HLV Nguyễn Đức Thắng (Bình Định): Người Thể Công thành danh ở đất Võ

GD&TĐ - Hơn 4 năm cầm quân ở V-League, Nguyễn Đức Thắng đã trải qua nhiều thăng trầm và không ít đau đớn từ mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nhưng giờ đây, với đội bóng Bình Định, cựu danh thủ hào hoa

HLV Nguyễn Đức Thắng được cả đội Bình Định tung hô sau khi giành quyền lên V-League 2021. Ảnh: Theo báo Tuổi trẻ
HLV Nguyễn Đức Thắng được cả đội Bình Định tung hô sau khi giành quyền lên V-League 2021. Ảnh: Theo báo Tuổi trẻ

Nhưng giờ đây, với đội bóng Bình Định, cựu danh thủ hào hoa của bóng đá Việt Nam đang có được những điều kiện cần để tiếp tục cuộc chơi mới, sòng phẳng và khốc liệt hơn. 

Đằng sau ánh hào quang

Trong những năm 1990 của thế kỷ trước, không có tài thì xác định không có cửa đá cho Thể Công. Mà đá chính ở tuổi 19 cho đội bóng đang là tượng đài của bóng đá Việt Nam thì phải thực sự xuất sắc.

Năm 1988, Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1976) vượt qua những đợt sát hạch khắc nghiệt ở tuổi 12, để 3 năm sau chính thức biên chế vào đội trẻ Thể Công, song song được giải quyết thủ tục nhập ngũ vào năm 1991, ở tuổi 15.

Đến năm 1993, ở tuổi 17 anh đã được đôn lên đội hình 1 Thể Công đứng chung với các đàn anh danh tiếng như Hồng Sơn, Việt Hoàng…

Năm 1998, Đức Thắng có chiếc Cúp đầu tiên khi Thể Công vô địch giải VĐQG dưới triều đại của HLV Vương Tiến Dũng. Thành công đó giúp anh khẳng định vị trí trong màu áo đội tuyển Việt Nam sau khi đã được HLV Colin Murphy gọi vào đội Olympic năm 1997.

Trong 10 năm chơi bóng, anh luôn gây ấn tượng rất tốt với các ông thầy ngoại như Murphy, Dido, Riedl hay Tavares và cả những HLV nội ở CLB. Nhưng tiếc cho Thắng và cả một thế hệ cầu thủ vàng của bóng đá Việt Nam không thể một lần vô địch khu vực Đông Nam Á hay giành HCV SEA Games!

Sau thất bại tại Tiger Cup 2004, Nguyễn Đức Thắng từ giã đội tuyển quốc gia và chấn thương liên tiếp buộc anh phải “treo giày” ở tuổi 29.

“Năm 2005, tôi giải nghệ bởi những cơn đau hành hạ do chấn thương. Tôi dành hai năm sau đó để học xong cấp ba và nộp hồ sơ vào Trường Đại học TDTT Từ Sơn. Ngay từ lúc đá bóng và đứng trên đỉnh cao, tôi đã thấy cái mình đang thiếu nhất là kiến thức. Điều đó giúp tôi vượt qua áp lực tại sao một cầu thủ nổi tiếng phải đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Tôi biết rằng nếu không lên đại học, không có kiến thức thì con người không có giá trị” – Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.

Trận Bình Định (bên phải) hòa 3-3 trước Hà Nội FC tại Giải tứ hùng cúp truyền hình TPHCM 2021.
Trận Bình Định (bên phải) hòa 3-3 trước Hà Nội FC tại Giải tứ hùng cúp truyền hình TPHCM 2021.

Tài năng và kiến thức được đào tạo cơ bản, xuất phát từ tinh thần ham học hỏi trở thành hành trang quan trọng giúp Thắng vươn lên rất nhanh. Trong vai trò Giám đốc đào tạo trẻ của Hà Nội, Nguyễn Đức Thắng vô địch U19, U21 quốc gia trước khi đưa CLB Hà Nội B thăng hạng

V-League 2016. Nhưng chỉ ít ngày sau niềm vui lên hạng, lãnh đạo quyết định đưa CLB Hà Nội B vào TPHCM, lấy tên là Sài Gòn FC. Thắng sau này thừa nhận rằng, anh đón thông tin đó trong một sự day dứt bởi thương các học trò của mình phải rời xa gia đình. Ngoài ra, anh còn phải trao đổi với nhiều cựu cầu thủ Sài Gòn, Hải quan, Công an TPHCM với tinh thần học hỏi. Sài Gòn phải là đội bóng mang đúng phong cách Sài Gòn.

“Mùa 2016, chúng tôi chơi thực dụng. Nhưng chỉ một năm sau, đội thay đổi cách chơi. Chúng tôi chơi đẹp lắm. Năm 2017, Sài Gòn có rất nhiều siêu phẩm. Chất cầu thủ phía Nam chơi thoáng đạt, không toan tính. Còn cầu thủ phía Bắc thực dụng hơn. Vậy nên, tôi buộc phải bỏ đi hơn 10 cầu thủ phía Bắc chỉ sau một mùa giải, chỉ giữ lại những cái tên tốt nhất trong đội hình.

Tôi cất công tìm kiếm, chắt lọc sao cho đúng chất của bóng đá Sài Gòn. Ở Sài Gòn FC có sự xen kẽ một chút thực dụng của Hải quan, một chút máu lửa của Công an TPHCM, một chút hào hoa của Cảng Sài Gòn”, Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Nhưng đến khi Sài Gòn FC tạo dựng được dấu ấn thì Thắng chủ động nói lời chia tay bởi những vướng mắc, thay đổi ở “thượng tầng”.

Về Thanh Hóa theo lời mời của tập đoàn FLC, Nguyễn Đức Thắng đưa đội bóng xứ Thanh đến ngôi Á quân V-League và cúp quốc gia 2018. Công việc đang “xuôi chèo mát mái” thì FLC chia tay bóng đá Thanh Hóa. Công tác điều hành đội bóng thay đổi. Có sự “chồng chéo” giữa quản lý và chuyên môn. Quan điểm về làm nghề của Thắng không được tôn trọng và anh quyết định dừng lại.

Tạm nghỉ một thời gian, Thắng lặng lẽ trở lại trong vai trò HLV đội Bình Định tham dự hạng Nhất 2020. Ở mảnh đất và môi trường hoàn toàn mới, cựu danh thủ Thể Công đã giúp đội bóng đất Võ bất ngờ giành quyền lên hạng.

Thành công của bóng đá Bình Định có sự đóng góp lớn của HLV Nguyễn Đức Thắng. Cựu danh thủ sinh năm 1976 đã đưa đội bóng đất võ vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách để vươn đến vinh quang.

Chức vô địch hạng Nhất 2020 một lần nữa khẳng định khả năng cầm quân của Nguyễn Hữu Thắng.
Chức vô địch hạng Nhất 2020 một lần nữa khẳng định khả năng cầm quân của Nguyễn Hữu Thắng.

Lấy lại danh xưng “ngựa ô”

Bình Định đang được coi là “gã nhà giàu mới nổi” của bóng đá Việt Nam, giống như Chelsea giai đoạn đầu dưới tay tỷ phú người Nga Roman Abramovich. Sau chức vô địch hạng Nhất 2020 và một suất lên chơi ở V-League 2021, đội bóng đất Võ khiến cả làng bóng đá Việt bất ngờ khi công bố gói hợp đồng khủng lên đến 300 tỷ đồng trong 3 năm (2021 - 2023). Đây được xem là con số rất lớn và đáng mơ ước khi mà đại dịch Covid-19 vẫn để lại nhiều hệ lụy nặng nề.

Với gói tài chính lên đến cả 100 tỷ đồng cho mỗi mùa giải, Bình Định hoạt động tích cực trên thị trường chuyển nhượng và đưa về những bản hợp đồng chất lượng. Đó là nguồn lực để thay thế 9 cầu thủ mượn từ các đội Than Quảng Ninh, Viettel, Bình Dương, đồng thời thanh lý một số cầu thủ không đáp ứng yêu cầu chuyên môn sau mùa giải hạng Nhất 2020.

Đội bóng đất Võ đã sở hữu Ahn Byung Keon, lá chắn thép của CLB Sài Gòn ở V-League 2020 và Rimario (CLB Hà Nội). Về nội binh, sau tuyển thủ quốc gia Hồ Tấn Tài, đội bóng đất Võ đã có thêm một tuyển thủ quốc gia khác ở hàng thủ là trung vệ Thanh Hào.

Những chuyển biến về nhân sự cho thấy, Bình Định đang giải quyết triệt để hạn chế được nhận diện nằm ở hàng thủ.

HLV Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Tôi tuyển chọn cầu thủ dựa vào niềm tin. Thứ hai, trình độ chuyên môn và tư cách đạo đức phải song hành với nhau. Ahn Byung Keon có thừa sự kỷ luật và chuyên nghiệp, tố chất bẩm sinh của một thủ lĩnh. Tôi cần điều đó ở hàng thủ Bình Định. Mùa trước, hàng thủ của chúng tôi cơ bản chơi tốt nhưng nhiều khi vẫn phải nhận những bàn thua không đáng có. Tôi đã làm việc với Rimario từ khi ở Thanh Hóa và biết rõ năng lực của cậu ấy”.

Nguyễn Đức Thắng và các học trò trên sân tập chuẩn bị cho V-League 2021.
Nguyễn Đức Thắng và các học trò trên sân tập chuẩn bị cho V-League 2021.

Bình Định đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa giải đầu tiên trở lại V-League sau 12 năm. Đội bóng đất Võ dưới tay Nguyễn Đức Thắng luôn chủ động chọn lối chơi chắc chắn trước vòng 16m50 và lựa thời cơ thích hợp để tung ra những pha tấn công nhanh.

Chiến thuật “biết mình, biết người” ấy đã giúp họ bất ngờ giành chức vô địch giải tứ hùng tranh Cúp truyền hình TPHCM 2021. Tại giải đấu này, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng đánh bại TPHCM 2-0, hòa 3-3 trước Á quân V-League Hà Nội FC, 1-1 trước Sài Gòn.

Bước chạy đà hoàn hảo trước thềm mùa giải mới đã mang đến sự tự tin cho Bình Định. Đặc biệt, để động viên tinh thần thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng, lãnh đạo đội bóng đất Võ công bố mức thưởng rất hấp dẫn. Theo đó, nếu vô địch V-League thì toàn đội sẽ nhận được số tiền là 10 tỷ đồng; hạng 2 nhận 7 tỷ đồng và hạng 3 là 5 tỷ đồng. Với đấu trường Cúp quốc gia, đội sẽ được thưởng 3 tỷ đồng nếu vô địch. Số tiền cho vị trí hạng 2 và 3 lần lượt là 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có những khoản tiền thưởng lớn cho từng trận thắng, “thưởng nóng” nếu đội chơi hay, cống hiến.

Trong giai đoạn đỉnh cao 2002 - 2008, bóng đá Bình Định đã để lại những dấu ấn đậm nét, đúng nghĩa biệt danh “ngựa ô” của xứ nẫu miền Trung. 2 năm liền vô địch Cúp QG 2003, 2004 cùng ngôi vị hạng 3 V-League 2007 đủ để người Bình Định có được niềm vui.

Giai đoạn đó, với những cầu thủ chủ yếu của địa phương, kết hợp với những ngoại binh người Thái Lan như Issawa, Pipat hay Sarayoot Chaikamdee, Bình Định tạo dựng được màu sắc rất riêng. Vậy nên bước vào mùa giải 2021, sau niềm vui thăng hạng, người Bình Định đang kỳ vọng thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng sẽ lấy lại danh xưng “ngựa ô” cho bóng đá đất Võ.

“Sau mùa giải 2020, tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Tôi có cảm giác rằng Bình Định vẫn làm chưa tới cái đích mình vạch ra, dù thăng hạng ở một mùa giải đặc biệt. Bản thân tôi xác định đến Bình Định để làm bóng đá chuyên nghiệp. Nếu không bảo đảm tính chất đó, tôi sẽ dừng lại. Nhưng cũng may, sau đó tôi và CLB tìm thấy chung chí hướng. Cả hai đã thống nhất được quan điểm làm việc thì tôi sẵn sàng tiếp tục gắn bó ngay cả khi tập thể đó còn nhiều thách thức, khó khăn trong mùa giải 2021” - HLV Nguyễn Đức Thắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ