Đánh thuế tài sản: Không thể cào bằng

GD&TĐ - Trung tuần tháng 4/2018, Bộ Tài chính đã chính thức công bố đề xuất đánh thuế tài sản (mức thuế suất 0,3% - 0,4% đối với nhà đất có giá trị trên 700 triệu hoặc trên 1 tỷ đồng). Thông tin này ngay lập tức thu hút nhiều ý kiến khác nhau trong công luận.

Đánh thuế tài sản: Không thể cào bằng

Chỉ nên đánh thuế vào người có khả năng nộp thuế

Để chuẩn bị cho dự án Chính sách Thuế tài sản (dự kiến trình Chính phủ bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật 2018), Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu chính sách, điều tra khảo sát và lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và công chúng. Đây là dự án luật có quan hệ rộng tới cá nhân, tổ chức, kể cả kinh doanh và không kinh doanh.. Việc công bố các ý tưởng chính sách về Luật Thuế tài sản đã thu hút sự quan tâm của công luận, đồng thời tăng tính dự báo trước của các quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản.

Được biết, những ý kiến đáng chú ý của công chúng đưa trên báo chí hay mạng xã hội về các ý tưởng liên quan đến Chính sách Thuế tài sản cũng được Bộ Tài chính xem xét, tập hợp và xử lý trong quá trình đề xuất Chính phủ về xây dựng Thuế tài sản.

Tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, Công ty Luật Basico) đã nêu ý kiến trong: Nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới tính loại trừ tài sản nào. Luật sư này cũng nhấn mạnh quan điểm cho rằng chỉ đánh thuế vào một số loại tài sản, tài sản có giá trị lớn, đánh thuế lũy tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà (đất) khi đánh thuế. Nhất là chỉ nên đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo.

Quan điểm đáng lưu ý là không nên “cào bằng” trong đánh thuế tài sản giữa những người có thu nhập cao và những người có thu nhập thấp. Nhưng việc đầu tiên cần làm (trước khi tính đến chuyện thu thuế tài sản bất động sản) là phải có dữ liệu nhà (đất), nhằm đảm bảo công bằng, tránh tình trạng người có 10 cái nhà nộp thuế thấp hơn người chỉ có 1 nhà.

 Nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới tính loại trừ tài sản nào. Luật sư này cũng nhấn mạnh quan điểm cho rằng chỉ đánh thuế vào một số loại tài sản, tài sản có giá trị lớn, đánh thuế lũy tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà (đất) khi đánh thuế. Nhất là chỉ nên đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo.
Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, Công ty Luật 
Basico)

Đánh thuế thừa kế với những người thừa kế tài sản có giá trị lớn; hay đánh thuế tài sản những người có số tiền gửi tiết kiệm lớn; đánh thuế ô tô; du thuyền… được luật sư cho là phù hợp, vì đánh thuế vào những tài sản đó là đánh thuế đối vào người giàu.

Thậm chí, vị luật sư này còn đưa ra quan điểm: Có thể đánh thuế tài sản cao gấp 5 -10 lần mức khởi điểm đối với người có nhiều tài sản. Chẳng hạn, mức thuế thấp nhất có thể là 0,1%, với người có nhiều tài sản thì mức thấp nhất có thể 1%. Việc đánh thuế tài sản phải dựa trên cơ sở là khả năng nộp thuế, dựa vào nguồn thu của người nộp thuế. Nghĩa là nếu một người dân có ít tài sản thì không nên đánh thuế.

Nhắc đến đề xuất tại dự thảo của Bộ Tài chính về mức thuế tài sản với nhà là 0,4% và tài sản không chịu thuế là nhà giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống, chuyên gia luật đưa ra ý kiến nên xem xét đánh thuế ở mức thấp và có biểu thuế lũy tiến. Chẳng hạn, có thể để mức thuế suất ban đầu khoảng 0,1%, sau đó có thể tăng lên 0,3% - 0,4% sau 10 năm.

Cần làm rõ quyền lợi của người đóng thuế

Theo luật sư Trương Thanh Đức, ở Việt Nam chưa có thói quen với chuyện thuế tài sản, nên ban đầu cần đánh thuế một mức rất thấp, sau đó phải đánh thuế lũy tiến đối với người nhiều tài sản. Nhất là không thể cào bằng mức nộp thuế với những người có ít tài sản, người có nguồn thu nhập rất thấp, người chỉ có một nhà để ở. Nếu cào bằng trong thuế tài sản là bất động sản thì có thể tạo ra bất công, không đạt được mục tiêu thực sự của việc thu thuế tài sản. Nếu thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất, phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công trong đánh thuế.

Bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phân tích về thuế tài sản, cho rằng: Do tập trung đánh thuế vào tài sản hữu hình là nhà (đất), nên nếu đánh thuế cũng khó trốn tránh, hay dịch chuyển tài sản, không sợ gây bóp méo chính sách, có khả năng cưỡng chế cao. Theo bà Lê Thị Mai Liên, thuế tài sản đánh vào bất động sản góp phần làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ.

Trên thực tế thuế tài sản là khoản thu định kỳ thường xuyên, hoặc khoản thu không định kỳ không thường xuyên, liên quan đến việc sử dụng, sở hữu, chuyển nhượng tài sản.

Chuyên gia xếp loại thuế này thành 3 nhóm: Thuế đăng ký tài sản (thuế đánh khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản); thuế tài sản (thuế bất động sản, thuế nhà, đất); thuế chuyển nhượng tài sản.

Việc triển khai thuế tài sản là không dễ, Việt Nam chưa có thuế tài sản, thuế bất động sản như thông lệ quốc tế. Việt Nam đang thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp với mức thu chiếm khoảng 0,036% GDP.

Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết: Hiện nay, thuế tài sản được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bằng nhiều tên gọi khác nhau, như: Thuế bất động sản, thuế chuyển nhượng tài sản, thuế đăng kí tài sản, thuế thừa kế, thuế quà tặng… Hầu hết các quốc gia không ban hành một sắc thuế tài sản riêng biệt, bao quát tất cả các loại thuế liên quan đến tài sản, không có một khuôn mẫu chung thống nhất về thuế tài sản ở các quốc gia khác nhau.

Thuế tài sản được chuyên gia cho rằng chỉ nên áp dụng đối với nhà (đất), miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; hay nhà (đất) sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng… Đối tượng chịu thuế cũng nên quy định “ngưỡng” diện tích nhà (đất) phải chịu thuế.

Nêu kiến nghị Thuế tài sản cần phải làm rõ quyền lợi của những người đóng thuế tài sản. Nếu làm rõ vấn đề này thì cả xã hội đều vui vẻ đóng thuế. Ông Trần Như Trung (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chiến lược Quốc tế TR2) bày tỏ quan điểm, cho rằng cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài sản đầy đủ, điều này giúp minh bạch hóa sở hữu tài sản và chống tham nhũng. Cũng theo ông Trần Như Trung, nếu có Luật Thuế tài sản, thì cần hướng đến định giá tài sản theo thị trường, vì đây là phương pháp tính chính xác và công bằng nhất trong các phương pháp tính thuế.

 Bộ Tài chính, hồi tháng 4 đã đề xuất đánh thuế tài sản, mức thuế suất 0,3%-0,4% đối với nhà đất có giá trị trên 700 triệu hoặc trên 1 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế này góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bình ổn thị trường bất động sản, điều tiết lại thu nhập cá nhân, tăng công bằng xã hội…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ