Cơ hội vàng để rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục
Theo GS Nguyễn Đức Chính, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên thông tin đã giúp giáo dục Việt Nam có dịp đánh giá, nhìn nhận lại quá trình GD&ĐT trong các năm qua và xác định được mục tiêu giáo dục hiện nay là phát huy nguồn lực trí tuệ đỉnh cao có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Hơn thế, đây là thời cơ vàng để Việt Nam đón bắt và điều chỉnh chiến lược phát triển đất nước, trong đó, chú trọng đến chiến lược công nghiệp mới, tái cấu trúc các sản phẩm công nghiệp và đầu tư xứng tầm và có chiều sâu cho các đại học trọng điểm; rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa Việt Nam và các nước tiên tiến;
Đồng thời, áp dụng CNTT, giảm thời gian và chi phí cho việc di chuyển trong đào tạo; đổi mới nội dung và phương pháp dạy và học, tạo nguồn nhân lực mới – thế hệ công dân toàn cầu.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng giúp thay đổi cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ sự liên kết hợp tác thuận lợi giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp một môi trường thực hành cao giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp” - GS Nguyễn Đức Chính cho hay.
Những thách thức với giáo dục đại học
Bên cạnh những cơ hội, GS Nguyễn Đức Chính cũng cho rằng, với cuộc cách mạng 4.0, giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng, đứng trước những thách thức lớn.
Đó là các cơ sở việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như khoa học về vật liệu mới tiên tiến, công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, lưu trữ năng lượng gặp khó khăn do chưa đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.
GS Nguyễn Đức Chính cho rằng, Chương trình giáo dục phải thay đổi cách tiếp cận giáo dục để phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp cho người học; hỗ trợ sự liên kết hợp tác thuận lợi giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp một môi trường thực hành cao giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp.
Khẳng định các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới, theo GS Nguyễn Đức Chính, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.
“Việt Nam cần có chiến lược giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần thu hút, bồi dưỡng, đào tạo và gây dựng để Việt Nam có những nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Xã hội, Kinh tế và Khoa học sức khỏe…” - GS Nguyễn Đức Chính nêu quan điểm.
Nhận định các biện pháp kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục chưa bắt nhịp kịp quốc tế, theo các tiêu chuẩn quốc tế, GS Nguyễn Đức Chính cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa về chương trình, nội dung giảng dạy và quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt chú trọng khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên, phát triển và đem tri thức phục vụ cộng đồng một cách thiết thực và hiệu quả.
Cùng với đó, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên cần tạo điều kiện để giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gắn kết chặt chẽ với quá trình sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học danh tiếng ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Việc quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực ở cả giảng viên và sinh viên cũng vô cùng quan trọng” - GS Nguyễn Đức Chính chia sẻ thêm.