Hiểu thêm về nhiệm vụ của giáo viên

GD&TĐ - Theo Điều lệ Trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư số 12 năm 2011 của Bộ GD&ĐT) quy định: Giáo án là một loại hồ sơ bắt buộc đối với tất cả các thầy, cô giáo đứng lớp. 

Soạn giáo án là nhiệm vụ bắt buộc của GV
Soạn giáo án là nhiệm vụ bắt buộc của GV

Từ soạn giáo án

Nhưng gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ việc soạn và kiểm tra giáo án vì không cần thiết nữa, chỉ là hình thức, giải phóng bớt áp lực, vất vả, mệt mỏi cho nhà giáo.

Ở góc nhìn của một nhà quản lý giáo dục và một người thầy có trên 20 năm đứng lớp ở bậc THPT, tôi lại có suy nghĩ hoàn toàn khác với các ý kiến nêu trên, giáo án luôn là công cụ, là phương tiện quan trọng nhất của người giáo viên.

Rõ ràng, việc soạn giáo án dù ở bất kỳ hình thức nào, viết tay, đánh máy vi tính hay điện tử trình chiếu thì vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động dạy học. Nó thể hiện trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà giáo và thể hiện chất lượng bài giảng. Nếu bỏ hẳn việc soạn giáo án hay lên lớp bằng giáo án không phải do mình soạn chính là người giáo viên đang đi ngược lại với hoạt động khoa học giáo dục, chúng ta cần thể hiện rõ thái độ phản bác, không đồng tình.

Soạn giáo án bắt buộc phải viết bằng tay, không được đánh máy vi tính, đó là yêu cầu cứng nhắc, máy móc của một số ít địa phương, nhà trường trong thời gian qua, khiến nhiều giáo viên ca thán, bức xúc. Đúng, cần hủy bỏ ngay yêu cầu cứng nhắc, lạc hậu, ấu trĩ như vậy, vì bây giờ là thời kỳ của công nghệ thông tin phát triển, soạn giáo án bằng đánh máy vi tính cần được hoan nghênh, khuyến khích rộng rãi hơn nữa.

Đến dạy bù

Nó là nhiệm vụ mang tính chất đột xuất, nằm ngoài kế hoạch chung thường xuyên diễn ra trong các trường học hiện nay; nhất là trong ngày dịp nghỉ lễ theo quy định của Luật Lao động, thời tiết xấu, lũ lụt…

Do giáo viên chưa nắm đầy đủ các quy định của Nhà nước, cách giải thích của nhà trường lại thiếu rõ ràng, thuyết phục nên lâu nay một bộ phận không nhỏ giáo viên luôn có sự ngộ nhận, hiểu lệch lạc về vấn đề này. Thậm chí có người còn cho rằng nhà trường chèn ép, bóc lột sức lao động nhà giáo.

Một số giáo viên ở các trường, địa phương thường có tư tưởng chán nản, không mấy hứng thú sau khi nghỉ lễ thì phải dạy bù. Vì giáo viên hay có sự suy nghĩ, so sánh với các ngành nghề khác, tại sao họ cũng giống như mình (làm công chức, viên chức) những ngày lễ theo quy định của Nhà nước họ được nghỉ trọn vẹn, chẳng phải làm bù, còn mình thì không, nghỉ lễ trúng ngày bình thường trong tuần, nếu thời khóa biểu có tiết, phải dạy bù cho đủ.

Sự thật, công việc ở những ngành nghề khác không đơn giản như giáo viên hay suy nghĩ và so sánh. Họ làm việc theo giờ hành chính, mỗi bộ phận được giao một khối lượng công việc nhất định. Trúng ngày nghỉ lễ, để đảm bảo khối lượng công việc được giao, nhiều cơ quan, nhân viên phải làm bù, làm thêm giờ. Còn hoạt động, công việc của nhà giáo có tính chất đặc thù của lĩnh vực sự nghiệp. Thời gian dạy học, số tuần, số tiết từng môn học, hoạt động của nhà trường, giáo viên phải tuân thủ theo kế hoạch, quy định chung, thống nhất của cấp trên.

Theo Thông tư số: 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9 tháng 6 năm 2017 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2017) trong đó nói rất cụ thể về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm; định mức tiết dạy; chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn).

Thử hỏi, thầy cô giáo mong muốn những ngày nghỉ lễ được nghỉ trọn vẹn, mà không phải dạy bù, dạy dồn thì nếu các ngày nghỉ đó trúng ngày bình thường làm sao đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh đây, lúc thi cử sẽ như thế nào? Lương của giáo viên Nhà nước, nhân dân trả không thiếu một đồng nhưng sao nhiều giáo viên lại muốn cắt xén tiết dạy của học sinh, không muốn dạy bù, thậm chí còn đi kêu ca đủ chỗ?

Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm
Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm 

Danh hiệu thi đua - không thể thiếu sáng kiến

GV Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và các danh hiệu thi đua, từ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên vẫn phải làm sáng kiến. Đội ngũ giáo viên được xếp vào ngạch viên chức và chịu chi phối và tác động của các quy định của Nhà nước về ngạch này.

Trước đây, theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ, về vấn đề làm sáng kiến là điều kiện buộc phải có cho việc đánh giá và xếp loại viên chức. Cụ thể, theo các Điều 25, Điều 26 và Điều 27, viên chức ( giáo viên) muốn được xếp một trong 3 loại Hoàn thành nhiệm vụ, Hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều phải đảm bảo Điểm đ. của Điều 25 là: “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Song đến Nghị định 88/2017/CP-NĐ mới ban hành, chỉ sửa đổi các Điều 26, 27 của Nghị định 56/2015, cụ thể là xếp loại viên chức ( giáo viên) ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ và mức Hoàn thành nhiệm vụ không cần điều kiện phải: “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả...”.

Như vậy về đánh giá và xếp loại, nhiều giáo viên ở các bậc học được “thoát” làm sáng kiến, nhưng diện giáo viên được đánh giá và xếp loại mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm vẫn phải làm sáng kiến.

Còn khi đăng ký và được xem xét công nhận các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh… đối với cán bộ, giáo viên thì vẫn phải làm sáng kiến “Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng...” theo các luật, nghị định, thông tư, các quy định, văn bản hướng dẫn hiện hành của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các UBND tỉnh, thành phố về công tác thi đua, khen thưởng. Hội thi giáo viên dạy giỏi (theo Thông tư 21), Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi ( theo Thông tư 43) thì sáng kiến vẫn là một yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên dự thi. Các giáo viên có những thành tích, đạt giải ở các kỳ thi, hội thi… từ cấp tỉnh trở lên thì được tính thay thế cho sáng kiến theo Thông tư 35 năm 2015 của Bộ GD&ĐT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ