Biến “ăn vạ” thành cơ hội giáo dục trẻ

GD&TĐ - Việc trẻ ăn vạ có thể gây khó chịu cho bất kỳ cha mẹ nào. Tuy nhiên, thay vì coi là thảm họa, phụ huynh cần coi đó là cơ hội để giáo dục trẻ.

Cha mẹ nên phớt lờ khi trẻ ăn vạ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ nên phớt lờ khi trẻ ăn vạ. Ảnh minh họa.

Tại sao trẻ ăn vạ?

Theo Tiến sĩ Lauren M.O"Donnell - nhà tâm lý học ở Wilmington (Mỹ), những lần ăn vạ của trẻ bao gồm từ than vãn, khóc lóc đến la hét, đá, đánh và nín thở. Tình trạng này phổ biến ở cả trẻ em trai và gái từ 1 - 3 tuổi.

Một số trẻ có thể thường xuyên nổi cơn tam bành. Trong khi số còn lại hiếm khi xảy ra. Đây là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Đó là cách trẻ nhỏ thể hiện rằng, chúng đang khó chịu hoặc thất vọng.

Cơn ăn vạ có thể xảy ra khi trẻ mệt, đói hoặc khó chịu. Chúng có thể gặp khó khăn vì không thể lấy được thứ gì đó (như đồ chơi) và làm những điều mình muốn. Học cách đối phó với sự thất vọng là một kỹ năng mà trẻ có được theo thời gian.

“Cơn giận dữ thường xảy ra trong năm thứ hai của cuộc đời, khi các kỹ năng ngôn ngữ bắt đầu phát triển. Bởi vì trẻ mới biết đi chưa thể nói những gì chúng muốn, hoặc một trải nghiệm khó chịu có thể gây ra cơn giận dữ. Khi kỹ năng ngôn ngữ được cải thiện, tình trạng ăn vạ có xu hướng giảm”, Tiến sĩ Lauren M. O"Donnell lý giải.

Ngăn chặn cơn ăn vạ

Tiến sĩ O"Donnell gợi ý, cha mẹ hãy dành nhiều sự quan tâm tích cực tới con. Khen thưởng trẻ khi con có hành vi tích cực. Ngoài ra, phụ huynh hãy để con có quyền kiểm soát một số việc nhỏ. Cha mẹ có thể hỏi những câu như: “Con muốn uống nước cam hay nước táo?” hoặc “Con muốn đánh răng trước hay sau khi tắm?”.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác là để các đồ vật mà trẻ không được sử dụng ở ngoài tầm nhìn và xa tầm với. Điều này giúp hạn chế cuộc cãi vã. Trong trường hợp trẻ ăn vạ, phụ huynh hãy làm con sao nhãng.

“Tận dụng khoảng thời gian chú ý ngắn ngủi của con bằng cách đưa ra món đồ thay cho thứ trẻ không thể có. Hoặc đơn giản là thay đổi môi trường”, chuyên gia chia sẻ.

Phụ huynh cũng có thể giúp trẻ học các kỹ năng mới. Cha mẹ có thể bắt đầu với những hành động đơn giản trước khi chuyển sang nhiệm vụ khó.

“Xem xét yêu cầu của con một cách cẩn thận khi trẻ muốn gì đó. Hãy biết giới hạn của con. Nếu hiểu rằng, con đang mệt mỏi, đó không phải là thời điểm phù hợp để trẻ đi siêu thị hoặc làm việc vặt”, bà O"Donnell nhấn mạnh.

Cách phản ứng của cha mẹ

Chuyên gia này cho rằng, phụ huynh cần giữ bình tĩnh khi phản ứng với tình trạng ăn vạ ở trẻ. Nhắc nhở bản thân rằng, mình cần giữ bình tĩnh để noi gương cho con.

“Những cơn ăn vạ nên được xử lý theo cách khác nhau, tùy thuộc vào lý do khiến con khó chịu. Đôi khi, phụ huynh cần mang lại sự thoải mái. Nếu con mệt hoặc đói, đó là thời gian để ngủ trưa hay ăn nhẹ. Những lần khác, tốt nhất phụ huynh nên phớt lờ hoặc đánh lạc hướng con bằng một hoạt động mới”, bà O"Donnell cho biết.

Nếu việc ăn vạ nhằm thu hút sự chú ý từ cha mẹ, một trong những cách tốt nhất để giảm bớt hành vi này là phớt lờ nó. Nếu trẻ ăn vạ sau khi bị từ chối điều gì đó, cha mẹ hãy bình tĩnh và đừng đưa ra nhiều lời giải thích. Thay vào đó, hãy chuyển sang hoạt động khác.

Nếu trẻ giận dữ khi được yêu cầu làm điều gì đó chúng không muốn, tốt nhất là phụ huynh nên bỏ qua sự bực tức đó. Tuy nhiên, hãy để trẻ hoàn thành nhiệm vụ sau khi bình tĩnh.

“Trẻ em có nguy cơ làm tổn thương bản thân hoặc người khác khi giận dữ. Lúc đó, trẻ nên được đưa đến một nơi yên tĩnh”, chuyên gia gợi ý.

Thay vì đặt ra thời gian cụ thể, phụ huynh có thể yêu cầu con ở trong phòng đến khi kiểm soát được cơn giận. Hành động này là sự trao quyền cho trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ tiếp tục giận dữ và có hành vi tiêu cực, hãy đặt ra giới hạn về thời gian. Phụ huynh cần lưu ý, không nên nhượng bộ khi trẻ ăn vạ. Bởi, điều này sẽ chỉ chứng minh cho trẻ thấy, việc ăn vạ mang lại hiệu quả.

Làm gì sau cơn giận dữ?

Theo bà O"Donnell, sau khi trẻ đã bình tĩnh, phụ huynh hãy khen ngợi con vì điều đó.

“Trẻ em có thể đặc biệt dễ bị tổn thương sau một cơn giận dữ. Khi con đã bình tĩnh cũng là lúc cha mẹ cần cho trẻ một cái ôm và trấn an rằng, bé luôn được yêu thương dù có chuyện gì”, chuyên gia gợi ý.

Bên cạnh đó, hãy bảo đảm rằng, con sẽ ngủ đủ giấc. Nếu ngủ quá ít, trẻ có thể trở nên quá khích, bất đồng và có hành vi cực đoan. Ngủ đủ giấc có thể làm giảm đáng kể cơn giận dữ. Do đó, phụ huynh cần tìm hiểu xem độ tuổi của con cần ngủ bao nhiêu là đủ. Hầu hết nhu cầu ngủ của trẻ em nằm trong một phạm vi giờ nhất định dựa trên độ tuổi. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có nhu cầu ngủ riêng.

Theo bà O"Donnell, các phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ nếu thường xuyên cảm thấy tức giận hoặc mất kiểm soát khi trẻ ăn vạ. Hoặc, cha mẹ liên tục nhượng bộ.

Ngoài ra, cần gặp bác sĩ nếu những cơn ăn vạ gây nhiều cảm xúc không tốt giữa cha mẹ và trẻ, hoặc con thường xuyên ăn vạ và kéo dài tình trạng đó. Đặc biệt, khi trẻ thường làm tổn thương bản thân hoặc người khác cũng là lúc cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kiểm tra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào có thể làm tăng thêm cơn giận dữ, mặc dù điều này không phổ biến. Đôi khi, các vấn đề về thính giác hoặc thị lực, bệnh mãn tính, chậm phát triển ngôn ngữ hoặc khuyết tật học tập có thể khiến trẻ dễ nổi cáu và ăn vạ.

“Hãy nhớ, những cơn ăn vạ thường không quá gây lo lắng và sẽ tự chấm dứt. Khi trưởng thành, trẻ sẽ tự chủ. Họ học cách hợp tác, giao tiếp và đối phó với sự thất vọng. Ít bực bội và có thể kiểm soát hơn cũng có nghĩa là bớt giận dữ. Và, điều đó khiến cha mẹ hạnh phúc hơn”, tiến sĩ O"Donnell chia sẻ.

Theo Kids health

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.