Tại hội nghị, Vụ trưởng Thái Văn Tài thông tin việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa như thế nào, nhất là chương trình lớp 1.
Các đại biểu dự họp được nghe giới thiệu về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, gồm quy định chương trình tổng thể, chương trình môn học và hoạt động giáo dục của các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
240 hiệu trưởng cấp tiểu học tham dự hội nghị. |
Đối với cấp tiểu học, chương trình có một số nội dung cốt lõi như: Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình mới (10 môn học và 1 hoạt động); các môn học tự chọn (triển khai ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng).
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh phát biểu tại cuộc họp. |
So với chương trình hiện hành, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Cụ thể, các môn học bắt buộc ở lớp 1, 2, 3 thực hiện 10 môn với số lượng 23 hoặc 24 tiết/tuần. Ở lớp 4, 5 thực hiện 11 môn học với 26 tiết/tuần. Các môn tự chọn gồm: tiếng Anh, Tin học và tiếng dân tộc; kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.
Mục tiêu đề ra trong chương trình giáo dục phổ thông mới là học sinh sẽ phát triển được 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất).
Các đại biểu dự họp. |
Để phát huy hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, mỗi cán bộ giáo viên ngoài việc nghiên cứu kỹ tài liệu, chương trình, cần phải chủ động đổi mới phương pháp dạy học.
Trước đây, chỉ học chung một bộ sách giáo khoa, nhưng nay sẽ có nhiều bộ và các tỉnh sẽ có sự lựa chọn riêng cho phù hợp của từng tỉnh đó. Việc thành công, chủ động, phụ huynh đồng tình ủng hộ hay không chính là sự vào cuộc của quý thầy, cô tại các trường học.
Dự kiến chương trình sách giáo khoa phổ thông 2018 sẽ được ban hành vào tháng 12/2019, chương trình sẽ áp dụng ở lớp 1 vào năm học 2020 - 2021.