Phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học:

Hình thành thói quen 'nói không với thuốc lá'

GD&TĐ - Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”.

Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG
Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG

Lồng ghép nhiều hình thức

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhấn mạnh, nhà trường luôn coi công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá là nhiệm vụ quan trọng của mỗi năm học để bảo vệ sức khỏe cho chính học sinh, thầy cô giáo.

Hằng năm, trường đều mời chuyên gia đến trường chia sẻ trong các buổi ngoại khóa để các em hiểu rõ hơn tác hại, hệ lụy mà khói thuốc lá/thuốc lá điện tử gây ra. Học sinh còn sử dụng sơ đồ tư duy, tranh, ảnh sinh động để nói về nguyên nhân, thực trạng, tác hại và giải pháp phòng chống thuốc lá/thuốc lá điện tử trong trường học. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm và chủ động của các em.

Bên cạnh đó, nhà trường lập kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, trong đó có Đoàn Thanh niên, Liên đội kiểm tra, ngăn chặn từ sớm nếu em nào có ý định sử dụng thuốc lá trong nhà trường. Tất cả trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm.

Cô Hồng cũng cho hay, ngay từ đầu năm học, nhà trường phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh cho các em ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật, nội quy của trường, bao gồm cả việc không sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa các thành phần, đến nay học sinh toàn trường tuân thủ tuyệt đối và không tàng trữ, sử dụng, mua bán thuốc lá hay thuốc lá điện tử.

Tại Trường THPT Hoài Đức C (Hoài Đức, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật tới học sinh là một nhiệm vụ thường xuyên. Nhà trường luôn phối hợp tốt cùng các lực lượng như Công an huyện, Huyện Đoàn trong việc tuyên truyền cho học sinh về an toàn giao thông; phòng chống ma túy, bạo lực học đường, vũ khí vật liệu nổ, thuốc lá điện tử.

Không chỉ vậy, mỗi thầy cô cũng phải tiên phong, gương mẫu trong việc nói không với thuốc lá, nhất là trong môi trường học đường để học sinh noi theo. Trong mỗi bài học trên lớp, giáo viên sẽ lồng ghép nội dung về phòng chống tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử một cách linh hoạt, nhất là môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật hay Hóa học để học sinh hiểu hơn về tác hại của khói thuốc.

“Ở trường thôi chưa đủ, mỗi bậc phụ huynh khi ở nhà cũng cần giám sát, quản lý con em mình tránh xa các sản phẩm thuốc lá cũng như chất kích thích khác. Bố mẹ cùng thầy cô thường xuyên quan tâm, hỏi han tình hình học tập của trẻ để có giải pháp hỗ trợ kịp thời khi cần. Người lớn làm gương để cho các em soi vào và học tập những thói quen tốt mới mong xã hội có những mầm xanh tốt”, cô Huyền khẳng định.

hinh-thanh-thoi-quen-noi-khong-voi-thuoc-la-2.jpg
Hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá được tổ chức thường xuyên tại Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: TG

Ngăn chặn từ xa, từ sớm

Từ thực tế và nắm bắt thông tin qua các phương tiện truyền thông, cô Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, tình trạng hút thuốc lá/thuốc lá điện tử là thói quen rất nguy hiểm và đang tìm cách len lỏi vào các nhà trường. Nếu không được tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ thì học sinh nhất là lứa tuổi trung học dễ bị sa đà vào khói thuốc, học hành sa sút, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Sở GD&ĐT Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, phòng GD&ĐT, Công an huyện, Huyện Đoàn, Hội Chữ thập đỏ, Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ huynh và học sinh trong toàn huyện về tác hại của thuốc lá cũng như thuốc lá điện tử. Mục tiêu nhằm trang bị cho các em kiến thức cơ bản, kỹ năng từ chối lời mời sử dụng thuốc lá.

Nhiều năm nay, Trường THCS Thanh Xuân thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh “Nói không với ma túy, thuốc lá, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện” qua các buổi sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, hằng tháng, các chuyên đề. Việc này giúp các em có nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử để tự tránh xa. Ngoài ra, trường còn lắp camera an ninh ở hành lang, cầu thang, sân trường, nhà thể chất nhằm theo dõi, kịp thời phát hiện và nhắc nhở nếu có hiện tượng học sinh sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử.

“Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã Thanh Xuân và cán bộ an ninh thôn cũng thường xuyên phối hợp với nhà trường kiểm tra đột xuất một số lớp trong trường xem có em nào mang hung khí hoặc thuốc lá đến trường hay không. Nếu có sẽ lập biên bản báo cho các thầy cô chủ nhiệm, nhà trường và thôn xóm giáo dục các em”, cô Tạ Thị Thanh Bình cho hay.

Tại Trường THCS Thiện Tân (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nhà trường thực hiện tuyên truyền, thuyết trình về phòng chống tác hại thuốc lá trong giờ Chào cờ đầu tuần. Nhiều pano, áp phích được treo trước cổng trường, trong sân trường; biển báo cấm hút thuốc lá xuất hiện trong lớp học, nhà vệ sinh để nhắc nhở người học, thầy cô về tác hại và cách phòng chống.

Chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Thảo: Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nhà trường còn cử học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật về mô hình sản phẩm phát hiện ra khói thuốc lá và phát ra cảnh báo; diễn kịch trong các buổi hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh về tác hại của thuốc lá…

“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với gia đình để giám sát học sinh tại nơi cư trú; tổ chức cho các em ký cam kết không hút thuốc lá. Trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ người khác. Cha mẹ học sinh thì thường xuyên quan tâm, quản lý chặt trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ về thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ bạn bè. Ngăn chặn không để các em tập hút thuốc lá tại gia đình, cũng như ở trường”, cô Trần Thị Thanh Thảo chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.