận tại chùa Pitu Khôsa Răngsây”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Đến Cần Thơ, chi phí học tập, sinh hoạt khá đắt đỏ, nhiều sinh viên hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ của chùa. Em Thạch Hữu Toàn, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, quê ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) là một ví dụ.
Hữu Toàn chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, cha mẹ làm thuê thu nhập không ổn định. Em là sinh viên Khmer nên được miễn giảm nhiều khoản trong học tập.
Tuy nhiên, chi phí thuê nhà trọ ở Cần Thơ khá đắt đỏ nên gia đình em khó kham nổi. Rất may, em được nhà chùa cưu mang, cho ở trọ học tập. Em còn được các sư chỉ dạy, giáo dục đạo đức nên rất yên tâm học tập, rèn luyện”.
Một trong những sinh viên ở chùa học tập khá lâu là em Sơn Phúc, quê ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Phúc đã trọ học ở chùa 6 năm qua, hiện đã hoàn thành xong chương trình thạc sĩ ngành Quản lý Tài nguyên môi trường, Trường Đại học Cần Thơ.
“Gia đình khó khăn, em từ quê đến TP Cần Thơ học đại học, ban đầu ở trọ tốn kém rất nhiều chi phí. Rất may em tìm đến chùa và được cưu mang cho đến ngày hôm nay. Em rất biết ơn các sư đã chăm lo, chỉ dạy và trở thành điểm tựa vững chắc cho em cùng nhiều bạn khác”, Phúc chia sẻ.
Là người dân nhiều năm sống cạnh chùa Pitu Khôsa Răngsây, ông Lê Văn Ngọc, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, chùa không chỉ là điểm đến tâm linh của đông đảo Phật tử gần xa, mà còn là nơi nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ sinh viên con em đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn hiếu học ở khắp các tỉnh ĐBSCL.
Người dân ai cũng biết đến Thượng tọa Lý Hùng - Trụ trì chùa, bởi lòng nhân ái, chăm lo cho những sinh viên Khmer có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Hơn 20 năm cưu mang học sinh, sinh viên nghèo, Thượng tọa Lý Hùng nói rằng, đó là việc làm xuất phát từ trong tâm thiện nguyện của mình, nhằm hỗ trợ một phần trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho con em đồng bào, để các em có được cái chữ, cái nghề, sau này trở về phục vụ quê hương.
Điều khiến Thượng tọa Lý Hùng vui nhất là mỗi năm nhà chùa tiếp nhận khoảng 40 đến 50 em sinh viên nghèo hiếu học. Tổng chi phí mỗi năm khoảng 900 triệu đồng, hỗ trợ về cơ sở vật chất, ăn, ở, điện nước cho các em.
Nhà chùa luôn sẵn lòng đón nhận, cung cấp nơi ăn, ở để các em có điều kiện học tập, theo đuổi ước mơ. Tuy vậy, lúc vào ở các em phải có sự đồng thuận của gia đình để tiện bề dạy dỗ.
Nhà chùa tuyệt đối không chấp nhận sinh viên có đạo đức kém, tránh việc ảnh hưởng đến các em khác. Hiện, nhiều em đã hoàn thành chương trình đào tạo và trở thành những kỹ sư, bác sĩ, tiếp tục cống hiến cho xã hội, nhất là tại những vùng quê còn nhiều khó khăn.