Hình thành đạo đức từ quy tắc gia đình: Những bài học làm nên nhân cách

GD&TĐ - Một trong những cách giáo dục trẻ hiệu quả nhất là đặt ra quy tắc trong gia đình. Phụ huynh cần xác định, mấu chốt trong giáo dục trẻ là đạo đức.

Trẻ cần biết mời cơm mọi người trước khi ăn. Ảnh minh họa.
Trẻ cần biết mời cơm mọi người trước khi ăn. Ảnh minh họa.

Không thể phủ nhận, việc đặt ra các quy tắc trong gia đình là vô cùng quan trọng. Song, một số phụ huynh “nhầm lẫn” giữa việc thiết lập quy tắc với áp đặt con. Do đó, phụ huynh cần nói cho con hiểu lý do cha mẹ đặt ra những giới hạn. Đồng thời, trẻ cũng cần biết vì sao cha mẹ mong đợi điều gì đó ở con.

Ý nghĩa đằng sau quy tắc

Gia đình nào cũng có những quy tắc nhất định trong ứng xử giữa con với cha mẹ, giữa các con với nhau. Khi đã có những quy định rõ ràng, hợp lý, mọi vấn đề trong gia đình sẽ được giải quyết đơn giản hơn.

Khi vi phạm một quy tắc nào đó, trẻ sẽ biết rõ mình đã làm sai và phải nhận hậu quả. Như vậy, trẻ sẽ cân nhắc trước khi vứt đồ chơi lung tung, hoặc mè nheo không muốn đi học. Nếu trẻ thực hiện quy định hằng ngày, dần dần, những hành động đó sẽ trở thành thói quen.

Theo các chuyên gia, quy tắc trong gia đình giúp trẻ phân biệt được hành vi nào nên và không nên. Từ đó, biết cách cư xử đúng mực với mọi người. Đồng thời, những quy tắc cũng giúp người lớn trở nên kiên định hơn trong cách đối xử với trẻ. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ hòa thuận và gần gũi, tinh thần của mọi người cũng tích cực hơn.

TS Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục tiểu học - chia sẻ, một trong những phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả và giúp hình thành tư cách đạo đức là các quy tắc gia đình. Nữ chuyên gia nhấn mạnh, nếu học giỏi nhưng vô trách nhiệm, trẻ sẽ gặp nhiều bất trắc khi vào đời. Ngược lại, nếu không thông minh nhưng có trách nhiệm trong học tập, sớm muộn, trẻ cũng nhận được kết quả cao. Vì vậy, có thể nói, mấu chốt trong giáo dục trẻ chính là đạo đức.

Nguyên tắc đầu tiên các phụ huynh cần dạy con là mời cơm. Bởi, theo TS Hương, khi vào mâm, trẻ thường ăn “nhiệt tình”, đặc biệt là với món yêu thích. Khi có quy tắc, trẻ sẽ phải ngừng lại một chút, điểm mặt các thành viên có tham gia ăn bữa đó bằng cách mời cơm. Nhờ vậy, trẻ sẽ biết nghĩ đến tất cả mọi thành viên trước một món ăn ngon. Từ đó, giúp trẻ biết nhìn và nghĩ đến người khác.

Ngoài ra, quy tắc chờ người lớn tuổi nhất ăn trước cũng vô cùng quan trọng. Trẻ thường có xu hướng háu ăn. Song, việc phải chờ đợi này sẽ khiến trẻ nghĩ đến người lớn.

Việc đặt ra quy tắc gia đình là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa.

Việc đặt ra quy tắc gia đình là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa.

“Rõ ràng trẻ sẽ biết cách chia sẻ và nghĩ đến người khác hơn”, TS Vũ Thu Hương cho biết.

Không chỉ thế, cha mẹ cũng cần đặt ra quy tắc phần cơm trước khi ăn. TS Hương nhận định, không có cách giáo dục sự sẻ chia nào tốt hơn. Quy tắc này sẽ khiến các thành viên trong gia đình biết phần cơm người về muộn. Không chỉ ứng xử trên mâm cơm, cha mẹ cũng cần đặt ra các quy tắc khác.

Đặc biệt, trẻ sẽ không được chạm vào đồ dùng của cha mẹ. TS Hương nhấn mạnh, một số cha mẹ cho rằng, để con thoải mái dùng đồ của mình là một cách thể hiện tình yêu. Tuy nhiên, thực tế không đúng như vậy.

“Trẻ được dùng đồ của người nhà một cách vô tư sẽ thành thói quen và nghĩ đồ của ai cùng dùng được”, chuyên gia giải thích.

Khi đó, việc cho con dùng đồ vô tư, không hỏi, xin phép chính là cha mẹ đang tạo thói quen xấu cho con. Ngoài ra, trẻ cũng cần biết không đi qua trước mặt người khác, không la hét, nói to, hay giậm chân. Bởi, hành vi này sẽ làm phiền các thành viên trong gia đình. Khi hiểu rõ quy tắc này, trẻ sẽ không làm phiền ai và trở nên tế nhị hơn trong giao tiếp, ứng xử.

TS Hương đồng thời cho biết, việc cha mẹ dạy con tự dọn đồ cá nhân là giúp trẻ học chăm sóc bản thân. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ học được cách quản lý và xây dựng kế hoạch sử dụng đồ dùng. Trẻ sẽ hiểu rằng, việc dọn sạch mọi lúc mọi nơi sẽ kéo dài được tuổi thọ của đồ dùng, cũng như tiết kiệm thời gian và xây dựng kế hoạch cuộc sống tốt nhất.

Chuyên gia này chia sẻ, phụ huynh cần đặt ra quy tắc không ở lâu trong phòng vệ sinh.

“Hiện tượng các bạn tắm, đánh răng, đi vệ sinh rất lâu không hề hiếm. Có bạn còn mang sách truyện vào đọc hoặc điện thoại để chơi. Các gia đình giờ cũng có nhiều nhà vệ sinh nên không thấy bất tiện. Tuy nhiên, rõ ràng, đây là hành vi ích kỉ, ít quan tâm đến người khác. Vì thế, dù gia đình có điều kiện, các cha mẹ cũng không nên để con “cố thủ” trong nhà vệ sinh quá lâu”, TS Hương khuyến cáo.

Trong khi đó, quy tắc tắt đèn và điều hòa hoặc quạt khi ra khỏi phòng sẽ dạy trẻ biết sống tiết kiệm và phòng tránh cháy nổ. Trẻ cũng cần tuân thủ quy tắc tự làm mọi việc đến cùng, không cần nhắc nhở. Bởi, việc yêu cầu con tự làm đến cùng chính là cha mẹ đang dạy trẻ sống cũng như làm việc trách nhiệm.

TS Hương cho rằng, cha mẹ không nên bỏ qua kỹ năng nhường đường cho người khác và xếp hàng. Nếu không nhường đường, chen lấn xô đẩy, trẻ sẽ quen với nếp sống vội vàng, thiếu kiên nhẫn và tập trung.

Bên cạnh đó, việc để con biết chịu trách nhiệm trước việc làm của mình cũng là nguyên tắc vô cùng quan trọng. Nhờ đó, con sẽ mở rộng tầm nhìn, biết lường trước hậu quả và có cuộc sống an toàn, thành công hơn.

Các quy tắc giúp trẻ biết chia sẻ và có trách nhiệm hơn. Ảnh minh họa.

Các quy tắc giúp trẻ biết chia sẻ và có trách nhiệm hơn. Ảnh minh họa.

Thiết lập giới hạn phù hợp

Không thể phủ nhận, việc đặt ra các quy tắc trong gia đình là vô cùng quan trọng. Song, một số phụ huynh “nhầm lẫn” giữa việc thiết lập quy tắc với áp đặt con.

Chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh nhấn mạnh, sai lầm của nhiều cha mẹ là đặt ra quá nhiều giới hạn và luật lệ để áp đặt con. Bà Phan Linh dẫn chứng, một nghiên cứu từ Trường College London (Anh) cho thấy, những người có cha mẹ luôn thể hiện sự ấm áp, yêu thương và trách nhiệm có mức độ thỏa mãn cuộc sống cao hơn và tinh thần tốt hơn trong suốt tuổi trưởng thành.

Ngược lại, sự kiểm soát tâm lý có liên quan đáng kể tới sự hài lòng trong cuộc sống cũng như tâm lý và tinh thần. Ví dụ, việc kiểm soát tâm lý bao gồm việc không cho trẻ đưa ra quyền quyết định, xâm phạm sự riêng tư và khuyến khích việc con phụ thuộc.

“Kiểm soát hành vi bao gồm những việc như thiết lập ra những lệnh giới nghiêm, các quy định, ép làm việc vặt hoặc phải hoàn thành bài tập về nhà… Nó cũng liên quan tới việc không để trẻ đưa ra và thực hiện các quyết định của mình, không cho phép con có sự riêng tư hoặc để con có cảm giác phụ thuộc vào cha mẹ…”, nữ chuyên gia phân tích.

Trong khi đó, đối với những người tham gia nghiên cứu, kiểm soát hành vi là khi cha mẹ không cho họ tự do như mong muốn, không được ra ngoài thường xuyên... Chuyên gia Phan Linh cho biết, các cha mẹ đặt ra những giới hạn trên là cho hành vi, thay vì cảm xúc. Những người tham gia nghiên cứu cho rằng, kiểm soát hành vi là khi cha mẹ cố gắng kiểm soát tất cả mọi thứ mà con làm.

“Kiểm soát hành vi liên quan tới mức độ cha mẹ áp chế hành vi của con trẻ theo nhu cầu của mình. Nghiêm khắc là một trong những hình thái của kiểm soát hành vi nếu như bạn không kiểm soát được giới hạn khi mình làm cha mẹ. Ép con phải phù hợp và đạt được những tiêu chuẩn hay mục đích cao – đặc biệt là khi khả năng của con bị giới hạn là một biểu hiện rất thường gặp của kiểm soát hành vi”, bà Phan Linh giải thích.

Trong khi đó, kiểm soát tâm lý là khi cha mẹ cố gắng kiềm chế cảm xúc hay áp đặt tín ngưỡng tôn giáo, niềm tin của trẻ. Ví dụ, cha mẹ thường khiến con cảm thấy tội lỗi hoặc sẽ không được yêu thương nếu không làm theo những gì phụ huynh muốn.

“Cốt lõi của việc kiểm soát tâm lý là nó tự tấn công bản thân đứa trẻ. Nếu một đứa trẻ chia sẻ cảm xúc một cách an toàn và không thực sự thoải mái với bố mẹ, chúng cũng sẽ có xu hướng che giấu cảm xúc hoặc không sống thật với cảm xúc sau này. Làm cha mẹ, đừng tự bó hẹp mình vào những quy định. Hãy tự thiết lập những giới hạn mà mình thấy phù hợp với con”, nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là phụ huynh cần nói cho con hiểu lý do cha mẹ đặt ra những giới hạn. Đồng thời, trẻ cũng cần biết lý do cha mẹ có những mong đợi ở con. Hãy cho phép con được nói chuyện, chia sẻ suy nghĩ của mình. Hãy lắng nghe ý kiến của con nhưng đừng cố gắng kiểm soát mọi ý kiến con đưa ra.

“Ngay cả khi có thể không đồng ý, bạn vẫn cần tôn trọng con và chỉ cho trẻ thấy sự khác biệt nếu cần. Thể hiện mình tôn trọng con là một cách tuyệt vời để cho trẻ thấy bố mẹ đang quan tâm và chăm sóc tới mình”, bà Phan Linh nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ