Đáng chú ý, cựu danh thủ Thể Công trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu chọn “VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc năm 2020”, do Tổng cục TDTT tổ chức.
Ngày trở lại Viettel vào cuối năm 2019, đội bóng vẫn thường được gọi là “hậu duệ của Thể Công”, Trương Việt Hoàng không thể hình dung cảnh mình và đội bóng mới sẽ bước lên đỉnh cao vinh quang thần tốc như vậy. Thế nhưng, giấc mơ tưởng chừng không có thật đó đến ngay trong năm đầu tiên ông ngồi trên băng ghế chỉ đạo Viettel. Hoàng “bột” đã bước vào ngôi nhà kỷ lục của V-League: Trở thành người thứ năm vô địch quốc gia trên cả hai tư cách cầu thủ và HLV kể từ khi giải vô địch quốc gia Việt Nam ra đời năm 1980, sau Lê Thuỵ Hải, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng.
Đòi nợ thành công
Sau khi chia tay sự nghiệp sân cỏ vào năm 2007 trong màu áo Bình Định, anh theo học huấn luyện viên và bắt đầu sự nghiệp cầm quân ở đội trẻ Hà Nội trước khi lần lượt nắm các đội Sài Gòn FC, Hải Phòng và hiện tại là Viettel. Ngoài chức vô địch V-League 2020 với Viettel, thì giai đoạn 2014 - 2019 ở Hải Phòng để lại trong anh nhiều kỷ niệm sâu sắc. Nửa thập kỷ gắn bó với đất Cảng, người thầy trẻ vốn còn thiếu kinh nghiệm như Hoàng bất ngờ phát huy được bản sắc của bóng đá thành phố Hoa phượng đỏ.
Hải Phòng trở thành đội bóng thi đấu hiệu quả và bùng nổ, giàu cảm xúc và đậm chất cống hiến. Mùa giải 2016, Hải Phòng cùng với Hà Nội T&T tạo nên cuộc đua song mã kịch tính đến chức vô địch. Vòng đấu cuối cùng, đội bóng Thủ đô đánh bại Thanh Hóa với tỷ số 2 - 0, khiến chiến thắng 3 - 0 trước SLNA là không đủ đối với Hải Phòng. Hai đội có cùng 50 điểm nhưng Hà Nội T&T vô địch nhờ có hiệu số bàn thắng bại tốt hơn. Điều an ủi với Hoàng và các học trò là họ trở thành những “người hùng” trong lòng người hâm mộ, nhà vô địch trong tim những khán giả, CĐV đất Cảng.
Đội bóng Hải Phòng năm 2016 dưới tay HLV trẻ Việt Hoàng là một tập thể không có ngôi sao lớn, không sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia như Hà Nội T&T nhưng thi đấu gắn kết và chặt chẽ. Thầy trò Trương Việt Hoàng vô địch lượt đi, có thời điểm tạo ra khoảng cách 14 điểm với Hà Nội T&T. Nhưng những sơ sểnh ở lượt về đã khiến họ rơi vào thế yếu và ngậm ngùi nhìn đối thủ đăng quang. Vậy nên, để tuột chức vô địch khi đã nắm mọi lợi thế trong tay là trải nghiệm mà Việt Hoàng sau đó gọi là “đau đớn, thất vọng, tủi hờn”, đồng thời nó trở thành “điều tiếc nuối lớn nhất” trong tâm thư chia tay đội bóng đất Cảng.
Sự hội ngộ của Hoàng và đội bóng “hậu duệ Thể Công” có thể gọi là đúng người, đúng thời điểm. Hoàng có tài và luôn muốn chinh phục thử thách, song Hải Phòng ngày càng thiếu tham vọng. Những cầu thủ tốt nhất cứ lần lượt ra đi. Bóng đá đất Cảng mất phương hướng! Trong khi đó, Viettel có thực lực nhưng trong cả mùa giải 2019, đội bóng này không tìm được lối thoát. Nhất là vị trí người cầm quân. Lãnh đạo Viettel sử dụng đến phương án HLV ngoại và cả những ông thầy cũ nhưng đều không thành công.
Trở lại mái nhà Viettel, Việt Hoàng nhanh chóng ghi dấu ấn, lối chơi bóng thực dụng trở thành chìa khóa của thành công. Viettel vô địch V-League và đoạt ngôi Á quân cúp quốc gia mùa giải 2020. Đấy là thành tích rất đáng nể với nhà cầm quân mới nhận nhiệm vụ dẫn dắt Viettel chưa lâu. “Quan trọng nhất trong mỗi trận đấu, tôi muốn các học trò không được để thủng lưới. Họ phải chờ sai sót của đối phương để kết thúc trận đấu với chiến thắng. Với tôi, thắng đậm nhưng lại để thủng lưới 1 bàn thì không thể hài lòng. Đó là điều tôi xây dựng cho Viettel”, nhà vô địch V-League chia sẻ.
Theo thống kê, V-League 2019, Viettel sở hữu hai trung vệ tuyển quốc gia nhưng thủng lưới tới 40 bàn sau 26 trận. Bước vào V-League 2020, dưới tay Trương Việt Hoàng, Viettel trở thành đội phòng ngự hay nhất giải khi chỉ thủng lưới 16 bàn. 7 vòng cuối cùng của giai đoạn 2, Viettel thắng tới 6 trận, hòa 1 (trước Hà Nội FC) và chỉ thủng lưới một lần. 5/6 trận thắng của Viettel có tỷ số 1-0 và tính cả mùa giải là 8 trận. Những gì Hoàng áp dụng ở Viettel đúng với triết lý của Jose Mourinho từng nói: “Nếu thắng một trận với tỷ số 10-0, bạn hủy diệt trận đấu đó, nhưng nếu thắng mười trận với tỷ số 1-0, bạn hủy diệt cả giải đấu”.
Những người thích bóng đá đẹp, đặc biệt bên phía Hà Nội FC, đội bóng nổi tiếng với lối chơi kỹ thuật, nhỏ và nhuyễn, thì có nhiều lý do để “chê bai” cách lên ngôi của Viettel. Thế nhưng, Hoàng có đủ trải nghiệm để kiên định theo đuổi triết lý bóng đá của mình. Thế nên, thay vì dồn lên đá ào ạt sau khi đã dẫn trước đối phương để tìm các chiến thắng đậm, Viettel chọn cách thu mình bảo vệ tỷ số, vừa tiết kiệm sức, vừa giấu bớt những quân khí lợi hại nhất của mình. Những đau thương với bóng đá Hải Phòng năm 2016 vẫn âm ỉ cho đến khi ông thầy trẻ cùng Viettel bước lên đỉnh vinh quang ở mùa giải 2020.
Siêu phẩm để đời vào lưới Thái Lan
Trương Việt Hoàng sinh năm 1975, ở Hà Nội và con đường đến với bóng đá của anh giống như sự “sắp đặt của số phận”. Cuối những năm 80 thế kỷ trước, biết Hoàng mê bóng đá, có năng khiếu và đặc biệt rất ngoan, đàn anh Nguyễn Xuân Thanh đưa Hoàng vào Thể Công thử sức. Sau vài bài tập đơn giản, Hoàng bất ngờ được gia nhập đội bóng Quân đội vốn là tượng đài của bóng đá Việt Nam, trở thành đồng đội với những nhân tố trẻ tài năng như Đức Thắng, Quang Hà, Nguyễn Mạnh Dũng, Hải Long… và sau một chút là lứa Đặng Phương Nam, Bùi Đoàn Quang Huy, Phạm Như Thuần.
Theo đánh giá của những người Thể Công, kỹ năng của Việt Hoàng thuộc dạng độc, cầu thủ có dáng người thấp đậm, song tố chất bẩm sinh không thiếu thứ gì, từ sự đồng đều hai chân, cảm giác bóng, độ mềm dẻo và kỹ năng đánh đầu. Vô hình trung, ngay từ khi khởi nghiệp ở đội bóng danh tiếng như Thể Công, Hoàng “bột” đã được ngầm so sánh với Nguyễn Hồng Sơn. Nếu Sơn “công chúa” mạnh về phát triển cá nhân, giỏi đặt tầm ảnh hưởng lên toàn cục và có khả năng tỏa sáng để giải quyết trận đấu thì Hoàng được đánh giá cao về lối chơi tập thể, chắc chắn và chấp nhận làm nền cho đồng đội tỏa sáng.
Sau một thời gian ăn tập ở các tuyến trẻ, năm 1997, Việt Hoàng được đưa lên đội 1 Thể Công và ngay lập tức gây được ấn tượng ở giải vô địch quốc gia. Sự xuất hiện của Hoàng giúp HLV Vương Tiến Dũng hoàn thiện hàng tiền vệ trứ danh trong sơ đồ chiến thuật 5-3-2 của Thể Công khi đó: Việt Hoàng - Hồng Sơn - Quang Hà. Tinh thần mạnh mẽ, kỹ thuật hoàn hảo vì thế không có gì là ngạc nhiên khi chỉ 1 năm sau, Việt Hoàng được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự Tiger Cup 1998.
Nhắc đến Hoàng, người hâm mộ Việt Nam chắc chắn sẽ nhớ đến cú sút vô lê tuyệt đẹp từ ngoài vòng 16m50 mở màn cho chiến thắng lịch sử với tỷ số 3-0 trước đội tuyển Thái Lan tại bán kết Tiger Cup 1998. Đây là bàn thắng để đời và chính bàn thắng ấy đã khiến ông luôn được nhớ đến như một nhân vật rất đặc biệt cùng với nhiều cầu thủ đàn anh ở “Thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hữu Thắng, Văn Khải… Và quan trọng hơn cả, nó mang tới niềm vui cho cha anh – người mới bước ra khỏi cánh cửa tạm giam trong quá trình điều tra vì có liên quan tới vụ cháy chợ Đồng Xuân năm 1994.
“Bàn thắng ấy đã mở ra chiến thắng đầu tiên của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Thái Lan kể từ khi hội nhập trở lại với khu vực. Đặc biệt đó là trận đấu mà chúng ta chơi trên sân nhà trước hàng vạn khán giả. Đấy là trận thắng khiến người hâm mộ rất sung sướng và hạnh phúc. Với tôi đấy chắc chắn là bàn thắng quan trọng nhất trong sự nghiệp. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mở YouTube để xem lại bàn thắng ấy, rồi tự... khen chính mình rằng: Trời, sao lúc ấy mình có cú sút đẹp như vậy?” – Việt Hoàng cho biết.
Trong sự nghiệp thi đấu, Hoàng chỉ khoác áo hai đội bóng là Thể Công và Bình Định. Với Thể Công, tiền vệ tài hoa này giành chức vô địch giải Các đội mạnh toàn quốc 1998 (V-League bây giờ), Siêu cúp quốc gia 1998, vô địch U22 quốc gia 1997... Trong màu áo đội tuyển Việt Nam, anh giành ngôi Á quân Tiger Cup 1998 và Huy chương Bạc SEA Games 20 năm 1999. Siêu phẩm vào lưới Thái Lan của Hoàng từng giành giải thưởng bàn thắng đẹp nhất châu Á của năm.
Việt Hoàng chia sẻ: “Người thầy đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến chính là HLV Vương Tiến Dũng, người đã dìu dắt chúng tôi từ khi còn nhỏ cho tới danh hiệu vô địch quốc gia 1998. Chú Dũng không chỉ là người thầy trên sân mà cả trong cuộc sống khi tôi có những khúc mắc cần tháo gỡ. Khi lên đội tuyển, tôi được gặp thầy A.Riedl. Đó là một người thầy đáng kính, có chuyên môn giỏi mà tôi rất tôn trọng. Tiếc là thầy cũng như lứa cầu thủ chúng tôi, thiếu may mắn để giành Cúp vô địch Đông Nam Á cùng ĐT Việt Nam. Hiện nay, tôi khâm phục HLV Park Hang-seo với những thành công ông mang về cho bóng đá Việt Nam”.
Nối nghiệp Trương Việt Hoàng, cậu con trai lớn Trương Gia Huy sau khi vượt qua hàng nghìn thí sinh từ khắp cả nước đã được Trung tâm thể thao Viettel tiếp nhận để đào tạo chuyên nghiệp. Có thể chơi được ở vị trí tiền vệ và tiền đạo, cầu thủ hiện thuộc biên chế U13 Viettel được kỳ vọng sẽ là bản sao của người bố danh tiếng Trương Việt Hoàng.