Hộ nghèo có còn ưu đãi “cho không” tiền điện?

GD&TĐ - Bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện hoặc tích hợp chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, đó là đề xuất của Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, theo chủ trương giảm hỗ trợ cho không và tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện.

Công nhân ngành điện sử dụng công nghệ trong việc ghi số điện tiêu thụ dân dụng
Công nhân ngành điện sử dụng công nghệ trong việc ghi số điện tiêu thụ dân dụng

Chính sách hỗ trợ “cho không” trước đây

Trong giai đoạn 2011 - 2017, Nhà nước đã hỗ trợ tiền điện cho khoảng 2.342 nghìn hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (trong đó hộ nghèo chiếm khoảng 87%). Kinh phí cho việc hỗ trợ này từ ngân sách Nhà nước, khoảng 8.083 tỷ đồng. Riêng năm 2018, ngân sách Nhà nước đã bố trí khoảng 1.081 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho khoảng 1.807 nghìn hộ nghèo và hộ chính sách xã hội (CSXH).

Theo Bộ Tài chính, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ CSXH góp phần cùng các chính sách an sinh xã hội khác của Nhà nước đã giải quyết vấn đề khó khăn về đời sống, giảm bớt khó khăn do tác động của biến động giá điện cho người nghèo, gia đình CSXH, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trên đã bộc lộ những khó khăn, nhược điểm. Chẳng hạn, phạm vi đối tượng hỗ trợ rộng, thay đổi thường xuyên, do quy định hộ chính sách xã hội phải có lượng điện sử dụng dưới 50kWh/tháng và hộ CSXH, hộ đồng bào dân tộc tiểu số ở vùng chưa có điện lưới (không phân biệt giàu nghèo).

Thêm nữa, chính sách hỗ trợ cho đối tượng hưởng thụ trực tiếp bằng tiền mặt (hỗ trợ cho không) chỉ thích hợp trong thời gian ngắn hạn, hiệu quả lâu dài hạn chế và thiếu tính bền vững. Trong khi đó, hỗ trợ của chính sách không lớn (51.000 đồng/hộ/tháng).

Bộ Tài chính cho rằng điều kiện được hỗ trợ chính sách đối với đối tượng hộ CSXH không thuộc hộ nghèo sử dụng điện lưới dưới 50kWh/tháng đến nay không còn phù hợp, thiếu tính khả thi, do nhu cầu sử đụng điện tối thiểu các thiết bị điện phục vụ cho sinh hoạt hiện nay phần lớn vượt quá định mức trên.

Giảm cho không, tăng hỗ trợ có điều kiện

Phân tích của Bộ Tài chính cho thấy, sau 7 năm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho hộ nghèo, hộ CSXH, thực tế chính sách này đã góp phần giảm bớt khó khăn cho một bộ phận người nghèo và gia đình chính sách trong thời gian đầu (đặc biệt là khi Nhà nước điều chỉnh giá điện và lạm phát tăng cao).

Tuy nhiên, hiện nay vai trò của chính sách này đã giảm, không còn phù hợp thực tế. Hơn nữa, trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã ban hành khá đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, với mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho các đối tượng hộ nghèo, hộ CSXH.

Thực hiện chủ trương rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2020 theo hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng, nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hỗ trợ tạo sinh kế và phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới...

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án về chính sách hỗ trợ tiền điện giai đoạn 2019 - 2020. Phương án thứ nhất, bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Phương án này có ưu điểm: Đảm bảo nguyên tắc hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Việc bãi bỏ chính sách này sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách Nhà nước hàng năm, ngân sách Nhà nước nhờ đó sẽ có thêm nguồn lực để bố trí vốn, kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khác.

Nhưng phương án này có nhược điểm là việc chuyển đổi hình thức từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, sẽ ít nhiều tác động đến cuộc sống của một bộ phận các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội thời gian đầu.

Đề xuất thêm phương án thứ hai, Bộ Tài chính kiến nghị tích hợp chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung nguồn lực năm 2019 - 2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện.

Với phương án này thì sẽ tập trung đầu mối quản lý Nhà nước về các chính sách giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép sẽ góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, lại có nhược điểm là chính sách tiếp tục hỗ trợ cho đối tượng hưởng thụ trực tiếp bằng tiền mặt (hỗ trợ cho không), nên hiệu quả lâu dài hạn chế, thiếu tính bền vững, mà theo Bộ Tài chính thì có thể khiến một bộ phận người nghèo sẽ vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, việc ngừng hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có thể bắt đầu từ 1/1/2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.