Hiểu tâm lý người học để trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Giáo dục hiện nay đã và đang hướng tới mục tiêu lấy người học làm trung tâm. Giáo viên biết phát hiện và định hướng được tài năng của mình sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng giúp các em xác lập được niềm tin và tự tìm ra cách để học tập một cách có hứng thú nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chương trình phát triển nhà trường trên năng lực và tâm lý lứa tuổi

Giáo dục hiện nay đã và đang hướng tới mục tiêu lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên trong cái cốt lõi ấy thì nội dung dạy học và phương pháp dạy học vẫn đang mang nặng về kiến thức học thuật mà vấn đề tâm lý học đường vẫn chưa được nghiên cứu để làm cơ sở cho việc xác định đam mê, động lực cũng như yếu tố cản trở hứng thú học tập của học sinh để từ đó lập kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường đạt hiệu quả hơn.

Việc nắm được tâm lý và trình độ của học sinh để xếp lớp theo năng lực đối với học sinh mới chuyển cấp và thuyên chuyển lớp học, khối ôn thi Đại học cho học sinh đầu năm học sẽ giúp ích trong việc khuyến khích cũng như giúp đỡ, tham vấn, tư vấn cho các em khi bước vào năm học mới.

Đừng vội buông tay con trong quá trình trưởng thành

Theo kinh nghiệm giảng dạy đối tượng học sinh THPT và nắm bắt tâm lý phụ huynh cho thấy. Quá trình chuyển đổi tâm lý của học sinh lứa tuổi thiếu niên sang thanh niên kỳ vọng của bố mẹ là con cái sẽ lớn hơn và trưởng thành hơn nên thường việc giáo dục học sinh THPT có xu hướng bàn giao trách nhiệm cho nhà trường và thầy cô giáo.

Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng lứa tuổi thanh niên 15-18 tuổi hay còn gọi là thanh niên học sinh, các em đã có được những mối quan hệ ít tính mâu thuẫn hơn so với độ tuổi trước đó. Quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè đã trở nên thuận lợi hơn do sự trưởng thành trong nhận thức nhất định, trong việc ý thức mối quan hệ cha mẹ con cái, thầy trò. Điều này vừa là tín hiệu mừng, vừa là lỗ hổng để các em học sinh trưởng thành hay sa ngã đặc biệt là trong vấn đề mục tiêu học tập và trải nghiệm xã hội.

Nhiều phụ huynh băn khoăn việc có nên cho con em mình sử dụng máy tính, máy tính bảng, điện thoại cho mục đích học tập hay ngăn cản để tránh rủi ro từ mạng xã hội. Một điều hiển nhiên đang xảy ra là chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin nên những học sinh nào không được tiếp cận các em sẽ vô hình chung bị tụt hậu và nghiêm trọng hơn là chúng ta không chấp nhận và tin tưởng vào sự trưởng thành về mặt tâm lý của các con điều đó kích thích sự ức chế trong các mối quan hệ và tính tò mò của các em đối với những vấn đề tiêu cực và hiển nhiên điều đó không hề có lợi cho quá trình học tập và trưởng thành của các con. Thay vì cấm đoán chúng ta chấp nhận và hướng dẫn cho con em mình những kỹ năng cần thiết để thích nghi và trưởng thành theo chiều hướng tích cực.

Mỗi học sinh đều có một biệt tài

Hiện nay rất nhiều phụ huynh can thiệp vào việc chọn trường, chọn lớp, chọn khối thi THPT cho con em mình. Họ quên rằng lý thuyết đa trí tuệ đã chỉ ra rằng mỗi người có mỗi tài năng khác nhau và con cái chúng ta nếu sinh ra và lớn lên đúng như mong muốn của phụ huynh thì thế giới này sẽ quá bằng phẳng chỉ có thiên thần.

Cuộc sống không có chông gai và thử thách hiển nhiên là không có cố gắng và thành tựu. Thế giới sẽ đứng yên theo một cách nào đó mà bố mẹ đang mong muốn. Trường học cũng chỉ là nơi dạy các em các môn học cơ bản mà bố mẹ quan tâm nhưng đâu đó chúng ta có một diễn giả, một nhà văn, một họa sỹ tài ba, một thiên tài âm nhạc, một vận động viên tài năng, một nhà toán học, một nhà tâm lý học trong tương lai.

Giúp các em phát hiện và định hướng được tài năng của mình sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng giúp các em xác lập được niềm tin và tự tìm ra cách để học tập một cách có hứng thú nhất. Hãy hiểu tâm lý của con, yêu quý và biết ca ngợi những năng lực có sẵn của con em mình đó là yếu tố tiên quyết để khám phá nhiều điều ngạc nhiên và tạo điều kiện cho tất cả học sinh ở độ tuổi đến trường đặc biệt là học sinh THPT tìm kiếm được cơ hội tỏa sáng về một số mặt nào đó.

Bứt phá ở thời điểm đang học ở trường THPT là thời điểm mà những tài năng ở ngay trong con người của các em đã bị bỏ quên hoặc chưa được khai thác trong các giai đoạn trưởng thành trước đó. Phụ huynh cần phối hợp với giáo viên để trở thành nhân tố đánh thức những năng lực đang ngủ quên và kích hoạt trí thông minh theo đúng mong muốn và nguyện vọng của các con để các con được trưởng thành một cách hạnh phúc nhất và giảm thiểu áp lực trong cuộc sống.
Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.