Hình thức dạy học liên tục thay đổi: Thấu hiểu để giúp trẻ thích nghi

GD&TĐ - Thích ứng với dịch bệnh, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học, từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.

Học trực tuyến trong mùa dịch là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa
Học trực tuyến trong mùa dịch là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa

Đây là giải pháp không thể khác để hoạt động giáo dục không bị đứt gãy. Song chắc chắn, sự thiếu ổn định sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và các nhà trường cần đặc biệt quan tâm tới điều này.

Liên tục thay đổi hình thức dạy học

Tại Trường THPT Hàm Long, Bắc Ninh, từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, học sinh phải chuyển đổi hình thức học khá nhiều lần để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương, từ ngày 6 - 15/9 học sinh cả 3 khối của trường đều học trực tuyến.

Sau đó, khối 10 và 12 chuyển sang học trực tiếp từ 15 - 24/9 (học sinh khối 11 vẫn học trực tuyến). Từ 24/9, nhà trường cho học sinh cả 3 khối học trực tiếp. Nhưng do dịch bệnh phức tạp, từ 1/11 tất cả học sinh lại phải chuyển sang học trực tuyến.

Từ đó đến nay, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, học sinh của trường tiếp tục chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp, rồi từ học trực tiếp sang trực tuyến 3 lần. Hiện, các em được đến trường học trực tiếp.

Theo thầy Nguyễn Bá Khương, việc linh hoạt giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp vẫn là phương án tối ưu trong thời kỳ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tất nhiên, việc này cũng gây ra những xáo trộn nhất định, nhưng với học sinh THPT, việc thích ứng cũng nhanh hơn. Tuy vậy, vẫn cần làm tốt công tác tư tưởng cho học sinh.

Không chỉ Trường THPT Hàm Long, việc linh hoạt các hình thức dạy học không còn lạ với nhiều trường. Như tại Hà Nội, học sinh khối 12 của quận Đống Đa mới trở lại trường được một tuần thì tiếp tục phải nghỉ vì dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn. Tại Đà Nẵng, sau một tuần đi học trực tiếp, học sinh lớp 1 lại chuyển về học online từ 13/12 theo đề xuất của Sở GD&ĐT.

Vì xuất hiện các ca dương tính trong trường học nên nhiều trường học của Nghệ An cũng phải tạm thời chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang học trực tuyến… Trong đó, một số địa phương như Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã bắt đầu mở cửa trường học trở lại.

Giúp học sinh thích nghi với thay đổi

Cô Đinh Hồng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội), cho rằng: Trở lại trường học trực tiếp là nguyện vọng của đa số học sinh; vì bên cạnh học kiến thức, các em còn có nhu cầu giao tiếp xã hội rất lớn. Việc thay đổi các hình thức dạy học là cần thiết trong điều kiện dịch bệnh; nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt về tâm lý cho học sinh, sẽ dẫn đến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực vì nếp học, sinh hoạt của các em bị xáo trộn quá nhiều.

Chia sẻ giải pháp giúp học sinh thích nghi với việc học linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh, cô Đinh Hồng Nga cho rằng: Trước hết cần nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về việc rèn luyện khả năng thích ứng; chăm sóc sức khỏe thể chất (ăn uống đủ dinh dưỡng, đi ngủ sớm, dậy sớm, tập thở sâu, thực hiện 5K); chăm sóc sức khỏe tâm trí (xây dựng bầu không khí gia đình an lành, trò chuyện chia sẻ cùng nhau, mỗi ngày đều nghĩ đến lòng biết ơn và thực tập những điều làm mình cảm thấy hạnh phúc).

Nhà trường cần tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền các phương án thích ứng an toàn trong dịch bệnh; bàn giải pháp kết hợp gia đình nhà trường tạo điều kiện tốt nhất để giúp các em. Giáo viên chủ nhiệm và Phòng tham vấn tâm lý cần lắng nghe tâm tư học sinh, kịp thời tư vấn cho các em khi cần thiết.

“Phòng tham vấn của Trường THPT Bình Minh đã gửi đến thầy cô và học sinh những bài tập hướng đến sự bình an và suy nghĩ tích cực. Ví dụ: Tắm nắng, tắm gió - vào khoảng 6 đến 7 giờ sáng, các em ra ban công, hoặc sân dang rộng hai tay đón nắng Mặt trời, đón gió, hít thở sâu, nói “aaaaaaaaaaaa”.

Bài tập này giúp thanh tẩy năng lượng xấu, trút hết muộn phiền… Bên cạnh đó, nhà trường luôn thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn học đường; xây dựng đầy đủ phương án ứng phó với dịch bệnh và xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt phù hợp thực tế. Tận dụng khoảng thời gian vàng khi học trực tiếp để bù đắp kiến thức lõi cho học sinh.

Nhà trường cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về thích ứng linh hoạt trong tình hình mới; hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc con, xây dựng bầu không khí gia đình. Sự tận tâm, tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô sẽ giúp các em vượt qua khó khăn của đại dịch” - cô Đinh Hồng Nga chia sẻ.

Cô Bùi Trà My, Thạc sĩ Khoa Xã hội học, Goldsmiths, ĐH London, Anh, hiện là thành viên Ban giám hiệu THPT, phụ trách Đời sống học đường Trường THPT Olympia, thì chia sẻ: Chúng ta đang bước sang năm thứ 3 sống chung với bối cảnh dịch bệnh. Bản thân học sinh, thầy cô, cha mẹ đã có một thời gian dài để thích nghi với sự thay đổi liên tục này và không còn quá bối rối mỗi lần có thông tin mới.

Tuy nhiên, không để sự thích nghi diễn ra một cách tự nhiên, tự phát, mà trường học và gia đình đều có vai trò trong việc hướng dẫn con trẻ đối diện với những sự thay đổi bất khả kháng một cách khỏe mạnh, hiệu quả và tích cực.

Chia sẻ kinh nghiệm ở Trường Olympia, cô Bùi Trà My cho biết: Nhà trường đã và đang chủ động triển khai chương trình phòng ngừa gồm có hệ thống hỗ trợ để đưa ra các hoạt động can thiệp kịp thời.

Trường nhận diện, phát hiện vấn đề của học sinh thông qua hệ thống thông tin 360 độ: Phản hồi của giáo viên bộ môn, giáo viên cố vấn, trao đổi với phụ huynh và gia đình, quan sát của chuyên viên tâm lý, học sinh tự tìm đến khi gặp khó khăn. Từ đó đưa ra chiến lược hỗ trợ với từng học sinh: Hỗ trợ từ thầy cô giáo, tham vấn với cá nhân học sinh và gia đình.

“Những việc trên sẽ hiệu quả nếu chúng ta dạy trẻ và cùng trẻ phản tư (Self reflection). Phản tư là một quá trình quan trọng để mỗi người nhìn lại bản thân nhìn lại các tình huống mình đã trải qua để hiểu rõ hơn về cảm xúc cá nhân, chiến lược giải quyết vấn đề và đương đầu với khó khăn.

Olympia đã nhiều năm chú trọng việc hướng dẫn cả trẻ nhỏ, trẻ lớn và với cả thầy cô, cha mẹ thực hành suy nghĩ, phản chiếu sau các hoạt động và cả học tập. Trong mùa dịch, việc phản chiếu cá nhân và tập thể cũng thường xuyên diễn ra, đặc biệt trong những giai đoạn chuyển đổi cách học, thông qua các câu hỏi thảo luận cụ thể.

Khi môi trường online đang chiếm thời lượng chính, việc dạy trẻ các kỹ năng số và nâng cao nhận thức về các vấn đề của thời đại số, trong đó có sức khỏe tâm thần (mental health) càng cần đầu tư hơn” – cô Bùi Trà My cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ