Hiệu quả từ mô hình lớp học thông minh ở Quảng Bình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc ứng dụng mô hình lớp học thông minh trong giảng dạy giúp Trường Tiểu học Chu Văn An (Quảng Bình) nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Cô giáo Từ Mỹ Duyên hướng dẫn học sinh vào bài học.
Cô giáo Từ Mỹ Duyên hướng dẫn học sinh vào bài học.

Bước đột phá nâng cao chất lượng

Dạy học môn Tiếng Việt theo kiểu truyền thống “cô đọc, trò chép” nay không còn, thay vào đó, các em lớp 3 tại Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Đồng Hới, Quảng Bình) được học theo cách trực quan, sinh động hơn nhờ mô hình lớp học thông minh.

Khởi động đầu giờ, thay vì viết câu hỏi lên bảng, cô giáo Từ Thị Mỹ Duyên yêu cầu học sinh của mình đăng nhập vào máy tính bảng trước mặt. Lần lượt, từng em học sinh sử dụng máy của mình để hoàn thành bài tập cô giao.

Thầy và trò Trường Tiểu học Chu Văn An dạy học tại lớp học thông minh.
Thầy và trò Trường Tiểu học Chu Văn An dạy học tại lớp học thông minh.

Nhờ được đồng bộ lên bảng thông minh, cô Duyên biết được đáp án của tất cả học sinh, biết bạn nào làm nhanh, chậm. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả học sinh đã hoàn thành phần khởi động đầu giờ.

Trường Tiểu học Chu Văn An là ngôi trường tiên phong trong ứng dụng lớp học thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Cuối năm 2023, trường chủ động xây dựng mô hình lớp học kiểu mới với kinh phí gần 400 triệu đồng/1 phòng học.

Đây là một không gian lớp học được công nghệ hóa, ứng dụng thiết bị thông minh vào giảng dạy. Tablet, máy tính, bảng tương tác thông minh, tai nghe… là những thiết bị cần thiết trong lớp.

Giáo viên được cập nhật các phần mềm Class point, Canva… để khai thác sử dụng hiệu quả trong xây dựng bài giảng.

Hàng tuần, 100% học sinh của Trường Chu Văn An được học tập tại lớp học thông minh. Tất cả các môn học như: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Địa lý… được thầy cô luân phiên giảng dạy tại lớp học này.

Cô giáo Từ Thị Mỹ Duyên cho biết: “Ban đầu, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ với mô hình lớp học thông minh. Cũng nhờ đổi mới này, chúng tôi nêu cao tinh thần tự học nên mọi thứ dần chỉnh chu, hoàn thiện hơn. Sớm tiếp cận mô hình lớp học này, chúng tôi hiểu giá trị mà nó mang lại cho học sinh của mình”.

Học sinh sử dụng máy tính bảng để tương tác trực tiếp và trực tuyến tại lớp.
Học sinh sử dụng máy tính bảng để tương tác trực tiếp và trực tuyến tại lớp.

Ngoài mô hình lớp học thông minh, Trường Tiểu học Chu Văn An cũng là đơn vị tiên phong trong việc dạy học STEM công nghệ cao có ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng phần mềm Block 5 và Inventor vào dạy học STEM.

Việc ứng dụng thiết bị thông minh giúp cho giáo viên và học sinh thoát khỏi cách dạy chay, học chay truyền thống.

Hiệu quả của “số hóa” giáo dục

Sau 7 tháng triển khai, mô hình lớp học thông minh bước đầu được giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An đánh giá tích cực, giúp các tiết học thêm sinh động, hiệu quả, tăng kỹ năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh.

Học sinh trả lời câu hỏi trên máy tính bảng.
Học sinh trả lời câu hỏi trên máy tính bảng.

Cô Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An cho rằng, việc đưa mô hình lớp học thông minh vào giảng dạy là bước đột phá của giáo dục Chu Văn An.

“Lớp học thông minh tạo ra những giá trị mà lớp học truyền thống không có. Điều này được giáo viên, phụ huynh và trên 100% học sinh tại trường ghi nhận”, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa khẳng định.

Theo cô Hoa, mô hình lớp học thông minh giúp thầy và trò Trường Tiểu học Chu Văn An nâng cao năng lực tin học, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng tìm kiếm tài nguyên trên không gian mạng.

Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh được đơn giản hóa nhờ mô hình này. Việc đưa các thiết bị thông minh vào giảng dạy giúp giáo viên hiện thực hóa các ý tưởng, bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Học sinh tiếp nhận kiến thức bằng phương thức mới nên hào hứng, say mê, kết quả học tập tốt hơn, khả năng sáng tạo và tư duy được cải thiện.

Điều thiết thực nhất mà mô hình lớp học này mang lại đó là tăng hứng thú, tăng khả năng tiếp thu bài giảng.

Học sinh Trần Thảo Phương, lớp 3A1 bày tỏ: “Em rất thích học tại lớp học thông minh. Trên lớp, em được tương tác với các phần mềm mô phỏng, được các cô hướng dẫn tìm kiếm thông tin, được làm video. Từ đó, em ghi nhớ kiến thức cô dạy dễ và nhanh hơn”.

Mô hình lớp học thông minh tại Trường Chu Văn An được kỳ vọng tạo những đột phá trong giáo dục đào tạo tại Quảng Bình, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục căn bản, toàn diện.

Trong 14 năm hình thành và phát triển, Trường Tiểu học Chu Văn An đã trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng cùng những giá trị khác biệt.

Đây là trường học đầu tiên của tỉnh Quảng Bình triển khai ứng dụng điểm danh tự động bằng camera AI, phối hợp quản lý học sinh giữa gia đình và nhà trường qua ứng dụng trên điện thoại.

Đặc biệt, Trường Chu Văn An là trường học duy nhất của TP Đồng Hới được Phòng GD&ĐT Đồng Hới công nhận mức độ chuyển đổi số đạt mức 3 - mức cao nhất về chuyển đổi số trong công tác dạy học và quản trị trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ