Hình tượng ngựa đá ở Huế: Nét văn hóa cung đình

GD&TĐ - Đến Huế, du khách sẽ bắt gặp hình tượng ngựa đá ở khắp nơi, đặc biệt là tại các di tích. Bên cạnh đó, đã từ rất lâu, hình tượng long mã (ngựa hóa rồng) đã đặc trưng cho văn hóa tâm linh ở mảnh đất cố đô.

Ngựa đá ở lăng Khải Định ở Huế. Ảnh minh họa.
Ngựa đá ở lăng Khải Định ở Huế. Ảnh minh họa.

Ngựa đá ở lăng tẩm

Ngựa là một trong những gia súc được con người thuần hóa sớm nhất. Ngựa còn là động vật được sử dụng nhiều nhất trong cuộc chiến tranh từ thời cổ đại đến hiện đại. Có câu nói: “Cỏ không mọc được dưới chân vó ngựa Hung Nô”.

Đây là một thế lực đáng sợ đến mức Tần Thủy Hoàng (Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc) phải xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn sự xâm lấn, quấy phá. Người Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn cũng nổi tiếng là dân tộc sống trên lưng ngựa.

Lịch sử nước ta từ thời Hùng Vương đã biết đến ngựa. Ngựa là vật cưỡi của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) đại phá giặc Ân. Thời nhà Trần, trong chiến tranh với Mông Cổ, bên cạnh voi và thuyền thì ngựa cũng được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là dành cho các viên tướng.

Sử cũ còn chép lại viên tướng Lê Phụ Trần trong một trận kịch chiến đã một mình một ngựa lao vào trận địa kỵ binh của quân Mông Cổ. Hay sau đó Vũ Vương Hiến (Trần Quốc Hiến) dùng kỵ binh truy kích và bắn chết tướng A Bát Xích của Mông Cổ.

Vào thời Nguyễn, triều đình đã thiết lập một cơ quan tên là Viện Thượng Tứ, chuyên trông coi việc nuôi ngựa để kéo xe cho vua. Những con ngựa này thường là dữ dằn nên phải do đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện, thuần dưỡng.

Do đó, đến Huế, du khách sẽ bắt gặp những con ngựa đá ở các lăng tẩm của nhà Nguyễn. Các lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định vẫn hiện tồn 10 tượng ngựa đá. Còn lại ở lăng vua Tự Đức, cặp ngựa được làm lại bằng vôi vữa ở các đời sau.

Sử sách có ghi chép lại chuyện làm ngựa đá ở các lăng tẩm. Theo Đại Nam thực lục, năm 1831 vua Minh Mạng đã sai bộ Công nghĩ mẫu tượng đá quan văn, quan võ, lính thị vệ, voi đá, ngựa đá để thợ Quảng Nam, Thanh Hóa chế tạo. Trong đó, ngựa đá hai con, mỗi con cao 2 thước 7 tấc. Khi chế tạo xong vua sai đem bày ở lăng Gia Long.

Không biết có một sức cuốn hút nào không mà nhà thơ Ngô Quân Miện, trong tập “Núi thơ”, Nxb. Hội Nhà Văn (1993), từng viết trong bài “Gửi lại Huế” rằng: “Những lầu bia, lăng tẩm, sân rồng/ Tôi ngơ ngác trước bái đình loang lổ/ Ta đâu phải những văn thần áo mũ/ Đứng xếp hàng bên voi, ngựa đá thềm vua”.

Như vậy, có thể nói, các tượng ngựa đá ở Huế không những lưu giữ được nét văn hóa tâm linh của cung đình mà còn lưu giữ cả tâm hồn “ngơ ngác” của du khách trước một vẻ đẹp bí ẩn không thể cưỡng lại của mảnh đất đền đài lăng tẩm nổi tiếng như xứ Huế.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các công ty dịch vụ du lịch đã đưa ngựa và xe ngựa, một phương tiện giao thông đặc thù vào các địa điểm du lịch then chốt. Chẳng hạn, tại Huế đã có dịch vụ xe ngựa đón khách đi đến các di tích Hoàng thành, các lăng tẩm, chùa chiền và các danh lam thắng cảnh theo yêu cầu của khách.

Bình phong long mã ở Huế. Ảnh minh họa.

Bình phong long mã ở Huế. Ảnh minh họa.

Bình phong long mã

Bên cạnh đó, đã từ rất lâu, hình tượng long mã (ngựa hóa rồng) đã đặc trưng cho văn hóa tâm linh ở Huế. Tại các đình chùa, điện thờ, miếu mạo ở Huế, long mã thường được khắc họa hay đúc tượng trên các vật thể như bình phong, hoành phi. Nhưng nhiều nhất vẫn là trên các bức bình phong.

Bình phong là một “sản phẩm đặc trưng” của xứ Huế. Người Huế dựng bình phong ngay sau cửa ngõ để ngăn chặn các loại uế khí, hỏa khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời, khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng, an toàn hơn.

Và linh vật được chọn lựa để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất chính là long mã. Bình phong long mã nổi tiếng nhất ở Huế chính là bức được xây dựng năm Thành Thái bát niên (1896) ở Trường Quốc học Huế.

Long mã trên bình phong này chính là nguyên mẫu của hình ảnh long mã trên logo của Festival Huế. Như vậy, có thể nói, hình tượng “ngựa hóa rồng” không những đã in sâu vào văn hóa Huế mà nó còn là niềm cảm hứng du ngoạn vô tận dành cho du khách khi đến Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ