Thuyền trưởng của “con tàu” đổi mới
Theo ThS Cao Thị Thúy Diễm - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện thành công CT - SGK mới phụ thuộc vào sự quản lý hiệu quả của hiệu trưởng. “Hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc tổ chức thực hiện dạy và học theo chương trình mới, đổi mới dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực HS, lấy HS làm trung tâm cho mọi hoạt động.
Trong chuẩn mới, hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với đơn vị mình quản lý. Đơn cử như hiệu trưởng vẫn giữ vai trò là người giáo viên, trực tiếp tham gia giảng dạy theo số tiết quy định. Điều này nhằm giúp hiệu trưởng nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của HS nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý” – bà Diễm phân tích.
Hầu hết các cán bộ quản lý giáo dục đều thừa nhận, thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện dạy và học theo CT – SGK mới là làm sao tạo động lực cho cán bộ, GV làm việc.
ThS Cao Thị Thúy Diễm dẫn chứng: “Hiệu trưởng cần có những đánh giá thường xuyên và công bằng về hoạt động dạy học của GV theo yêu cầu của chương trình mới. Hay việc tuyên dương khen thưởng những GV đạt thành tích vượt trội cũng là một cách tạo động lực làm việc cho đội ngũ GV.
Có động lực làm việc, GV sẽ tạo môi trường học tập đổi mới với việc lấy HS làm trung tâm mỗi tiết học. Khi áp dụng CT-SGK, GV sẽ rất cần đến sự hỗ trợ từ hiệu trưởng, từ phương pháp giảng dạy, các tình huống lên lớp, hoàn thiện điều kiện CSVC, trang thiết bị dạy học…, định hướng, hỗ trợ GV đạt được các mục tiêu đã đề ra…”.
PGS.TS Nguyễn Xuân Tế - Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Đội ngũ cán bộ quản lý là một trong ba trụ cột của Chương trình giáo dục phổ thông mới. “Sự chủ động, sáng tạo của thầy cô giáo chỉ có được khi có một cơ chế quản lý phù hợp, ở đó, người quản lý giữ vai trò quan trọng trong hệ thống. Đơn cử như khi cán bộ quản lý đi dự giờ giáo viên, thì phải đánh giá theo chuẩn của chương trình, tức là theo yêu cầu đạt, chứ không phải có dạy đủ ý trong sách giáo khoa hay không” - PGS Tế nêu ví dụ.
Cần được bồi dưỡng kiến thức về quản trị nhà trường
Đánh giá tình hình triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của GS.TS Phạm Quang Trung và cộng sự, Ban chấp hành Trung ương Đảng, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu động lực tự học và đổi mới, chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới, quản lý; hạn chế về ngoại ngữ và CNTT; năng lực của nhiều cán bộ quản lý chưa tương xứng với bằng cấp đào tạo.
Chính vì vậy, TS Nguyễn Ngọc Chung (Khoa Quản lý hành chính, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh) đề xuất: “Đối với cán bộ quản lý giáo dục, ngoài những yêu cầu về Chuẩn đối với hiệu trưởng trường phổ thông, cần được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng về quản lý, quản trị trường học; có năng lực chỉ đạo, triển khai, tham mưu và biết xử lý, giải quyết, đề xuất các vấn đề liên quan đến chuyên môn, nhân sự, tài chính… trong quá trình thực hiện CT-SGK mới”. Hầu hết các hiệu trưởng hiện nay đều làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân nên chất lượng, hiệu quả công tác còn hạn chế.
Theo ThS Phan Tấn Chí (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh): “Hiệu trưởng là người dẫn đầu đổi mới ở các trường phổ thông. Đề ra mục tiêu đã khó, đạt được mục tiêu còn khó hơn. Trong điều kiện chưa có đủ nguồn lực thì hiệu trưởng cần phải sử dụng, khai thác tốt nhất có thể tất cả các tài nguyên hiện có. Hiệu trưởng phải có ba biết: Biết đúng, biết đủ, biết vận dụng; ba dám: dám nghĩ, dám làm, dám chịu; đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc quản lý hiệu quả khi thực hiện CT - SGK mới. Hiện nay, người ta nói nhiều hơn về quản trị nhà trường. Vì lẽ đó, người hiệu trưởng phải cần có nhận thức rõ hơn về các công việc phải làm để quản trị hiệu quả bất kỳ một hoạt động nào trong nhà trường”.
Thạc sĩ Trần Công Kha (Trường ĐH An Giang) cũng đề xuất rằng, hiệu trưởng các trường phổ thông cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa các mối quan hệ xã hội nhằm nâng cao vai trò, vị thế lãnh đạo ở các cơ sở. Giao tiếp và quan hệ cộng đồng được xem là một trong 10 kỹ năng quyết định sự thành công của người lãnh đạo giáo dục trong thế kỷ 21. Hiệu trưởng phải có năng lực xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội với các tiêu chí: Tuyên truyền giá trị nhà trường, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo…