Hầu như ngày nào cũng có khoảng 2-3 bạn bị cô phạt bằng cách đánh vào mu bàn tay, có bạn còn bị đánh đến thâm tím. Quyền uy của cây thước ám ảnh đến nỗi, năm đó có mấy bạn nghỉ ngang lớp 1. Bạn thân của tôi cạnh nhà, sau mấy ngày bị mẹ kéo lê đến lớp cũng nghỉ. Bởi vậy mà nay tôi có đến mấy bạn thuở nhỏ bằng tuổi nhưng học kém mình một lớp.
Cách đây vài tháng, tôi được ngồi trò chuyện khá lâu với chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên và được nghe kể về một lý do sâu xa từ giáo viên cấp 2 bình thường, chị trở thành chuyên gia giáo dục, truyền cảm hứng cho hàng nghìn nhà giáo. Khi chia sẻ câu chuyện này, chị đã không kìm được cảm xúc và khóc trước một người xa lạ lần đầu gặp mặt như tôi.
Ngày bé, chị có cậu con trai rất hiếu động, đến mức gần như tháng nào cháu cũng gây ra sự cố nào đó với bản thân và phải vào viện. Sau này con kể, khi học mẫu giáo đều bị cô bắt cởi quần ngồi yên trên một cái bô, vừa để tránh trẻ đi vệ sinh ra lớp, vừa không thể chạy nhảy, nghịch ngợm. Chiếc bô làm thay chức năng của ghế ngồi gần như suốt thời gian học ở lớp, bị ức chế nên về nhà con mới nghịch phá như vậy.
Khi vào lớp 1, cô giáo cho rằng con bị tự kỷ. Cháu rất sợ cô giáo, cách ứng xử của cô tạo bức tường vô hình ngăn cách nên mọi thứ cô giảng đều trượt khỏi đầu. Cũng năm ấy, chị choáng váng khi phát hiện một bức vẽ của con với hình ảnh 3 đứa trẻ: 2 đứa rất dễ thương ngồi đọc sách, chơi xích đu; đứa còn lại thắt cổ dưới gốc cây. Chị cho biết, chị đã chật vật, đau khổ đi theo con trong suốt tuổi thơ như vậy. Để rồi từ đó, chị khao khát làm được điều gì đó để những đứa trẻ được hạnh phúc, được sống đúng với tuổi thơ của mình.
Chọn kể 2 câu chuyện trên không phải nhằm đưa ra một gam màu xám. Bởi thực tế có nhiều vô cùng những giáo viên tốt, một số được lên báo chí, nhưng phần lớn là lặng thầm làm mà chưa từng được nói đến ở bất cứ phương tiện truyền thông nào. Bản thân tôi suốt quãng đời học trò, ngoài cô giáo kể trên, tất cả thầy cô đều để lại những điều tốt đẹp. Nhưng, tôi muốn nói rằng, những sự việc như vậy thời nào cũng có.
Mới đây, câu chuyện giáo viên bắt học sinh quỳ rồi bị phụ huynh “trả đũa” bắt quỳ lại; chuyện cô giáo phạthọc sinh bằng cách uống nước vắt từ giẻ lau bảng… làm dư luận dậy sóng. Ngày xưa, nếu xảy ra những sự việc như vậy, có lẽ phụ huynh và cả học sinh ứng xử rất khác; vì khi ấy với quan điểm “yêu cho roi, cho vọt”, những hình phạt đó sẽ được diễn giải là bởi giáo viên muốn giáo dục, dạy dỗ, muốn tốt cho con em mình. Nhưng ngày nay, thay đổi nhận thức khiến xã hội không chấp nhận những chuyện như vậy nữa. Có sự việc bị đẩy lên quá cao, đi quá xa bởi sức mạnh của truyền thông, khiến nhiều người lo lắng đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra trong trường học?
Không ít giáo viên hiện nay chới với trước đòi hỏi, yêu cầu mới mẻ và ngày càng cao của xã hội, trong khi phải đối mặt với áp lực cuộc sống, mưu sinh… Có giảng viên đại học nói đến người thầy quyền lực, quyền uy; nhưng chính hiệu trưởng một trường phổ thông lại thốt lên rằng: Xã hội bây giờ đảo lộn. Cha sợ con, người lớn sợ trẻ ranh, người lương thiện ngại kẻ lưu manh,… Chưa bao giờ giáo viên khổ như bây giờ!
Nhưng có lẽ, việc cần làm bây giờ không phải là thở than hay đổ lỗi. Chúng ta đã nói nhiều đến kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt. Như chia sẻ của nhiều chuyên gia, giáo viên nên khuyến khích hành vi tốt thay vì phạt học sinh mắc lỗi. Một em nói chuyện trong lớp, thay vì nhắc nhở, ghi sổ đầu bài, giáo viên sẽ khen bạn bên cạnh vì đã giữ trật tự; từ đó gián tiếp nhắc nhở nói chuyện là hành vi không được mong đợi.
TS Tâm lý học Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) khi trả lời câu hỏi của tôi: Có nên dùng hình phạt trong nhà trường, đã cho rằng: Trong các chương trình huấn luyện về hành vi quản lý lớp học tích cực, phạt bao giờ cũng là phần cuối cùng. Trước đây, việc sử dụng hình phạt thường dựa trên cách nghĩ: nếu đứa trẻ không sợ, không xấu hổ thì sẽ tái phạm; có cảm thấy đau đớn, mất mát, trẻ mới có thể rút kinh nghiệm sâu sắc… Cần có cách ứng xử nhân văn hơn, ví dụ, khi mắc lỗi, các em sẽ mất một cơ hội được làm việc mình thích, hoặc không được tham gia những hoạt động mà mình có khả năng thể hiện…
Nhưng để những kĩ năng ấy “thấm” vào từng giáo viên, thầy cô phải cần được hỗ trợ, giúp đỡ, mà trước hết là phải được đào tạo bài bản ngay từ trường sư phạm, được “nhúng” nhiều vào môi trường phổ thông ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên nhắc nhiều đến việc khuyến khích giáo viên sử dụng các ngôn ngữ tích cực.
Ví dụ, thay bằng “cấm nói chuyện riêng”, giáo viên có thể sử dụng “Nếu giữ trật tự, các con sẽ được cộng điểm thi đua”… Cô cũng bày tỏ không đồng tình với cách xử dụng hình phạt một cách cảm tính và cho rằng, có thể xử phạt, nhưng phải dựa trên một bộ tiêu chí, nội quy thuyết phục, công bằng và nhân văn. Kỷ luật lành mạnh và công bằng giúp trẻ trưởng thành cả về cảm xúc và nhận thức.
Hiện ngành Giáo dục cũng đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học để có thể áp dụng từ năm học 2018-2019 với yêu cầu khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh… Nhiều giáo viên hy vọng bộ quy tắc này giúp họ tự tin hơn, những quy định cụ thể và rõ ràng sẽ hạn chế những bột phát dẫn đến những sai lầm không đáng có.