Hiệu quả từ hướng nghiệp: Giúp học sinh chọn đúng 'điểm rơi'

GD&TĐ - Tư vấn hướng nghiệp thông qua các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh hiểu rõ yêu cầu của từng nghề cũng như năng lực thực sự để chọn đúng “điểm rơi”.

Học sinh tham gia khóa học STEM tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh đang phân tích mẫu và tiến hành thí nghiệm. Ảnh: VNUK cung cấp
Học sinh tham gia khóa học STEM tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh đang phân tích mẫu và tiến hành thí nghiệm. Ảnh: VNUK cung cấp

Hướng nghiệp không “o bế”

Trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, mỗi học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) mang theo một cây giống để trồng. Đã có gần 320 cây ăn quả, 50 cây thông và hơn 20 cây cau, 23 cây mít, 30 cây sâm cau được trồng mới tại vườn dược liệu và xung quanh khu vực trường trong chương trình Trồng cây mùa Xuân năm 2024. Trước đó, năm 2022, có 600 cây quế và sa nhân tím được trồng trong khuôn viên trường từ chương trình trên.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam cho biết: “Tùy độ tuổi, học sinh được thầy cô hướng dẫn cách làm đất, đào hố, rải phân, lên luống, đào rãnh thoát nước, trồng cây… Giáo viên không làm thay các phần việc của học sinh mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ”.

Hồ Phi Quân - học sinh lớp 6 của trường kể: “Em phụ làm rẫy với gia đình nhưng chỉ làm công việc lặt vặt, không được tự tay trồng cây. Em hỏi vì sao cây này phải đào hố, cây kia lên luống nhưng không được giải thích. Ba mẹ em chỉ bảo ông bà trồng thế rồi nên cứ làm theo”.

Ở trường, Quân cùng các bạn được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu. Những nội dung này, nhà trường lồng ghép vào một số môn học như Sinh học, Kỹ thuật… Ngoài ra, học sinh được thực hành kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ nguồn giống các loại dược liệu đặc hữu của địa phương như sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, sa nhân tím, đương quy… ngay tại vườn trường.

“Em được tự làm các công đoạn để trồng một cây con rồi tưới, bón phân, chăm sóc, theo dõi cây phát triển, hỏi thầy cô cách trị sâu bệnh... Các bạn trong lớp cùng nhau thi đua xem cây của ai phát triển tốt hơn nên rất vui”, Phi Quân cho biết.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Lập (Sơn Tây, Quảng Ngãi) cũng tự làm đất, gieo hạt, chăm sóc cây con, nhổ cỏ, bắt sâu… Với mô hình Vườn rau bán trú, học sinh nhà trường tự cung cấp rau xanh cho bếp ăn với đủ loại từ cải xanh, cải bẹ, rau muống, mồng tơi…

Tương tự, Trường THCS Đức Lợi (Mộ Đức, Quảng Ngãi) tổ chức cho học sinh khối lớp 8 và 9 trải nghiệm tại một số cơ sở làng nghề truyền thống của xã. Học sinh được tự tay thực hiện một số công đoạn trong quy trình làm nước mắm như đảo cá và lọc, rót nước mắm vào chai...

Thực học, thực làm, nhiều trường học ở miền núi đã chọn những nội dung hướng nghiệp phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Điều này giúp học sinh có thêm kiến thức khoa học để cùng gia đình tham gia phát triển kinh tế, lựa chọn ngành nghề mà địa phương có nhiều lợi thế phát triển.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) trồng cây dược liệu tại vườn trường. Ảnh: Hà Nguyên

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) trồng cây dược liệu tại vườn trường. Ảnh: Hà Nguyên

Những “nhà khoa học tập sự”

Kết nối với các cơ sở giáo dục đại học trong hướng nghiệp, nhiều trường THPT đã gửi nhóm học sinh đến trải nghiệm theo hướng chuyên sâu.

Nhóm 22 học sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) được hướng dẫn làm các thí nghiệm hóa học tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng) để tìm hiểu sâu hơn khái niệm tài nguyên nước, nước ảo (virtual water) và dấu chân nước (water footprint).

Trên cơ sở này, nhóm của em Phạm Nguyên đề xuất chính sách để những cơ sở kinh doanh du lịch tiết kiệm nước và biện pháp xử phạt hợp lý. Có thể chia riêng tiền phòng và tính phụ phí cho những dịch vụ khác như tiền nước, tiền đồ ăn... để khách du lịch lựa chọn có sử dụng những dịch vụ đó hay không. Giảm lượng nước sử dụng cho việc giặt giũ bằng cách tiếp tục dùng khăn tắm, ga trải giường đối với những khách ở lại nhiều ngày và chỉ thay mới một số thứ thực sự cần thiết…

Ngoài cơ hội được vận dụng, thực hành kiến thức hóa học, với khóa học STEM sáng tạo, học sinh phổ thông còn có dịp tìm hiểu tiềm năng ngành du lịch của thành phố, hoạch định kế hoạch kinh doanh của cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch, góp phần vào việc định hướng nghề nghiệp cho các em.

Trong một khóa học STEM khác do VNUK tổ chức, học sinh trong độ tuổi từ lớp 8 đến lớp 11 được tiếp cận kiến thức cơ bản về các phần của đại dương và quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học.

Bắt đầu từ phỏng đoán về tình trạng rác thải, học viên tiếp tục nghiên cứu tài liệu sẵn có để nhận định giả thuyết về những vùng biển tại Đà Nẵng. Tiếp đó, các em được hướng dẫn thao tác thực hiện tại những khu vực địa lý khác nhau của biển. Ngoài tự tay nhặt rác và phân loại từ 5 giờ sáng, học sinh tham gia dự án còn phỏng vấn trực tiếp các đối tượng khảo sát khác nhau trên bãi biển Mân Thái và Mỹ Khê.

Cuối cùng, để kiểm chứng cho những nhận định đặt ra ban đầu, các bạn trẻ tiến hành nghiên cứu trong phòng Lab tại VNUK, từ đó đưa ra kết luận để trình bày trong ngày tổng kết. Những lớp học này giúp nâng cao khả năng tư duy phản biện, cải thiện kỹ năng nghiên cứu, tạo nền tảng lĩnh hội giá trị giáo dục toàn diện và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học.

“Từ lớp 10, nhà trường đã triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh dựa trên nguyên tắc phù hợp sở thích, năng lực; khả năng tài chính của gia đình và cơ hội nghề nghiệp. Theo đó, học sinh lớp 10 và 11 được nhà trường giới thiệu kỹ một số nghề nghiệp theo tiêu chí “thời gian học ngắn, học phí vừa phải và sớm có việc làm”.

Bên cạnh giới thiệu thông tin về các trường đại học, nhà trường dành thời gian để tư vấn cho học sinh về trường nghề. Tham gia hướng nghiệp sớm giúp học sinh biết một số nghề cơ bản trong xã hội, từ đây có hình dung nhất định về nghề nghiệp, biết xác định ưu điểm và sở thích của mình để có những định hướng nghề nghiệp và kế hoạch học tập phù hợp”. - Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.