Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý mầm non giai đoạn 2018 -2025” (Đề án 33) của Chính phủ đã tác động và tạo hiệu ứng tích cực đối với các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Xung quanh vấn đề này, TS Trịnh Thị Xim – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại.
- Đề án 33 của Chính phủ được Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tiếp nhận và triển khai Đề án này như thế nào – thưa TS?
- Khi nhận được nhiệm vụ từ Bộ GD&ĐT; trong đó có một số các nhiệm vụ liên quan đến chương trình đào tạo, viết tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổng thể cho tất cả các nhiệm vụ theo mục đích, yêu cầu của Đề án 33.
Sau khi có kế hoạch tổng thể, chúng tôi tiến hành thành lập các ban như: Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký và một số tiểu ban khác. Tất cả được thực hiện song song với các nhiệm vụ của nhà trường.
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương xác định, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên toàn tâm, toàn ý để thực hiện các công việc này. Sau khi có kế hoạch, chúng tôi “bắt tay” vào thực hiện theo nhiệm vụ của từng năm.
Tôi cho rằng, đây là Đề án thực sự nhân văn và có giá trị to lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý mầm non. Đề án ra đời rất đúng với thời điểm nhằm thúc đẩy chương trình giáo dục mầm non tiếp cận được với quốc tế. Làm thế nào để tất cả trẻ em, giáo viên, phụ huynh, toàn cộng đồng được hạnh phúc và yên tâm khi trẻ đến trường.
TS Trịnh Thị Xim - báo cáo viên tại Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán. |
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên chủ chốt. Vậy Trường có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ này?
- Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương có bề dày gần 60 năm đào tạo giáo viên mầm non. Chúng tôi có các nhóm nghiên cứu sâu, nhóm chuyên môn làm việc khá chuyên nghiệp. Trước đây, chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều cho cộng đồng và nhận nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT về công tác bồi dưỡng cho các địa phương.
Trong mạng lưới đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật những kiến thức mới. Khi có những đoàn công tác trong nước và quốc tế, chúng tôi sẵn sàng lên đường để tiếp cận những vấn đề mới. Đào tạo đội ngũ giảng viên phải qua lộ trình rất dài, có khi 15-20 năm, khi đó mới có đủ tất cả dữ liệu để thúc đẩy hoạt động này.
Ngoài ra, chúng tôi chú trọng chia sẻ qua các kênh thông tin, truyền thông và qua các diễn đàn khác nhau để có thể cập nhật thông tin một cách nhanh nhất. Khi làm việc với quốc tế, chúng tôi cũng theo hướng đó. Các chuyên gia quốc tế cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc cung cấp các thông tin, dữ liệu mới về đổi mới phương pháp giáo dục.
- Vậy đội ngũ giảng viên chủ chốt họ tiếp nhận Đề án 33 như thế nào?
- Họ rất vui và sẵn sàng đón nhận. Bởi mỗi lần tham gia vào tập huấn, bồi dưỡng, họ sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Mọi người sẵn sàng hỗ trợ nhau trong chuyên môn, xây dựng thành các cộng đồng học tập, mang lại những giá trị thiết thực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Mỗi người cảm thấy vui và hạnh phúc vì đã tìm được đích của mình đến. Chúng tôi trân trọng ở điều đó. Giáo viên mầm non rất cần những tài liệu để tự học, tự bồi dưỡng và họ sẽ chủ động thay đổi.
Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người học. |
- TS có nhắc đến từ khóa thay đổi. Vậy có sự so sánh nào trước và sau khi có Đề án 33?
- Thay đổi lớn nhất đó là năng lực của đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý ngày càng phát triển. Họ cũng có cái nhìn đa chiều hơn và sự tham gia của giảng viên đã rộng lớn hơn.
Giảng viên sẵn sàng tham gia viết tài liệu bồi dưỡng và những hoạt động chuyên môn khác. Họ chủ động trong công việc của mình và kết nối với giảng viên của các ngành khác, tạo thành cộng đồng học tập, bồi dưỡng và vòng tròn chia sẻ, kết nối có giá trị.
Chẳng hạn, khi xây dựng các mô-đun bồi dưỡng “xây dựng môi trường giáo dục giàu tính thẩm mỹ”. Đầu tiên các thầy các cô nghĩ đó là một tài liệu bình thường. Tuy nhiên, càng làm càng bị lôi cuốn và người này truyền cảm hứng cho người kia.
Trên tinh thần đó, ai nấy đều mong muốn chọn được những hình ảnh sắc nét để đưa vào tài liệu bồi dưỡng. Một số tác giả viết các mô-đun bồi dưỡng khác cũng nhiệt tình và tâm huyết như thế. Suy cho cùng, tất cả thay đổi đều vì người học.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận