Hồ Kẻ Gỗ 'kêu cứu'

GD&TĐ -Sau gần 50 năm đưa vào vận hành khai thác, hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) đã bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Hồ Kẻ Gỗ - hồ nước ngọt nhân tạo tại Hà Tĩnh
Hồ Kẻ Gỗ - hồ nước ngọt nhân tạo tại Hà Tĩnh

Nhiều hạng mục xuống cấp

Hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là hồ nước ngọt nhân tạo thuộc một phần của khu bảo tồn thiên nhiên của Kẻ Gỗ.

Năm 1976, hồ được khởi công xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái. Năm 1980, hồ hoàn thành xây dựng các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng.

Theo thiết kế, hồ Kẻ Gỗ có sức chứa 345 triệu m3, nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250km, tưới cho hơn 21.000ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh và phía Bắc huyện Kỳ Anh. Ngoài ra, công trình còn góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du...

Từ khi đưa vào vận hành đến nay, đây được xem là công trình thủy nông trọng yếu của tỉnh Hà Tĩnh và là một trong những hồ đập lớn nhất Việt Nam. Công trình được giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý và khai thác.

Tuy nhiên, sau 46 năm vận hành, nhiều hạng mục của hồ đã bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến quá trình khai thác và có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, nhất là các vùng hạ du.

Có mặt tại khu vực mái thân đập chính hồ Kẻ Gỗ, theo quan sát của PV Báo GD&TĐ, phần bê tông bị nước xâm thực, bong tróc, nhiều vị trí đã lộ cốt thép ra ngoài. Dưới chân mái thân đập, nhiều đoạn bê tông bị nước đánh vỡ tạo nên những hàm ếch rất nguy hiểm.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, không chỉ một mà nhiều đầu mối hạng mục của công trình đang trong tình trạng “kêu cứu” như: Khu vực cống lấy nước kết hợp tràn xả lũ trong cống dưới đập.

Tại đây, phần bê tông bị xâm thực, bóc vỡ lộ cốt thép ra ngoài. Phần tường bên ngoài phía tràn xả lũ bên phải cống đã bị thủng, nước chảy thành dòng lớn, thân cống và tràn trong cống nhiều chỗ bị thấm nước.

Ngoài ra, nhà tháp thượng lưu cống và gian thủy nông hạ lưu cống hư hỏng, nước thấm dột mỗi khi mưa bão, cửa van và các hệ thống van bị hư hỏng rò nước không thể vận hành.

“Trận lũ lịch sử năm 2020, khiến hồ Kẻ Gỗ xuất hiện càng nhiều bất cập, hạn chế trong việc điều tiết xả lũ và khả năng thoát lũ vùng hạ. Thêm vào đó, các phần mềm quản lý, điều hành, thiết bị dự báo, cảnh báo và phòng chống lũ cho hồ Kẻ Gỗ còn hết sức sơ sài”, ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thông tin.

Nhiều hạng mục tại Hồ Kẻ Gỗ đã xuống cấp.

Nhiều hạng mục tại Hồ Kẻ Gỗ đã xuống cấp.

Chờ dự án từ Bộ

Ngoài hồ Kẻ Gỗ, nhiều công trình thủy lợi tại Hà Tĩnh cũng đang bị hư hỏng. Thống kê của Chi cục Thủy lợi, Hà Tĩnh đã xây dựng, đưa vào khai thác 348 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước; 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s.

Trong số này, có 117 công trình hư hỏng, xuống cấp, song chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa gây bất cập trong bảo đảm an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đã đến.

“Những năm qua, các cấp ngành Hà Tĩnh đã quan tâm nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, tuy nhiên, do điều kiện ngân sách địa phương còn eo hẹp trong khi nhu cầu đầu tư, sửa chữa hồ đập lớn, nên nhiều công trình chưa được tu sửa. Địa phương rất mong muốn Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để Hà Tĩnh thực hiện các nội dung của pháp luật an toàn đập, hồ chứa nước”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh bày tỏ.

Qua tìm hiểu của PV, ban đầu, phần thân đập hồ Kẻ Gỗ được xây dựng từ những tấm bê tông rộng 1x1m, dày 15cm. Đến năm 1989, sau sự cố bão lũ, phần thân đập bắt đầu hư hỏng. Giai đoạn 2006 - 2013, đập được dự án WB3 nâng cấp, sửa chữa, gia cố mái thượng lưu đập chính bằng những tấm bê tông cốt thép rộng 5x5m.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do mức nước hồ lớn, dự án chỉ có thể thi công phần từ đỉnh đập đến cao trình 24,5m - 25,5m... còn phần chân đập từ cao trình 24,5m đến cao trình 17m vẫn là các tấm bê tông cũ. Qua nhiều năm cùng với các yếu tố thời tiết và thiên tai làm sóng nước liên tục đánh vào phần tiếp giáp giữa các tấm bê tông mới và cũ, làm vỡ các liên kết.

Cũng theo ông Cường, ngoài những hư hỏng, xuống cấp tại các hạng mục nói trên thì hiện nay tại tràn xả lũ sự cố cần thay đổi thiết kế bằng hình thức tràn chảy tự do thay cho tràn cầu chì tự vỡ hoặc thiết kế tràn xả sâu kết hợp tràn chảy tự do, nhằm hạn chế các nhược điểm của tràn cầu chì tự vỡ, bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối dự phòng bất trắc khi tràn xả sau bị kẹt cửa, đứt cáp hoặc các sự cố khác có thể xảy ra.

Để đáp ứng vai trò quản lý, vận hành công trình bảo đảm theo đúng công năng, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã có công văn gửi các sở, ngành liên quan, xem xét, có giải pháp điều chỉnh.

“Chúng tôi đã gửi các văn bản báo cáo về thực trạng của công trình đồng thời đề nghị UBND tỉnh, sở, ngành liên quan xem xét, có giải pháp điều chỉnh, bổ sung các hạng mục nói trên cho Dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ. UBND tỉnh cũng đang chờ dự án từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”, ông Cường cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ