Hai bộ phim mới chuyển thể dựa theo tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình” và “Kính vạn hoa”.
Bắt đầu với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đến nay đã có 5 phim truyện được sản xuất từ nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh – một tên tuổi ăn khách của dòng văn học dành cho tuổi mới lớn.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Cô gái đến từ hôm qua” (2017), “Mắt biếc” (2019) đều đạt doanh thu cao, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất và nhà phát hành. Bên cạnh đó là nhiều giải thưởng điện ảnh cùng những dấu ấn khác. Một số diễn viên trẻ cũng được phát hiện từ đây.
Vì thế, có nhiều lý do để kỳ vọng vào 2 bộ phim tới, cũng như có nhiều lý do để nhà sản xuất lựa chọn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ở góc nhìn đơn giản nhất, đó là sự lựa chọn an toàn và có lãi.
Nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đến nay truyện của Nguyễn Nhật Ánh vẫn là thương hiệu best seller, thu hút các đối tượng độc giả. Những độc giả ở thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái cũng là đối tượng của các phim truyện điện ảnh.
Nhiều người trong số họ sẽ chờ đón ngày phim ra rạp, và hiệu ứng từ những “review” có tính chất truyền miệng, tính cộng đồng và tính gia đình như thế sẽ làm tăng độ hot cho tác phẩm.
Phim hay hơn hoặc không hay bằng truyện được bàn luận rôm rả. Phiên bản phim giống hay không giống với cốt truyện tạo sự tò mò, đòi người xem khám phá.
Từ sự lựa chọn này cũng cho thấy điện ảnh nước ta đang thiếu những kịch bản giàu tính văn học, có chiều sâu phát triển tâm lý và tính cách nhân vật. Thất bại của nhiều phim chiếu rạp gần đây là một minh chứng.
Tác phẩm Nguyễn Nhật Anh luôn nhẹ nhàng, giàu chất thơ, chất hoài niệm. Diễn biến truyện đơn giản, dễ theo dõi. Đây cũng là một trong những yếu tố thu hút khán giả đương đại vốn đang mệt mỏi trong vòng quay của công việc, của tốc độ sống gấp gáp. Vì thế, đến rạp để thư giãn cùng những câu chuyện ý nhị về tình bạn, tình yêu, sống lại tuổi học trò và tận hưởng khung cảnh thiên nhiên qua những góc quay đẹp là một ý tưởng không tồi.
Sự thành công của thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh từ truyện tới phim cho thấy tiềm năng phát triển, sự gắn bó giữa văn học và điện ảnh. Đây còn là câu chuyện của công nghiệp văn hóa, với sự vào cuộc của ngành du lịch, dịch vụ và các sản phẩm phái sinh khác.
Chúng ta không thiếu tác phẩm văn học có khả năng chuyển thể thành phim. Nhưng từng lựa chọn như thế nào, phù hợp với mục đích nghệ thuật hay thương mại? Đây là điều cũng cần phải tính đến, trong bối cảnh điện ảnh nước nhà đang phát triển bề rộng nhưng rất thiếu bề sâu.