Phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học:

Cần đánh giá toàn diện để kiến nghị sửa đổi luật

GD&TĐ - Thời gian qua, Bộ GD&ĐT có nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá/thuốc lá điện tử trong học đường.

Học sinh Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) đặt câu hỏi với chuyên gia về thuốc lá điện tử. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) đặt câu hỏi với chuyên gia về thuốc lá điện tử. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, trước sự đa dạng của thuốc lá kiểu mới, ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần có đánh giá toàn diện về tác hại, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Nhận diện tác hại

- Ông đánh giá ra sao về thực trạng thanh thiếu niên, học sinh sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong những năm qua?

Số học sinh sử dụng TLĐT, TLNN tăng mạnh từ 2,6% vào năm 2019 đến 8% vào năm 2023. Điều này cho thấy thị hiếu của giới trẻ cũng như sự cuốn hút về hương vị, màu sắc, tính thời thượng của các sản phẩm thuốc lá mới đối với học sinh, sinh viên. Nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt sẽ gây hệ lụy lâu dài.

- Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới xây dựng Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe của học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019; phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá mới trong học sinh, tập trung vào nhóm 13 - 17 tuổi vào năm 2021, 2023.

Số liệu khảo sát năm 2019 cho thấy: Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN) là 2,6%. Tỷ lệ học sinh đang sử dụng thuốc lá điếu là 2,76% - giảm so với số liệu khảo sát năm 2014 là 4,67%.

Số liệu khảo sát năm 2021: Tỷ lệ học sinh sử dụng TLĐT, TLNN là 3,5% (trong đó học sinh nam: 4,3%; học sinh nữ 2,8%). Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điếu khoảng 1,9%.

Số liệu khảo sát năm 2023 (khảo sát tại 11 tỉnh, thành, đang rà soát hoàn thiện báo cáo): Tỷ lệ học sinh sử dụng TLĐT, TLNN là 8,0% (trong đó học sinh nữ là 4,3%). Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điếu khoảng 1,9%.

Số liệu nêu trên cho thấy, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điếu truyền thống có giảm (khoảng gần 50% trong 5 năm). Tuy nhiên, tình trạng học sinh sử dụng TLĐT, TLNN tăng mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2021 - 2023.

Bên cạnh đó, một số vụ học sinh bị ngộ độc TLĐT hoặc sử dụng TLĐT có pha trộn chất ma túy đã xảy ra trong trường học tại một số địa phương cho thấy tính chất nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá mới đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người học, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đảm bảo an toàn trường học và an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Số học sinh, sinh viên chuyển từ sử dụng thuốc lá truyền thống sang TLĐT, TLNN có xu hướng gia tăng. Điều này thể hiện ở số liệu khảo sát năm 2014, số học sinh sử dụng thuốc lá điếu khoảng 4,67%, đến năm 2019 giảm còn 2,67% và đến năm 2023 giảm còn 1,9%.

- Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại TLĐT, TLNN trong trường học được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về tác hại của TLĐT, TLNN để từ đó thay đổi hành vi, lối sống lành mạnh tránh xa các sản phẩm thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục. Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của TLĐT, TLNN bằng nhiều việc làm cụ thể.

Trong đó, Bộ đã ban hành Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông (Quyết định số 1751/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2022) và chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Tổ chức tập huấn công tác truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán (tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc năm 2022) và tổ chức một số buổi truyền thông trực tiếp, ghi hình làm mẫu để các cơ sở giáo dục tham khảo. Năm 2022 đã tổ chức tại 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Cần Thơ trực tiếp đến gần 7.000 học sinh; năm 2023 tổ chức tại Bắc Giang, Nghệ An trực tiếp đến hơn 2.000 học sinh.

Tuyên truyền qua mạng xã hội: Phối hợp với Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về tác hại của TLĐT, TLNN; Cuộc thi được phát động trên fanpage: Học sinh, sinh viên Việt Nam (tổng số 41 bài truyền thông). Tham gia cuộc thi có hơn 600 bài viết, hơn 600 tranh vẽ và gần 30 video clip ngắn từ các cơ sở giáo dục trên toàn quốc gửi tới dự thi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về tăng cường tuyên truyền tác hại của TLĐT, TLNN, các sở GD&ĐT đã có hướng dẫn, chỉ đạo trường THCS, THPT tổ chức nhiều buổi truyền thông trực tiếp cho học sinh theo tài liệu truyền thông của Bộ GD&ĐT ban hành.

can-danh-gia-toan-dien-de-kien-nghi-sua-doi-luat-2.jpg
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT). Ảnh: TG

Xây dựng nội dung lồng ghép phù hợp

- Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong giáo dục ý thức cho người học. Việc xây dựng nội dung về phòng chống tác hại của TLĐT, TLNN lồng ghép vào chương trình giáo dục được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2020). Trong đó nội dung giáo dục về phòng chống tác hại thuốc lá được tích hợp, lồng ghép trong một số môn học, hoạt động giáo dục.

Cụ thể, môn Tự nhiên - Xã hội đối với cấp tiểu học; môn Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đối với cấp THCS; môn Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đối với cấp THPT.

Để giúp giáo viên tổ chức dạy học hiệu quả nội dung lồng ghép phòng chống tác hại của TLĐT, TLNN, Bộ GD&ĐT đã ban hành Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá, TLĐT, TLNN trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS (Quyết định số 3974/QĐ-BGDĐT ngày 1/12/2022).

Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá, TLĐT, TLNN trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT (Quyết định số 3900/QĐ-BGDĐT ngày 17/11/2023). Đồng thời tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về nội dung giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá, TLĐT, TLNN.

can-danh-gia-toan-dien-de-kien-nghi-sua-doi-luat-1.jpg
Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn về phòng chống tác hại thuốc lá tại nhiều tỉnh thành. Ảnh: Vụ GDTC

- Ông đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng khác trong việc phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng trường học không thuốc lá?

- Bộ GD&ĐT chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về một số biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản có liên quan thông qua Hướng dẫn thực hiện công tác Giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học theo từng năm học.

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/1/2024 về việc “Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên”.

Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020). Trong đó quy định cụ thể về việc nghiêm cấm học sinh mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác theo đúng quy định của Luật và trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục, quản lý học sinh.

Ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/10/2023 hướng dẫn xây dựng Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên; trong đó có các tiêu chí cụ thể về môi trường trường học không thuốc lá.

Hiện, 100% trường THCS, THPT có cam kết của học sinh và gia đình về việc thực hiện nội quy của trường, trong đó có quy định liên quan đến phòng chống tác hại của thuốc lá, TLĐT, TLNN. Có biện pháp phối hợp xử lý các trường hợp học sinh sử dụng, mua bán các sản phẩm TLĐT, TLNN trong khuôn viên nhà trường theo quy định của pháp luật.

Nhà trường với chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo an toàn trường học trên địa bàn, trong đó có nội dung phối hợp thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, TLĐT, TLNN. Quy định các hàng quán ký cam kết với chính quyền về việc không kinh doanh các sản phẩm thuốc lá theo quy định của pháp luật.

Nhà trường và các trung tâm y tế tại địa phương có hợp đồng phối hợp hằng năm học nhằm đảm bảo công tác y tế học đường, nâng cao sức khỏe học sinh, phòng tránh bệnh tật… trong đó có nội dung phối hợp thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, TLĐT, TLNN.

can-danh-gia-toan-dien-de-kien-nghi-sua-doi-luat-3.jpg
Hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá được tổ chức bởi Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) tại Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) tháng 10/2024. Ảnh: TG - Vụ GDTC

Từng bước tháo gỡ khó khăn

- Dù có nhiều cố gắng trong công tác giáo dục, tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá nhưng việc thực hiện còn những khó khăn, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

- Về khách quan, học sinh, sinh viên tiếp cận các sản phẩm thuốc lá mới khá dễ dàng, giá rẻ. Tình trạng mua bán thuốc lá phổ biến xung quanh khu vực cổng trường học gây ảnh hưởng đến việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại các trường học. Đặc biệt, các sản phẩm thuốc lá mới được quảng bá, tiếp thị, mua bán tràn lan qua mạng Intenet nên khó quản lý.

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn thiếu nội dung về quản lý TLĐT, TLNN dẫn đến khó khăn cho việc giám sát, xử lý vi phạm. Thiếu nhân lực có chuyên môn sâu về lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá và kinh phí để tổ chức các truyền thông và kiểm tra, giám sát về TLĐT, TLNN trong các cơ sở giáo dục cũng là những rào cản không nhỏ trong công tác này.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tác hại của TLĐT, TLNN ở một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc kiểm tra, giám sát học sinh sử dụng TLĐT, TLNN trong nhà trường đặc biệt ở ngoài nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả. Một số cơ sở giáo dục chưa triển khai phối hợp với chính quyền địa phương trong việc cam kết không bán thuốc lá cho học sinh với các hộ kinh doanh, hàng quán gần cổng trường.

- Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?

- Trước hết cần đẩy mạnh triển khai xây dựng Trường học an toàn theo Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và các tiêu chí Trường học không thuốc lá gắn với trách nhiệm của mỗi cơ sở giáo dục và cá nhân liên quan. Các trường học cần tiếp tục tăng cường và đổi mới hình thức truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới đối với học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; hoàn thiện và số hóa các tài liệu truyền thông, hướng dẫn giảng dạy về phòng chống tác hại thuốc lá, chú trọng nội dung phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới để triển khai trong các trường học trên toàn quốc.

- Xin cảm ơn ông!

Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần có đánh giá toàn diện về tác hại của TLĐT, TLNN từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; kiên quyết không cho phép nhập khẩu, lưu hành thuốc lá điện tử trên thị trường Việt Nam. Quy định, hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương về quy định cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học; có chế tài xử phạt và trách nhiệm xử lý của các đơn vị có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.