Họ có quyền gì mà hành hung người khác?

GD&TĐ - Từ đoạn clip người cha tát con trai 4 tuổi xảy ra đã 2 năm trước lan truyền mạnh trên mạng xã hội, một nhóm người nhân danh “công lý” muốn “dạy bảo” người cha đã xông vào tận nhà đánh hội đồng anh Đoàn Tí (30 tuổi, xã Trung An, TP.Mỹ Tho) vì tội “dám đánh con”. 

Họ có quyền gì mà hành hung người khác?

Dù anh Tí không dám phản kháng, mặt bê bết máu những vẫn liên tục bị đám đông ra tay dã man. Những người tham gia đánh hội đồng nói “đánh để trả thù cho con trai anh”!

Có thể khẳng định việc anh Tí đánh con là sai, nhưng chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền xử lý và phải tuân theo pháp luật tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Vậy, những người cổ vũ, “treo thưởng” và nhóm người nhân danh ‘công lý’ xâm phạm chổ ở bất hợp pháp, đánh người gây thương tích đã phạm tội gì?

Trước hết đối với hành động xông vào nhà người khác, nhân danh ‘công lý’ để đánh hội đồng dã man người khác là vi phạm pháp luật, phải bị xử lý nghiêm. Bởi hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội, nếu không xử lý để sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong việc hành xử giữa con người với con người trong xã hội. Khi đó, người dân sẽ không cần đến pháp luật mà tự ý xử lý, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng “luật rừng”, “luật pháp thuộc về kẻ mạnh”.

Theo Điều 158 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: khám xét trái pháp luật, chiếm giữ chỗ ở, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác...”. Trường hợp phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm người bị xâm phạm chổ ở tự sát... có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Bên cạnh đó, hành vi đánh anh Tí nếu giám định thương tật mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự thì bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Như vây, nhóm người trên có hành vi xâm phạm về chỗ ở của người khác một cách trái pháp luật và còn hành hung chủ nhà một cách dã man rõ ràng đã vi phạm pháp luật, tội phạm hình sự.

Đối với những người cổ vũ bằng việc “treo thưởng” và chỉ cách thực hiện hành vi tát anh Tý trên mạng xã hội cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi theo điểm e, khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi: Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Những người này còn có thể bị xử lý với hành vi “hướng dẫn người khác thực hiện hành vi phạm pháp luật” quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng.

Ngoài ra, hành vi kích động, xúi giục người khác vi phạm pháp luật còn có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm tương ứng với tội phạm mà kẻ thực hiện hành vi phạm tội đã gây ra.

Do đó, nếu chứng minh được mối liên hệ giữa những người cổ vũ, “treo thưởng” với hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người trên thì có thể xử lý cả những người cổ vũ, “treo thưởng” trái pháp luật. Bởi lẽ, họ không có bất cứ quyền gì, nhân danh gì để xâm phạm chổ ở, cổ vũ, hành hung người khác.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm hành vi “vô pháp, vô thiên”, ngông cuồng của những kẻ coi thường pháp luật, tự nhân danh ‘công lý’, ‘anh hùng’ để hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen. Điều này không những bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, mọi người đều phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ