Hiệu trưởng “đau đầu”

GD&TĐ - Giới hiệu trưởng vẫn tâm sự với nhau, trong 3 nhiệm vụ: quản lý chuyên môn, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, thường dễ “chết” nhất là nhiệm vụ quản lý tài chính. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không tin thì thử soát lại mà xem, trong hàng trăm, hàng ngàn vụ khiếu kiện, xử lý kỷ luật hiệu trưởng trường công diễn ra vừa qua, có vụ nào mà “tư lệnh” cơ sở không bị “dính” về tài chính!

Trăm sự thành bại về tài chính nhờ kế toán tham mưu. Ấy thế mà hiện nay, ở nhiều trường học công lập từ mầm non đến THCS, vị trí này lại đang tồn tại nhiều bất ổn. Mới đây, trong một buổi hội thảo về thực hiện Luật Giáo dục, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng GD&ĐT quận 4, TPHCM bức xúc lưu ý việc xây dựng luật cần phải làm sao để những người thực thi pháp luật không rơi vào cảnh có luật nhưng không thực thi được.

Ông Ngôn cho biết: 2 năm gần đây, vấn đề tinh giản bộ máy hành chính trong các nhà trường, phòng GD&ĐT và thậm chí là Sở GD&ĐT TPHCM gặp phải lúng túng, thậm chí rất khó khăn. Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDDT-BNV, ở trường mầm non cần 4 vị trí gồm kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế, nhưng chỉ được phép tuyển dụng có 2 người, còn 2 vị trí kế toán và y tế chỉ cho phép tuyển nhân viên hợp đồng. Vì vậy, đội ngũ ở trường không được cơ bản, họ cũng không gắn bó với trường, trong khi hiệu trưởng dễ “chết” vì tài chính!

Lo lắng về thực trạng nhân viên kế toán trường học là tình trạng chung của nhiều hiệu trưởng, không chỉ ở TPHCM. Đầu năm học này, các hiệu trưởng ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã kêu trời vì 26/26 trường từ mầm non đến THCS do UBND huyện quản lý đều bị… “trắng” kế toán. Nguyên do là thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ, các trường dừng ký hợp đồng lao động với giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong đó có kế toán. Một hiệu trưởng cho biết, thiếu nhân viên văn thư, thư viện, trường có thể phân công giáo viên kiêm nhiệm, còn thiếu kế toán rất khó cho trường vì không ai có thể thay thế được nghiệp vụ này.

Vì thế, trường phải thực hiện theo hình thức “nhờ” kế toán cũ và... “nhờ” kế toán của phòng GD&ĐT mới giải quyết được các khâu thu chi, làm việc với kho bạc..! Thực trạng tương tự cũng xảy ra hồi tháng 5 vừa qua, huyện An Lão (Hải Phòng) buộc phải cắt hợp đồng với các nhân viên kế toán khối mầm non. Giải pháp thuê khoán nhiệm vụ kế toán cũng đã được các cơ sở nghĩ tới nhưng rồi phải bỏ qua vì cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc này trong đơn vị sự nghiệp công lập!

Quản lý tài chính trường học là một nhiệm vụ quan trọng của hiệu trưởng, không kém công tác quản lý hoạt động dạy học. Ngành Giáo dục ủng hộ chủ trương tinh giản nhưng do có những đặc thù nên ưu tiên hàng đầu vẫn phải đảm bảo đội ngũ nhà giáo, vậy nên lực lượng nhân viên hỗ trợ là đối tượng sắp xếp đầu tiên. Tuy nhiên, sắp xếp bố trí thế nào thì cũng không thể xem nhẹ vị trí người làm công tác tham mưu, quản lý tiền nong của trường học.

Để nhân viên kế toán ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý cho công tác tham mưu tài chính, đảm bảo cho hiệu trưởng yên tâm điều hành hoạt động nhà trường, cần thiết định biên vị trí việc làm này trong trường học, không nên để dạng hợp đồng hay “nhờ” bên ngoài. Tuy vậy, ngành Giáo dục không thể “làm chủ” được việc này do nhân sự vẫn thuộc quyền của ngành Nội vụ.

Được biết hiện ngành Nội vụ một số tỉnh đã hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng lại nhu cầu, rà soát nhu cầu tuyển dụng, trong đó có vị trí nhân viên kế toán trường học và kiến nghị lên Bộ Nội vụ xem xét giải quyết. Hy vọng tình trạng “đau đầu” về nhân sự kế toán của nhiều hiệu trưởng sẽ sớm được tháo gỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...